Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
DN và ngân hàng cùng tắc, tín dụng khó tăng 12%
Hà Tâm - 27/10/2013 10:06
 
Dư nợ tín dụng có thể tăng nhanh hơn từ nay đến cuối năm, song tính chung, vẫn khó đạt mục tiêu tăng trưởng 12% của cả năm.

Năm 2013, khó đạt mức tăng trưởng tín dụng 12%

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, dư nợ tín dụng trong 9 tháng đầu năm ước tăng 6,64%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,5% của cùng kỳ năm 2012.

Sức cầu của nền kinh tế chưa cải thiện khiến các ngân hàng rất lo lắng về tăng trưởng tín dụng

Trong 3 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng có thể tăng nhanh hơn do tác động của các giải pháp tăng tổng cầu và các biện pháp khơi thông tín dụng. Do vậy, Chính phủ vẫn kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 12%.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các ngân hàng thương mại, mục tiêu trên không dễ đạt được.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt 11%. Lý do là, tuy vốn rẻ, ngân hàng thừa vốn, song thanh khoản của nền kinh tế vẫn đang “có vấn đề”, khiến dòng vốn chưa thể lưu thông mạnh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongABank thừa nhận, hiện nay, cả ngân hàng và doanh nghiệp (DN) đều đang “tắc”. DN thì tắc khâu tiêu thụ, còn ngân hàng thì tắc vốn, không thể cho vay.

Sức cầu của nền kinh tế chưa cải thiện khiến các ngân hàng rất lo lắng về tăng trưởng tín dụng năm nay. Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho rằng, tín dụng cả năm chỉ tăng khoảng 9%.

Trên thực tế, thời gian gần đây, một số ngân hàng tăng trưởng mạnh tín dụng là dựa vào cho vay tiêu dùng, trong khi cho vay DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chưa mấyï chuyển biến, chứng tỏ sự hồi phục của DN diễn ra rất chậm.

Chẳng hạn, tính đến hết tháng 9/2013, dư nợ tín dụng của Sacombank tăng 13,4%, song 70% tổng dư nợ của ngân hàng này là cho vay khách hàng cá nhân. Hay như trường hợp Vietcombank, dù tín dụng đã tăng đến 5,1% tính đến tháng 9/2013, cải thiện rất nhiều so với con số âm 1,47% trong 6 tháng đầu năm, song theo bà Trương Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho vay DN nhỏ và vừa chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ của ngân hàng này.

Cơ hội phục hồi trong năm 2014

Tín dụng năm 2013 tăng trưởng ì ạch, song cơ hội phục hồi đang rộng mở cho năm 2014. Dù báo cáo của Chính phủ về nhiệm vụ năm 2014 - 2015 trước Quốc hội đầu tuần này không đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể cho năm 2014, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tín dụng năm 2014 có thể tăng tới 14 - 15% nhờ nhiều yếu tố hồi phục đang xuất hiện.

Thứ nhất, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam có triển vọng tăng trưởng nhanh (xuất khẩu năm 2014 dự báo tăng khoảng 10%).

Thứ hai, mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm 2014 là tăng trưởng GDP đạt 5,8%, bội chi ngân sách được nới lên 5,3%, tổng đầu tư toàn xã hội tăng lên 30%. Đầu tư công gia tăng sẽ tác động lan tỏa đến các ngành, các lĩnh vực khác, kéo tín dụng tăng.

Thứ ba, Việt Nam đã bắt tay vào xử lý nợ xấu và việc xử lý nợ xấu dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2014, khiến dòng vốn ngân hàng chảy nhanh hơn vào nền kinh tế.

Tuy nhận định cơ hội phục hồi kinh tế và tín dụng cho năm 2014 là rất lớn, song các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, khả năng phục hồi chỉ có thể xảy ra nếu Việt Nam bán nợ thành công.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia bán nợ cho nước ngoài cho thấy, nước ngoài có thể nhảy vào Việt Nam mua nợ, song không có nghĩa là họ sẽ thâu tóm nền kinh tế. Đơn cử, khi Hàn Quốc bán nợ, các tập đoàn của Mỹ đã nhảy vào mua rất nhanh các tập đoàn lớn của nước này. Nhưng chỉ sau 3 năm, họ đã tái cấu trúc hoàn toàn các DN đã mua, bán lại với giá cao cho các DN Hàn Quốc và rút khỏi thị trường. Điều này giúp Hàn Quốc nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng nợ xấu, các “con bệnh” từ chỗ hấp hối đã trở nên khỏe mạnh.

Xin nới “room” để đẩy tín dụng
Với mức tăng trưởng tín dụng đạt trên dưới 10%, các ngân hàng VietCapital Bank, HDBank, NamA Bank... đang có kế hoạch xin tăng “room” tín dụng để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư