Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Bình Phước than khổ vì phí BOT giao thông
Ngọc Tuấn - 14/04/2019 10:14
 
Mỗi đơn vị sản phẩm sản xuất ra tại Bình Phước, đưa đi bán qua Cảng Cát Lái (TP.HCM) phải chịu tới 24 lượt phí BOT. Gánh nặng này khiến nhiều doanh nghiệp Bình Phước lo không thể cạnh tranh.
.
Các doanh nghiệp tại Bình Phước bức xúc vì mật độ các trạm thu phí giao thông quá dày.

Doanh nghiệp kêu gánh nặng chi phí

Cần phải khẳng định rằng, chủ trương đầu tư dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là lựa chọn ưu việt trong bối cảnh Bình Phước thiếu hụt nguồn lực. Các dự án BOT giao thông đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương có bước phát triển quan trọng.

Tuy nhiên, mật độ các dự án BOT dày đặc khiến không ít người dân và doanh nghiệp tại Bình Phước ngao ngán.

Theo thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải Bình Phước, tỉnh đang có 5 dự án BOT giao thông, trong đó 4 dự án là đầu tư nâng cấp, mở rộng trên các tuyến đường hiện hữu. Chỉ duy nhất dự án hình thành tuyến đường hoàn toàn mới là Dự án BOT đường Đồng Phú – Bình Dương (giai đoạn I, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng). Ngoài ra, trên địa bàn Bình Phước có 1 dự án BOT Quốc lộ 14, đoạn từ Cầu 38 đến Đồng Xoài do Bộ Giao thông - Vận tải triển khai thực hiện.

Ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước tính toán, chỉ tính riêng trên tuyến ĐT.741 thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước, có tới 3 trạm thu phí trên quãng đường hơn 60 km. Tuyến Quốc lộ 13 từ huyện Chơn Thành đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lưu cũng có 2 trạm thu phí. Đặc biệt, trên quãng đường từ thị xã Phước Long đến TP.HCM (chiều dài khoảng 130 km) các phương tiện giao thông phải đi qua 6 trạm thu phí BOT.

“Mỗi đơn vị sản phẩm sản xuất ra tại Bình Phước, đưa đi bán qua Cảng Cát Lái (TP.HCM), tính từ khi nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất rồi xuất đi, phải chịu tới 24 lượt phí BOT”, ông Thuận nói. Nếu tính chi tiết, chi phí vận tải trên 1 đơn vị sản phẩm từ tỉnh Bình Phước đi Cảng Cát Lái gấp hơn 10 lần so với chi phí từ Cảng Cát Lái đi các cảng Thượng Hải, Thanh Đảo (Trung Quốc). Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu thêm chi phí vô hình, như tốn kém thời gian, giảm hiệu xuất vận tải trên đầu phương tiện và đơn vị sản phẩm.  

Chung quan điểm, ông Mai Văn Thanh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải ô tô Bình Phước bức xúc vì mật độ các trạm thu phí giao thông quá dày. Nghịch lý là quá trình thu phí không hợp lý, thay vì giảm giá dần khi chủ đầu tư tăng luỹ kế hoàn vốn dự án theo thời gian, thì các trạm thu phí BOT lại tăng ở tất cả mức phí, trong khi lưu lượng xe lưu thông ngày càng gia tăng. “Bình Phước cần có giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp vận tải”, ông Thanh đề xuất.

Địa phương nói các dự án tuân thủ đúng hợp đồng

UBND tỉnh Bình Phước cần làm rõ bất cập về thời hạn thu phí hoàn vốn quá dài, khoảng cách giữa các trạm thu phí, chất lượng đường sá, mức giá thu phí để doanh nghiệp, người dân giảm bớt gánh nặng. Đây là một trong số đề xuất mà các hiệp hội doanh nghiệp, gồm Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Doanh nghiệp Vận tải tỉnh Bình Phước, đưa ra trong cuộc đối thoại với chủ đầu tư các dự án BOT và các sở, ngành mới đây.

Tại cuộc đối thoại, ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, chính quyền tỉnh rất trăn trở với vấn đề BOT giao thông. Vì khó khăn về nguồn vốn, nên tỉnh kêu gọi đầu tư từng đoạn đường ĐT.741, dẫn đến tình trạng trên 70 km có đến 3 trạm thu phí BOT.

“Tỉnh đang tính toán một số giải pháp, như sẽ không chấp thuận việc tăng giá, đồng thời xem xét giảm giá phí theo quy định cho các đối tượng là người dân sống trong khu vực lân cận”, ông Minh đưa ra một số giải pháp.

Tuy vậy. ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Phước cho rằng, xét tổng thể, việc hình thành các tuyến đường BOT đã tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối thông thương, tạo điều kiện cho tỉnh thu hút đầu tư. Các trạm thu phí BOT vẫn duy trì như hợp đồng ký kết, không phát sinh trạm phụ.

Vị trí đặt các trạm thu phí dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, tính khả thi, tính thực tế của dự án. UBND đã báo cáo và thông qua HĐND tỉnh Bình Phước. 3 trạm BOT trên Quốc lộ 13 cũng được báo cáo và có sự chấp thuận của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.

“Các dự án BOT giao thông đang được triển khai theo đúng nội dung hợp đồng đã ký”, ông Tuấn khẳng định.

Dưới góc độ chủ đầu tư, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước cho biết, dự án đi vào khai thác khá tốt, chủ đầu tư đã có lời.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên bên lề cuộc đối thoại, ông Võ Quang Thuận bày tỏ sự thất vọng khi chưa thấy giải pháp thoả đáng nào được đưa ra nhằm hài hoà lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngày 7/5/2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4139/VPCP-CN chỉ đạo tỉnh Bình Phước rà soát toàn bộ các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT thuộc thẩm quyền phê duyệt để điều chỉnh bất cập về mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ.

Ngày 3/11/2018, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước có Đơn kêu cứu khẩn cấp số 72/CV-HHDNNVV phản ánh những bất cập các trạm thu phí BOT gửi các cơ quan Trung ương và địa phương.

Ngày 4/4/2019, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo một số sở ngành, các tổ chức, doanh nghiệp với nội dung liên quan đến thực hiện các dự án BOT trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào đảm bảo lợi ích của các bên được đưa ra.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chặt hoạt động thu phí BOT trên cả nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư