Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 30 tháng 08 năm 2024,
Điều tra viên và cựu Chủ tịch Vimedimex đối chất vụ đấu giá đất Đông Anh
Huệ Nguyễn - 30/08/2024 15:56
 
Tại phiên tòa sơ thẩm vừa được mở lại, dù chưa có giám định các bút lục được cho là có dấu hiệu cắt ghép, song Hội đồng xét xử đã triệu tập một điều tra viên để đối chất với cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan.

Sáng 30/8, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở lại phiên xét xử vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, liên quan tới các sai phạm trong quá trình đấu giá đất tại thôn Cổ Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Trong vụ án này, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex (Tập đoàn Vimedimex) Nguyễn Thị Loan và 5 bị cáo khác bị đưa ra xét xử với cáo buộc vi phạm quy định về đấu giá tài sản, gây thiệt hại hơn 135 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án này, các cơ quan tố tụng đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ nhiều nội dung liên quan tới cáo buộc hành vi phạm tội của một số bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa mở ngày 30/8.

Thêm vào đó, tại phiên tòa được mở hồi tháng 4/2024, sau sau 6 ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung việc thực hiện giám định chữ ký của bị cáo Nguyễn Thị Loan và xác minh tài liệu liên quan đến điều tra viên Bùi Đức Hiếu, Tạ Biên Cương, do bị cáo cho rằng, nhiều bút lục có dấu hiệu cắt ghép, lập không đúng quy định.

Cùng với đó, xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; và xem xét, làm rõ quy trình thẩm định và ban hành chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần Định giá VNG Việt Nam.

Tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử đã triệu tập điều tra viên Tạ Biên Cương và một kiểm sát viên được phân công tham gia quá trình điều tra vụ án.

Trình bày trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Loan tiếp tục đề nghị giám định các bút lục ghi lời khai như đã đề nghị nhiều lần trước đó. Theo bị cáo Loan, các bút lục ghi biên bản hỏi cung của điều tra viên Nguyễn Quốc Dũng là đúng; còn lại các bút lục có ký tên của điều tra viên Bùi Đức Hiếu và Tạ Biên Cương có dấu hiệu cắt ghép, cần giám định, bởi hai điều tra viên này chưa bao giờ thực hiện hỏi cung bị cáo.

Đối chất tại tòa, điều tra viên Tạ Biên Cương cho biết, quá trình điều tra, được phân công tham gia điều tra vụ án, có trực tiếp lấy lời khai của bị cáo Loan, trong đó có lấy 3 biên bản lời khai và 1 biên bản hỏi cung, có luật sư của bị cáo Loan tham gia.

Liên quan tới quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng như khởi tố, bắt tạm giam đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex, luật sư cho biết, bị cáo Loan không thuộc trường hợp phải áp dụng bắt khẩn cấp vào ban đêm và bị cáo đang bị sốt cao.

Trong khi đó, điều tra viên Tạ Biên Cương cho biết, tuy không tham gia trực tiếp, nhưng qua nắm bắt hồ sơ, được biết khi tiến hành khám xét phòng làm việc, phát hiện máy tính bị tháo, nên xác định có dấu hiệu tiêu hủy chứng cứ. Nếu không giữ người khẩn cấp thì có thể không phục vụ tốt quá trình điều tra, nên đã ra lệnh bắt khẩn cấp theo quy định.

Đối chất vấn đề này, bị cáo Loan cùng luật sư cho rằng, trong hồ sơ vụ án không có nội dung nào thể hiện việc phòng làm việc của bị cáo có máy tính hoặc có việc tiêu hủy chứng cứ.

Bên cạnh đó, một luật sư khác của bị cáo Loan cũng hỏi điều tra viên về việc trong biên bản thực hiện bắt giữ khẩn cấp đối với bị can Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội ghi tại Trại tạm giam số 1, và có chứng kiến của bị cáo Loan.

Tuy nhiên, bị cáo Loan khẳng định, không được mời chứng kiến việc này, đồng thời bản thân bị tạm giam tại Trại tạm giam số 2 (cách nhau 20 km). Hơn nữa, trong cùng khung giờ này, hiện một biên bản lại thể hiện nội dung điều tra viên Bùi Đức Hiếu đang lấy lời khai đối với bị cáo Loan.

Theo trả lời của điều tra viên Tạ Biên Cương, việc ghi sai này có thể có sai sót, song không làm ảnh hưởng, thay đổi bản chất vụ án.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội, quá trình định giá đất để xác định giá khởi điểm làm cơ sở tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã để xảy ra nhiều sai phạm.
Một số cán bộ huyện Đông Anh và đơn vị thẩm định giá đã không định giá đất khách quan mà thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế.
Việc này đã gây hậu quả làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của bị cáo Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.
Vụ sai phạm trong đấu giá đất tại Đông Anh (Hà Nội): Hội đồng Thẩm định giá đất bị “vô hiệu”
Hội đồng Thẩm định giá đất cụ thể TP. Hà Nội đã tiến hành định giá đất chỉ dựa vào chứng thư thẩm định đã bị “dìm giá” của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư