Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp cần những thay đổi đong đếm được
Khánh An - 12/12/2023 10:55
 
Kế hoạch cải thiện thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2024 đã được trình Chính phủ, với những kỳ vọng thay đổi rõ nét trong thực thi.
Cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Ảnh: Đức Thanh

Những rào cản vô hình

Bước chân ra khỏi Hội nghị công bố kết quả Đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố (DCCI) tỉnh Bắc Giang, vừa diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Cường, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang vẫn chưa hết băn khoăn.

Bắc Giang tiếp tục có thêm một năm vượt khó thành công, khi đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023, ước đạt 13,45%. Vốn thu hút đầu tư năm nay ở mức cao nhất từ trước đến giờ, với hơn 3,2 tỷ USD. Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể, đứng thứ hai trong Bảng Xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…

“Nhưng những khó khăn mà doanh nghiệp trên địa bàn phản ánh vẫn rất lớn và rất khó. Đó là khó tiếp cận nguồn vốn; chi phí không chính thức tăng; tình trạng nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn…”, ông Cường thông tin.

Đặc biệt, việc giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục gặp khó khăn do tình trạng các sở, ngành họp để tham mưu cho tỉnh mất quá nhiều thời gian; một số cán bộ, công chức thiếu tính năng động, sáng tạo, sợ trách nhiệm; vẫn có hiện tượng đùn đẩy giải quyết công việc giữa các cơ quan... đang là những điểm nghẽn mà doanh nghiệp chỉ ra khi làm việc với các sở, ban, ngành cũng như các địa phương ở Bắc Giang.

Các ý kiến trên được Hiệp hội Doanh nghiệp tổng hợp từ hơn 1.800 ý kiến doanh nghiệp, hộ kinh doanh… phản hồi từ cuộc khảo sát DCCI năm 2023. Vấn đề mà ông Cương lo ngại là những nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh Bắc Giang đã không thể giải tỏa hết những rào cản trong môi trường kinh doanh nói chung. Đặc biệt, nhiều rào cản tưởng như vô hình, nhưng đang tác động vô cùng lớn đến các quyết định đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ đang phải tạm chậm lại các kế hoạch, vì phải đợi xem các cơ chế, chính sách sửa đổi thế nào, nhất là các quy định liên quan đến đất đai, tín dụng… Chưa kể, nhiều văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành vừa ban hành đã lại có kế hoạch chỉnh sửa… Các công chức địa phương dường như cũng ở trạng thái nghe ngóng”, ông Cường dẫn các ý kiến nhận được từ cuộc khảo sát.

Trong lần khảo sát này, khoảng 58% doanh nghiệp Bắc Giang có kế hoạch tăng quy mô, trong khi 26% doanh nghiệp duy trì như hiện tại và 16% doanh nghiệp quyết định giảm quy mô. Rất có thể, tâm lý nghe ngóng là một trong những lý do không hề nhỏ.

Để doanh nghiệp không phải nghe ngóng

Những tồn đọng trong thực thi các giải pháp, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành, cũng như tâm lý chờ đợi, nghe ngóng các động thái chính sách đang là điều mà bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) thực sự lo ngại.

“Nếu không thực sự quyết liệt, nếu chỉ lên kế hoạch mà không đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi, thì rất khó thuyết phục doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước và thị trường thế giới tiếp tục đối mặt với những diễn biến khó lường. Đây là lý do năm nay, chúng tôi đặt kỳ vọng lớn vào hiệu quả hoạt động của các tổ công tác, gồm cả Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và nhất là Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính vừa được Thủ tướng thành lập vào tháng 8/2023”, bà Thảo cho biết.

Trong Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính được giao nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về bãi bỏ, sửa đổi quy định pháp luật gây khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp. Định kỳ hằng quý, Tổ sẽ báo cáo Chính phủ kết quả, tiến độ thực hiện và đề xuất cơ chế xử lý các trường hợp chậm hoặc không thực hiện.

Đi cùng với yêu cầu trên, bà Thảo cho biết, thời hạn thực hiện công việc được giao luôn là điểm nhấn trong các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh trong nhiều năm qua cũng như trong dự thảo nghị quyết năm 2024.

“Kỷ luật thực thi sẽ thúc đẩy tiến độ, chất lượng các giải pháp, nhiệm vụ được giao. Chỉ khi người dân, doanh nghiệp thực sự thấy được những thay đổi trong thực tế, thì môi trường kinh doanh mới được gọi là cải thiện”, bà Thảo nhấn mạnh.

Có gì trong Dự thảo Nghị quyết 02 năm 2024

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề xuất phân công cho các bộ, ngành, địa phương, tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư được nhắc đến đầu tiên.

Cụ thể, theo Dự thảo, các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.

Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền, thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Công việc rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để bãi bỏ, thay đổi cách thức quản lý tiếp tục là yêu cầu đứng thứ hai, phải được hoàn thành trong quý III/2024. Đây là phần việc đã được giao trong Nghị quyết năm 2022, nhưng chưa có chuyển động đáng kể.

Đặc biệt, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra nhiều lần trong năm lại tiếp tục xếp hàng trong phần công việc năm 2024 của các bộ, ngành.

Có thể kể, Bộ Công an được giao giải quyết dứt điểm trong quý I/2024 những vướng mắc trong thủ tục thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Bộ Giao thông - Vận tải được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật để không tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ những bất cập về điều kiện kinh doanh trong kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô và trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe, phải hoàn thành trước tháng 6/2024.

Cùng với đó, yêu cầu cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp tục là nhiệm vụ của các bộ Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa-Thể thao và Du lịch…

Vẫn còn câu hỏi về tính năng động, sáng tạo

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặc biệt ấn tượng với bảng kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Giang gửi tới UBND tỉnh này.

“Các doanh nghiệp đề nghị năng động, sáng tạo trong thực thi chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương; giải quyết công việc theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Kiến nghị này được đặt cùng với đề nghị khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy thông qua việc kiểm tra chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có nghĩa là, nếu không khuyến khích được sự chủ động, sáng tạo của cấp thực thi, nếu chỉ làm theo yêu cầu, đúng theo quy định, thì trong bối cảnh cơ chế, chính sách thay đổi nhanh, nhiều và còn chồng lấn, sẽ không thể thực hiện được yêu cầu là cải thiện thực chất môi trường kinh doanh”, ông Tuấn đồng thuận với kiến nghị của doanh nghiệp Bắc Giang.

Thực tế, các địa phương đi đầu trong PCI đều có điểm số khá cao về tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo địa phương. Bắc Giang cũng là một trong số đó. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, điều này là chưa đủ.

“Một mặt, chúng tôi đề xuất nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, đảm bảo tính ổn định của chính sách; không đề xuất hay ban hành mới các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, cần khuyến khích tính năng động, sáng tạo của các công chức. Lúc này, ở đâu khuyến khích được sự chủ động, năng động ở cấp thực thi thì ở đó, doanh nghiệp được lợi”, ông Tuấn đề xuất.

Cũng phải nhắc thêm, năm 2024, Dự thảo Nghị quyết 02 đặt ra mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) trong năm tăng ít nhất 15% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng dưới 15% so với năm 2023.

Giai đoạn 2019-2022, tốc độ tăng bình quân của số doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động) là 8,22%/năm; trong đó năm 2021, tốc độ tăng là âm 10,62% do tác động của dịch bệnh. Nếu không tính năm 2021, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt 14,5%/năm.

Hiện tại, các dự báo đều cho thấy, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có nhiều triển vọng cải thiện mạnh trong năm 2024.

Một số giải pháp để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước: Nghiên cứu, ban hành các quy định, hướng dẫn về danh mục và mức trần các loại phí ngân hàng nhằm vừa đáp ứng chi phí hoạt động của ngân hàng, vừa đảm bảo mức phí phù hợp để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 để tháo gỡ vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết theo hướng không coi các khoản vay ngân hàng trung và dài hạn của doanh nghiệp để đầu tư là giao dịch liên kết; đồng thời điều chỉnh ngưỡng trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo tính công bằng, phù hợp với đặc điểm doanh nghiệp và thực tế phát triển trong nước…
“Sức khỏe” doanh nghiệp vẫn là nỗi lo lớn
Tham gia thẩm tra các nội dung về kinh tế, xã hội, cả đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều lo ngại về sức khỏe của khu vực doanh nghiệp, trong đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư