Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Điệp khúc thị trường lao động Việt Nam: Cần thì không có, có lại không cần
Hải Hà - 26/03/2016 08:14
 
“Việt Nam gia tăng thất nghiệp ở lao động có trình độ chuyên môn, trong khi doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động đáp ứng tay nghề” là hai nét chính trong Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý IV/2015 vừa được Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) công bố.

Bản tin đã đưa ra thống kê, trong số 1.051.600 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp quý IV/2015, thì có tới 417.300 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, như vậy, có tới 39,7%  số người thất nghiệp là lao động có đào tạo.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn của Việt Nam chỉ đạt 20% trên tổng số lao động. Đây là tỷ lệ khá thấp trong khu vực, tuy thấp như vậy nhưng chúng ta vẫn không sử dụng hết những lao động có trình độ này phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam và quãng đường tiến lên để trở thành nước công nghiệp.

.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang ở mức cao gấp 3,3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung

Trong khi đó, tham dự một số phiên giao dịch việc làm tổ chức từ tháng 2 đến nay, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá chán nản khi số người tuyển không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Bà Đặng Thị Liên, người phụ trách tuyển dụng Công ty cổ phần Thương mại và Xây lắp cơ điện Probuild (Hà Nội) cho biết: “Với đặc thù công việc là thi công các công trình xây lắp cơ điện trong các nhà máy, trong đó các đối tác chủ yếu của chúng tôi là các doanh nghiệp nước ngoài, nên Công ty đòi hỏi khá cao về tay nghề của người lao động. Trước đó, Công ty thường thuê nhân công bên ngoài theo các dự án. Tuy nhiên, với chiến lược mở rộng và tạo nguồn lâu dài, chúng tôi đang có nhu cầu tuyển khoảng 100 công nhân và một số kỹ sư. Nhu cầu tuyển dụng công nhân dường như là quanh năm”.

Mặc dù mức lương được công ty này đưa ra là khá hấp dẫn, với mức khởi điểm là 5 triệu đồng/tháng cho công nhân và sau một vài năm có kinh nghiệm và vững tay nghề, những công nhân giỏi có thể có mức lương lên tới 15 triệu đồng/tháng. Với kỹ sư, mức lương khởi điểm là 7 triệu đồng, không những thế, với những người có năng lực tốt, có thể tăng lương 2 lần/năm so với mức trung bình là 1 lần/năm. Tuy nhiên, số lượng lao động đáp ứng được tay nghề là khá ít mặc dù trong số hồ sơ của công ty nhận được có tới 50% trình độ đại học ứng tuyển cho vị trí việc làm công nhân. Vị trí công ty chỉ đòi hỏi có bằng nghề, trung cấp hoặc cao đẳng.

Lý giải nguyên nhân này, bà Liên cho rằng, tỷ lệ quá nhiều người có trình độ đại học ứng tuyển vị trí công nhân có thể do bằng đại học phổ biến, nhưng chất lượng không đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng khiến các ứng viên chấp nhận làm công nhân.

Bà Liên cũng nhấn mạnh thêm, bài toán nhân lực vẫn đang khiến “đau đầu doanh nghiệp”, bởi ngay cả những người đủ trình độ và được tiếp nhận, thì số lượng bỏ việc ở mức 30%. “Có thể do công việc xây lắp tại các công trường khá vất vả”.

Được biết, trong nhiều năm trở lại đây, ngành xây dựng và những ngành như cơ khí, luyện kim, nghề mỏ và những nghề nặng nhọc khác rất khó tuyển lao động.

Điều đáng báo động không chỉ có vậy. Thống kê từ Bản tin cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang ở mức cao gấp 3,3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Đáng lưu ý là, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở độ tuổi 20-24 có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở mức rất cao: cao đẳng chuyên nghiệp là 19,58% và đại học trở lên là 20,79%.

Trong khi đó, với những vị trí đòi hỏi năng lực cao hẳn thì doanh nghiệp tỏ ra khá ngần ngại và cho rằng, tuyển dụng qua nhận hồ sơ trực tiếp là khó khả thi.

Ông Nguyễn Văn Định, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty TNHH Phát triển đầu tư Hà Nội) cho biết: “Công ty chúng tôi tuyển dụng một vài ứng viên cho các vị trí như trưởng phòng kinh doanh, trưởng phòng pháp chế, kế toán, trưởng phòng marketing với yêu cầu tối thiểu 2 năm kinh nghiệm, nhưng từ đầu năm đến nay vẫn không tuyển được. Kênh tuyển dụng được xem là hữu hiệu nhất với những vị trí này là từ sự giới thiệu từ các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, hoặc các mối quen biết. Tuyển dụng trực tiếp, hoặc tới các trường đào tạo những chuyên ngành này là không khả thi do có tuyển dụng thì những người đó cũng không làm việc được.”

Trong khi đó, bà Hương thì tỏ ra khá lo ngại về khả năng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của thị trường lao động, bởi kết quả của thị trường lao động hiện tại phản ánh kết quả đào tạo của một vài năm trước tức là có độ trễ.

Theo bà Hương, thị trường giáo dục đại học và cao đẳng hiện nay đã vượt cầu, trong khi đó, cơ chế tuyển sinh “thông thoáng” hiện nay, với số điểm có thể trúng tuyển đại học chỉ ở mức 12 điểm đã vét gần 80% số lượng học sinh ứng tuyển thi. Không chỉ có vậy, Luật Giáo dục đại học lại cho phép liên thông sẽ khiến “thợ” ngày càng khan hiếm và “thày” tiếp tục dư cao hơn nữa.

“Do đó, để có thị trường lao động thực sự đáp ứng được yêu cầu cần phải dựa trên những thông tin về thị trường lao động, có dự báo về thị trường lao động và đặc biệt là có giải pháp phân luồng dựa trên những thông tin dự báo”, bà Hương nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư