Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Đo “sức khỏe” của PAIC khi SCIC muốn thoái toàn bộ vốn
Thanh Huyền - 14/03/2023 08:22
 
Lợi nhuận của CTCP Công nghệ thông tin viễn thông và tự động hóa dầu khí (PAIC) được tạo ra chủ yếu từ khoản doanh thu tài chính, mà không phải từ hoạt động kinh doanh chính.

Tới 4/5 cổ đông lớn đều là “người nhà” dầu khí

Theo kế hoạch, phiên đấu giá lô cổ phần của PAIC (mã chứng khoán PAI, sàn UpCOM) thuộc sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ diễn ra ngày 16/3 tới, được tổ chức tại CTCP Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia.

Thông tin từ SCIC cho biết, loại cổ phần chào bán là cổ phần phổ thông, tự do chuyển nhượng. Lô cổ phần gồm 576.120 cổ phần, có giá khởi điểm là hơn 7,73 tỷ đồng, tương đương hơn 13.419 đồng/cổ phần. Mặc dù cổ phiếu PAI có đăng ký giao dịch trên UpCOM, nhưng gần như không có giao dịch mua bán, nên mức giá tham chiếu 12.200/cổ phần duy trì lâu nay trên sàn khó phản ánh chính xác giá trị của cổ phiếu PAI.

Được biết, PAIC chính thức đi vào hoạt đồng từ đầu năm 2009, hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông, dịch vụ tự động hóa và tích hợp hệ thống, phát triển và triển khai các phần mềm.

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn thoái vốn, các hệ số nợ của CTCP Công nghệ thông tin viễn thông và tự động hóa dầu khí (PAIC) thấp, cho thấy chỉ tiêu an toàn tài chính của Công ty rất tốt.

Vốn điều lệ của Công ty là hơn 42,35 tỷ đồng, tương đương 4,235 triệu cổ phần. Mặc dù tổng số cổ đông tại thời điểm ngày 30/12/2022 là 104 cổ đông, nhưng có thể nói, cơ cấu cổ đông của Công ty rất cô đặc. PAIC có 5 cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 97,7% cổ phần và đều là cổ đông tổ chức.

Cổ đông sở hữu lớn nhất là CTCP Thương mại dầu khí (PETECHIM) với tỷ lệ 51,58% cổ phần, tiếp đến là SCIC sở hữu 13,6% cổ phần. Ba cổ đông lớn còn lại cũng đều là các doanh nghiệp trong “họ” dầu khí, gồm CTCP Dịch vụ kỹ thuật điện lực dầu khí Việt Nam (PVPS), nắm giữ 11,9% cổ phần, CTCP Chứng khoán dầu khí (PSI), nắm giữ 11,85%cổ phần; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP (PVFCCo), nắm giữ 8,5% cổ phần.

Với cơ cấu cổ đông này, nhà đầu tư nào “thế chân” SCIC để sở hữu lượng cổ phần mà SCIC chào bán cũng khó có được tiếng nói trong các vấn đề quan trọng, bởi PETECHIM đã nắm quá bán số cổ phần, hơn nữa, các cổ đông lớn còn lại đều liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Lợi nhuận chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng

Điểm tích cực của PAIC là có kết quả kinh doanh khá ổn định. Trong giai đoạn 2020 - 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng PAIC vẫn duy trì tỷ lệ cổ tức đều đặn, lần lượt là 4%, 6% và 8% trong 3 năm qua.

Báo cáo tài chính các năm 2020, 2021 và quý IV/2022 cho thấy, doanh thu của các năm 2020 và 2021 đều quanh ngưỡng 100 tỷ đồng, năm 2022 giảm về 74,6 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của Công ty trong giai đoạn này vẫn duy trì ổn định, dao động từ 3,4 đến 3,7 tỷ đồng mỗi năm.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty đạt 72,4 tỷ đồng, trong đó, số dư tiền mặt lên tới 41,8 tỷ đồng. So với cuối năm 2021, tổng tài sản của PAIC giảm mạnh 28%, nguyên nhân chủ yếu là do các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh từ 38,24 tỷ đồng, xuống còn 17,43 tỷ đồng. Tuy vậy, Công ty vẫn đang phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 4,3 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt hơn 48 tỷ đồng. Ngoài phần vốn góp của chủ sở hữu 42,35 tỷ đồng, Công ty đang có hơn 4,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Phần còn lại được trích lập vào các quỹ khác. Đáng chú ý, trong năm qua, nợ của PAIC giảm từ 44,5 tỷ đồng xuống còn 24,4 tỷ đồng, chủ yếu do khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm mạnh. Công ty cũng không có bất kỳ khoản vay và nợ thuê tài chính nào.

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn đợt thoái vốn là Công ty Chứng khoán quốc tế Hoàng Gia, các hệ số nợ của PAIC thấp, cho thấy chỉ tiêu an toàn tài chính của Công ty rất tốt. Tài sản của Công ty được tài trợ chủ yếu từ nguồn vốn tự có. “Công ty luôn đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ nguồn vốn tự có”, đơn vị đánh giá cho hay.

Tuy nhiên, khoản lợi nhuận của PAIC được tạo ra chủ yếu từ khoản doanh thu tài chính mà không phải từ hoạt động kinh doanh chính, do đó, chỉ tiêu về khả năng sinh lời ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản), ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) thấp.

Để tăng hiệu quả từ hoạt động kinh doanh chính, PAIC cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện quyết liệt để hoàn thành các hợp đồng, dự án đang triển khai, nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ của hợp đồng dịch vụ thường xuyên với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đồng thời, quản trị chặt chẽ chi phí, giảm giá vốn hàng bán, dịch vụ.

Về phát triển thị trường, PAIC sẽ chú trọng cung cấp hàng hóa, thiết bị, bản quyền phần mềm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mảng điện toán đám mây.

DN thông tin, viễn thông: Có kịp “chuyến tàu cổ phần hóa”?
Một số doanh nghiệp nhà nước trong ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang chịu nhiều áp lực và vướng mắc trong cổ phần hóa vì đây là ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư