Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu đầu tư Dự án “Công viên dược phẩm” tại Thanh Hoá
Minh Châu - 27/08/2021 16:10
 
Thanh Hoá là một trong 12 tỉnh, thành phố được các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn, tìm hiểu để đầu tư Dự án “Công viên dược phẩm”.

Sáng 27/8, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã tham dự buổi làm việc trực tuyến với Đại sứ Phạm Sanh Châu, các Tham tán, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ về việc vận động Dự án “Công viên dược phẩm”.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết tỉnh Thanh Hoá là 1 trong 12 tỉnh, thành phố được các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn, tìm hiểu để đầu tư Dự án “Công viên dược phẩm”.

Toàn cảnh buổi làm việc

Dự án “Công viên dược phẩm” có mục tiêu xây dựng khu được phẩm đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Dự án hướng tới việc thu hút các công ty dược phẩm toàn cầu kết nối, thiết lập cơ sở sản xuất; nâng cao khả năng tự chủ về dược phẩm, đưa Việt Nam lên bản đồ dược phẩm thế giới.

Dự án có quy mô khoảng 500 ha, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD, mục tiêu sẽ tạo việc làm cho 50.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp…

Các nhà đầu tư Ấn Độ mong muốn tìm kiếm hạ tầng đầu tư, phát triển sản xuất trong thời hạn 99 năm tại những khu vực có môi trường đầu tư bền vững, có kết nối với hệ thống giao thông - vận tải thuận lợi, nhất là hệ thống giao thông đường hàng không, đường thuỷ…

Để có thể thực hiện thành công dự án tại Việt Nam, yêu cầu mà các nhà đầu tư Ấn Độ đặt ra cũng rất khắt khe, bao gồm: đất đai; cơ sở hạ tầng thiết yếu; kết nối giao thông; nguồn nước, năng lượng; nguồn nhân lực; các cơ sở xử lý nước thải và rác thải rắn; các hỗ trợ từ Chính phủ.

Điểm cầu tại Thanh Hóa

Tại buổi làm việc trực tuyến, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế riêng biệt về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, mạng lưới giao thông, trình độ và tay nghề của lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô nền kinh tế tỉnh Thanh Hoá luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đồng thời, trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về y tế chuyên sâu.

Ông Nguyễn Văn Thi cho biết thêm, trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân là một trong năm trụ cột tăng trưởng của tỉnh, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm về dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung Bộ… Do vậy, việc kêu gọi, vận động Dự án “Công viên dược phẩm” từ Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, để thuyết phục được các nhà đầu tư, tỉnh Thanh Hoá cần cung cấp thêm những thông tin cụ thể, chi tiết hơn về mặt bằng quỹ đất, nguồn nhân lực, những chính sách hỗ trợ khuyến khích và thông tin về doanh nghiệp có đủ tiềm lực để triển khai dự án. Đồng thời, cung cấp đầu mối để thuận lợi cho việc liên lạc, thông tin về Dự án “Công viên dược phẩm”.  

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thi khẳng định Tỉnh sẽ triển khai thực hiện những yêu cầu mà Đại sứ quán đưa ra về đầu mối liên lạc, thông tin về các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đã giao Sở Ngoại vụ tiếp tục thực hiện đấu mối thông tin về vận động Dự án “Công viên dược phẩm”; Văn phòng UBND Tỉnh tổng hợp những yêu cầu, đề xuất của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ để giao các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh cung cấp thông tin, trả lời phía Ấn Độ trong thời gian sớm nhất.

Nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ lên 15 tỷ USD
Hai bên nhất trí nỗ lực sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, giảm thiểu các rào cản kỹ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư