Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp cần chiến lược đầu tư 5G hiệu quả
Tú Ân - 11/11/2024 11:04
 
Công nghệ 5G được xem là một nền tảng mới giúp chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trưởng đột phá, nhưng rào cản về chi phí và nhân lực đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư hợp lý.

Cần đi từng bước

“Thay vì chuyển đổi 100% thiết bị mới, doanh nghiệp có thể chuyển đổi trước những gì gắn với con người và thực hiện từng bước với những thứ liên quan đến thiết bị và công nghệ. Nhưng với nhà máy năng lượng mặt trời, hay đường sắt cao tốc… đầu tư mới hoàn toàn 100%, thì có thể ứng dụng ngay công nghệ 5G để giảm sức người, giám sát được chất lượng”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Ban Truyền thông của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho hay.

Công nghệ mới 5G đã được nghiên cứu áp dụng cho xe tự lái trên cao tốc, cảng biển, kho bãi, nhưng nếu lái ở thành phố lớn như Hà Nội thì rất khó. Hay một công ty dịch vụ mặt đất của Vietnam Airlines có 4.000 nhân viên chỉ dọn máy bay và bê hành lý, nhưng rất khó chuyển đổi tự động bằng robot AI, vì nhân viên sẽ phải nghỉ việc hết và chi phí robot tương đối cao, khoảng 10.000 - 12.000 USD/chiếc.

Tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, công nghệ rất lạc hậu, việc thống kê các đường tàu chạy vẫn được thực hiện bằng vẽ tay. Ngành đường sắt đã đưa bản sao số của đoạn miền Trung, nhưng chỉ là nét chấm phá, chưa thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa được. Nếu tới đây làm đường sắt cao tốc, việc ứng dụng công nghệ mới 100% từ ban đầu sẽ đạt hiệu quả rất cao.

Chia sẻ về các ví dụ ứng dụng công nghệ mới 5G, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Ban Chuyển đổi số, Tổng công ty Viễn thông MobiFone khuyến nghị, mỗi doanh nghiệp cần một chiến lược, lộ trình chuyển đổi số riêng và 5G sẽ là chất xúc tác thúc đẩy quá trình đó. Doanh nghiệp sẽ phải học từ từ và hiểu các user case 5G thì mới ứng dụng, cải thiện hiệu quả, tăng doanh thu - lợi nhuận và giảm chi phí.

Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm SI (Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel) đánh giá, trước đây, người ta thường nói, hàng hóa Trung Quốc rẻ vì nhân công rẻ hơn Việt Nam. Trên thực tế, nhân công Trung Quốc đắt hơn, họ sản xuất được hàng hóa rẻ hơn là do sản xuất quy mô và ứng dụng công nghệ để tạo ra năng suất khác biệt.

“Tôi cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt nên chuyển đổi từng bước, có thể chuyển đổi một vài khâu để tối ưu dần, chứ chuyển đổi cả một dây chuyền hàng triệu USD thì rất khó. Trong một cảng, giá mỗi cần cẩu đã hơn 1 triệu USD/cái, nếu thay thế 100% thì khó khả thi”, ông Tuấn Ngọc nêu ví dụ và cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng một tầm nhìn chiến lược để chuyển đổi và thực hiện chắc từng bước nhằm hạn chế rủi ro. 

Chính phủ là “hộ lớn” của dịch vụ 5G

Công nghệ 5G sẽ thúc đẩy chính phủ điện tử trên nhiều lĩnh vực như xây dựng thành phố thông minh, cung cấp dữ liệu thời gian thực về giao thông, an ninh công cộng và điều kiện môi trường, giúp cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định chính xác hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ở tư cách người dùng, Chính phủ là “hộ lớn” của dịch vụ 5G, có tác động lớn đến sự phát triển của công nghệ mới.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, là doanh nghiệp nhà nước, VNPT không đề xuất sự hỗ trợ về tài chính, giảm thuế phí, mà đề xuất các giải pháp đầu tư ứng dụng 5G để người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ, tiện ích công cộng, như robot cảnh sát ở những khu vực đông dân cư, hệ thống giao thông công cộng thông minh, vệ sinh môi trường…

“Chính phủ tiên phong ứng dụng 5G để các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng cung cấp, phát triển nền tảng dịch vụ; đồng thời thúc đẩy tốc độ ứng dụng 5G rộng rãi tới khối doanh nghiệp, tăng tốc độ chuyển đổi số của toàn xã hội”, ông Nghĩa chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Huy cho rằng, bài học thành công từ phát triển 5G của Trung Quốc cần được tham khảo. Chính phủ nước này không những không đấu giá băng tần, mà còn có nhiều chính sách thúc đẩy, đặt hàng cho doanh nghiệp để phát triển 5G. Việt Nam Nam đã có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, là nơi sẽ nghiên cứu, sáng tạo ra các dịch vụ cho 5G…

“Hiện suất đầu tư hạ tầng mạng 5G khá lớn. Muốn phủ sóng 5G trên toàn quốc, mỗi nhà mạng cần 200.000-230.000 trạm BTS, đòi hỏi một khoản đầu tư khổng lồ. Trong khi đó, giá cước, giá dịch vụ không thể tăng được. Vì vậy, vai trò của Chính phủ là rất quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghệ này”, ông Huy nói.

Ở một góc độ khác, ông Trần Tuấn Ngọc đề xuất, Chính phủ cần xây dựng chiến lược quốc gia về ứng dụng công nghệ chuyển đổi ngành sản xuất, chuyển đổi doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp trúng đấu giá tần số, được cấp 100 GHz dùng chung cho cả hàng chục triệu khách hàng cá nhân và hàng triệu doanh nghiệp, nên việc đảm bảo chất lượng mạng rất khó khăn.

“Chúng tôi đề xuất cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu có giải tần riêng cung cấp cho dịch vụ 5G 2B, để 2 mảng dịch vụ không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Đồng thời, cho phép thử nghiệm sử dụng băng tần riêng này trong 2-3 năm để thúc đẩy phát triển dịch vụ 5G dành cho doanh nghiệp”, ông Ngọc kiến nghị.

Ngày 11/11/2024, Talkshow “Nền tảng số Việt Nam xuất sắc: Công nghệ mới 5G - Cơ hội tăng trưởng đột phá cho doanh nghiệp” do Báo Đầu tư sản xuất chính thức phát sóng. Các đại điện từ VNPT, Viettel và MobiFone cùng chia sẻ về các điển hình triển khai 5G thành công cho doanh nghiệp; tiềm năng công nghệ mới 5G giúp doanh nghiệp tăng trưởng đột phá; cách thức đầu tư 5G hiệu quả; khuyến nghị dành cho doanh nghiệp khi triển khai 5G và các đề xuất tới Chính phủ để thúc đẩy phát triển công nghệ mới 5G…
VinaPhone 5G, MyTV và VNPT CA được công nhận là "Thương hiệu Quốc gia"
Tại lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 do Bộ Công thương tổ chức, các dịch vụ VinaPhone 5G, Truyền hình MyTV, chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư