Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Điều chỉnh mục tiêu kinh tế - xã hội 2020 để linh hoạt điều hành
Mạnh Bôn - 26/05/2020 08:09
 
Bình luận về việc Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, TS. Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Quốc hội đã 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và kinh nghiệm cho thấy, điều chỉnh là phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ linh hoạt điều hành.
.
TS. Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Quốc hội.

Việc điều chỉnh hay không điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2020 sẽ được Quốc hội quyết định vào cuối kỳ họp này. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, quan điểm của ông thế nào?

Đây không phải là lần đầu tiên, Quốc hội xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát, tăng trưởng xuất khẩu, bội chi, nợ công…

Năm 1998, do khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp khó khăn, Quốc hội đã phải điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP từ 9% xuống còn 5 - 6%. Sau đó 10 năm, năm 2008, kinh tế trong nước bị tác động tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Quốc hội cũng phải điều chỉnh tăng trưởng GDP xuống 7% thay vì 8,5 - 9% đặt ra ban đầu.

Hiện tại, vai trò, vị thế, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã khác 10 - 20 năm trước rất nhiều, song vẫn chịu tác động từ bên ngoài, thậm chí mức độ còn lớn hơn, do nước ta đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Vì vậy, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng là bình thường.

Hơn nữa, theo dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay giảm 3%, trong đó, Mỹ giảm hơn 6%, EU giảm 7,5%, Nhật Bản giảm 5,2%... Các nước trong khu vực ASEAN cũng đều được dự báo là suy giảm rất mạnh.

Với độ mở của nền kinh tế gấp hơn 2 lần quy mô GDP, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch của Việt Nam đều giảm, thậm chí rơi vào suy thoái, thì chúng ta không thể không điều chỉnh mục tiêu.

Nhưng có ý kiến cho rằng, cần phải quyết liệt phấn đấu để đạt được kết quả cao nhất có thể, thay vì giảm mục tiêu tăng trưởng?

Năm nay, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%. Để đạt được tốc độ này, thì phải đạt các chỉ tiêu khác như xuất khẩu phải tăng khoảng 7%, nhập siêu dưới 3%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33 - 34% GDP…

Do tác động tiêu cực của Covid-19, thương mại toàn cầu được dự báo giảm tới trên 30%; dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm 30 - 40%; các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam đều suy giảm hoạt động đầu tư, thương mại, nên chắc chắn chúng ta không đạt được mục tiêu đặt ra.

Khi kinh tế tăng trưởng thấp hơn mục tiêu, sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành mục tiêu của hàng loạt chỉ tiêu vĩ mô như lạm phát, bội chi, nợ công, xuất khẩu, nhập siêu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội… Vì thế, nếu không chủ động điều chỉnh, sẽ gây khó khăn trong công tác điều hành, các mục tiêu không ăn khớp với nhau, không tạo điều kiện cho Chính phủ và các, bộ, ngành chỉ đạo, điều hành linh hoạt để đạt được kết quả cao nhất.

Theo ông, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức bao nhiêu là hợp lý, khả thi?

Điều này phụ thuộc khá nhiều vào tình hình khống chế Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là 6 đối tác kinh tế lớn nhất của nước ta (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN)… Hiện rất khó dự báo chính xác trước khi tìm ra vắc-xin phòng SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, tôi được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020. Kịch bản 1, các đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong quý III/2020, thì GDP tăng 4,4 - 5,2%. Kịch bản 2, trong quý IV/2020, các đối tác kinh tế quan trọng mới khống chế được dịch bệnh, thì GDP tăng trưởng 3,6 - 4,4%.

Từ 2 kịch bản này và từ thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay quanh mức 4,5% là khả dĩ nhất và có thể đạt được. 

Quý I, GDP tăng 3,82%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - đầu tàu, động lực của nền kinh tế vẫn tăng 7,12%. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu trong tháng 4 có khởi sắc, hoặc ít nhất đã qua điểm đáy. Từ đầu tháng 5, dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều nền kinh tế đã dần gỡ bỏ, nới lỏng giãn cách xã hội. Đây là điều kiện để Việt Nam gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu, qua đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý II sẽ được cải thiện.

Tôi nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 4,5% không phải là “đáp án cuối cùng”, mà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, là phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt tại các quốc gia, thị trường quốc tế phục hồi, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GDP 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 là 6,5%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 4,5% trong năm 2020 và phấn đấu cao hơn, nền kinh tế cần dựa vào những động lực nào, thưa ông?

Còn rất nhiều dư địa thúc đẩy GDP tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm. Đó là vốn đầu tư công năm nay có khoảng 700.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước tới nay, nhưng 4 tháng đầu năm mới giải ngân khoảng 19% kế hoạch. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, nhưng 5 tháng đầu năm mới tăng khoảng 1,3%. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do Covid-19, các tổ chức tín dụng đã mạnh dạn hạ lãi suất cho vay, nên từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ rất cao. Việc nới lỏng và chấm dứt giãn cách xã hội sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Các giải pháp hỗ trợ khác  như gia hạn nộp thuế, hỗ trợ người dân bằng tiền mặt… sẽ góp phần tăng tiêu dùng nội địa, kích hoạt sản xuất. Ngoài ra, giá thịt lợn đang rất cao là động lực để doanh nghiệp, người dân tập trung chăn nuôi lợn - lĩnh vực đóng góp khá cao trong nông nghiệp, cũng góp phần tăng trưởng kinh tế.

[Infographic] 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của thành phố Hà Nội
Năm 2019, kinh tế - xã hội của Hà Nội phát triển toàn diện, 7/22 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch. Năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư