Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đỗ Phan Hoàng Sương, CEO Dalat Foodie: Bà mẹ “bỉm sữa” giải bài toán thực phẩm hữu cơ
Thu Phương - 20/08/2020 10:09
 
Ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, Đỗ Phan Hoàng Sương cùng đội ngũ tại Dalat Foodie đã xác định tập trung khai thác thị trường ngách, phát triển các sản phẩm hữu cơ dành cho thế hệ tương lai.
.
Đỗ Phan Hoàng Sương, CEO Dalat Foodie.

Khởi nghiệp nông nghiệp dễ bắt đầu, khó về sau

Được cộng đồng khởi nghiệp biết đến khi tham gia Chương trình “Shark Tank Việt Nam” mùa 3, “mẹ bỉm sữa” Đỗ Phan Hoàng Sương gây ấn tượng mạnh về câu chuyện khởi nghiệp Dalat Foodie.

Dalat Foodie là công ty chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ theo mô hình Farm to Table (từ nông trại tới bàn ăn). 

Cụ thể, Dalat Foodie bán đồ sơ chế và thực phẩm chế biến sẵn phục vụ từng đối tượng với mức độ bận rộn khác nhau. Bên cạnh đó, với người muốn mua thực phẩm về tự chế biến, cửa hàng sẽ bán rau tươi hoặc bán theo combo kèm thực đơn và gợi ý nấu nướng.

Chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp, CEO Dalat Foodie tâm sự, xuất phát từ sự đồng cảm với nỗi trăn trở chung của các “mẹ bỉm sữa” về sự an toàn, sức khỏe con cái kể từ khi còn trong bụng mẹ, Dalat Foodie đặt mục tiêu mở rộng cộng đồng nuôi trồng, sản xuất thực phẩm hữu cơ, nâng cao nhận thức về sức khỏe, môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện tại, Dalat Foodie liên kết với nhiều nông dân, kỹ sư nông nghiệp tại nhiều vùng miền để sản xuất nguyên liệu. Hơn 90% sản phẩm tại Dalat Foodie đã và đang được trồng và chế biến theo hướng hữu cơ và 10% sản phẩm còn lại được trồng, sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn có kiểm soát. Năng suất trung bình của rau - củ - quả hữu cơ đạt 4 tấn/1.000 m2/năm, gạo đạt 4 tấn/ha/2 vụ/năm.

Cùng với đó, Dalat Foodie đang liên kết sản xuất hơn 50 loại trái cây, hơn 100 loại rau - củ - quả và ngũ cốc. Tất cả đều được đa canh, luân canh, xen canh trồng và thu hoạch theo mùa vụ, phù hợp với đặc điểm từng giống cây. Vùng nguyên liệu của Dalat Foodie có mặt tại nhiều tỉnh như Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng, Quảng Trị.

Song song với việc phát triển các sản phẩm của Dalat Foodie, cuối năm 2018, Đỗ Phan Hoàng Sương đã cho ra mắt thương hiệu Jarganic - salad và nước ép hữu cơ - bữa ăn dành cho sức khỏe và sắc đẹp. Sản phẩm này phục vụ những khách hàng có thu nhập trung cao, quan tâm về sức khỏe, nhưng không có nhiều thời gian nấu ăn tại nhà.

CEO Dalat Foodie chia sẻ, khởi nghiệp nông nghiệp rất dễ để bắt đầu, nhưng thực sự khó  thành công, bởi  người sản xuất chưa thực sự làm chủ và các khâu từ thu hoạch tới sơ chế, bảo quản còn nhiều bất cập.

CEO Dalat Foodie cũng cho rằng, chỉ khi làm chủ được đầu ra và chuỗi giá trị, lợi ích các bên từ người nông dân cho tới người tiêu dùng mới cân bằng. Người nông dân phải sống và làm giàu được từ chính những gì mình làm ra, thì sản phẩm ấy mới thực sự bền vững.

Tiến quân ra Bắc

Khởi sự kinh doanh từ năm 2015, Dalat Foodie chấp nhận lỗ đến năm 2018 để mở rộng hoạt động. Từ năm 2019, Công ty mới có lãi. Tính đến ngày 31/3/2019, Dalat Foodie đạt doanh thu 10,5 tỷ đồng, phục vụ hơn 15.000 khách hàng với lợi nhuận 0,46 tỷ đồng. Giá trị đơn hàng trung bình ở mức 290.000 đồng/đơn.

Tháng 10/2019, Đỗ Phan Hoàng Sương tham gia gọi vốn tại Chương trình Shark Tank Việt Nam và cô đã được cái gật đầu của Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom Group, với thương vụ 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần. Mới đây, tại Hà Nội, CEO của Dalat Foodie đã chính thức đặt bút ký bản hợp tác cùng Intracom Group sau 6 tháng thẩm định doanh nghiệp.

Nhiều người nói, khởi nghiệp nông nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ còn khó bấp bội, bởi tại Việt Nam, thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn rất mới.

Đỗ Phan Hoàng Sương, CEO Dalat Foodie

“Từ cuối năm 2019, chúng tôi luôn ấp ủ ý định mở rộng thị trường ra phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Với việc ký kết đầu tư lần này, dự kiến các sản phẩm hữu cơ của Dalat Foodie sẽ xuất hiện tại Hà Nội trong tháng 8/2020”.

Song song với việc cung cấp rau - củ - quả tươi để khách hàng tự chế biến, Dalat Foodie sẽ bán thêm các sản phẩm Jarganic. Đặc biệt, khi mua hàng theo combo, Dalat Foodie sẽ sơ chế và tặng kèm công thức gợi ý nấu để giúp khách hàng tiết kiệm thời gian.

CEO Dalat Foodie nhấn mạnh, điểm đặc biệt của Dalat Foodie là tất cả sản phẩm của Công ty bán ra thị trường đều có gắn mã code, khách hàng có thể quét mã để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Chia sẻ định hướng phát triển trong thời gian tới, Hoàng Sương cho biết, Dalat Foodie hướng tới trở thành thương hiệu đầu tiên được lựa chọn khi khách hàng bước vào giai đoạn mang thai và cho con ăn dặm với hệ thống chuỗi cửa hàng, đại lý phân phối tại 10 thành phố lớn, như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang...

Đồng thời, Dalat Foodie cố gắng đưa giá thực phẩm hữu cơ xuống mức giá hợp lý.

Bên cạnh đó, Dalat Foodie tập trung nghiên cứu phát triển thêm nhiều dòng thực phẩm chế biến từ rau, quả hữu cơ, đẩy mạnh kênh phân phối trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Về dài hạn, Dalat Foodie mong muốn phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu, lan tỏa việc làm nông nghiệp hữu cơ, để từ đó có thể cải tạo, bảo tồn đất đai, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, tạo thêm việc làm và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp Việt.

CEO của Lozi và Loship Nguyễn Hoàng Trung: Hãy mơ những giấc mơ lớn!
Khi phát triển nền tảng Loship, Nguyễn Hoàng Trung, nhà sáng lập, CEO của Lozi và Loship đã đặt mục tiêu trở thành một công ty tỷ đô, một “kỳ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư