Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp chăn nuôi lãi khủng vì “đu” theo giá thịt lợn cao
Thu Phương - 20/08/2020 14:30
 
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi hàng trăm tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020, nhờ giá thịt lợn giữ ở mức cao suốt thời gian dài.
.
Các doanh nghiệp chăn nuôi trúng đậm bởi không chỉ giá tăng, mà đàn lợn cũng tăng mạnh.

Doanh nghiệp chăn nuôi lãi đậm

Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh thịt lợn, Tập đoàn Dabaco đã lãi hàng trăm tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa công bố, Tập đoàn đạt doanh thu 2.290 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng cao gấp 54 lần cùng kỳ, đạt 401 tỷ đồng.

Dabaco cho biết, quý II/2020, ngành chăn nuôi phục hồi tốt, nên kết quả kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong Tập đoàn đều đạt hiệu quả cao. Mặt khác, quý II năm nay, một số dự án của Tập đoàn đã hoàn thành và đưa vào sản xuất như Nhà máy Dầu thực vật Dabaco, Nhà máy Chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi gà giống, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của Dabaco.

Lũy kế nửa đầu năm, Dabaco ghi nhận doanh thu 4.758 tỷ đồng, tăng hơn 38%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng gấp 28 lần con số nửa đầu năm ngoái.

Cũng được hưởng lợi từ giá lợn tăng, Công ty cổ phần Nông - Súc sản Đồng Nai (Dolico) ghi nhận 169 tỷ đồng doanh thu, bằng 77% kế hoạch năm. Lãi trước thuế và sau thuế lần lượt đạt gần 83 tỷ đồng và 70 tỷ đồng, vượt 97% và 103% kế hoạch cả năm. Về kết quả sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm, với sản lượng lợn thịt gần 2.134 tấn, Dolico đạt 64% kế hoạch năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco có doanh thu thuần quý II/2020 đạt 199 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 55,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 20 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và vượt 39% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Với mức giá bán cao chưa từng có và neo suốt từ cuối năm 2019 tới nay, các doanh nghiệp chăn nuôi trúng đậm bởi không chỉ giá tăng, mà đàn lợn cũng tăng mạnh.

Mitraco là doanh nghiệp chăn nuôi của tỉnh Hà Tĩnh, sở hữu 2 trung tâm lợn giống chất lượng cao. Những năm gần đây, dịch lở mồm long móng và dịch tả lớn châu Phi đã khiến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty giảm sút.

Thuận lợi từ giá thịt lợn tăng cao là nền tảng giúp Mitraco kỳ vọng có lãi trong năm nay. Công ty lên kế hoạch doanh thu 275 tỷ đồng, tăng 7% so với  năm 2019; lãi sau thuế 40 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 11 tỷ đồng năm ngoái.

Theo các chuyên gia trong ngành, với thị trường thịt lợn đang tốt như hiện nay, doanh nghiệp nào có nguồn cung lớn sẽ có doanh thu và lợi nhuận cao, do giá thịt lợn giữ ổn định ở mức cao.

Do vậy, dù không công bố lợi nhuận trong 6 tháng qua, song Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chắc chắn lãi lớn, bởi doanh nghiệp này nắm trong tay đàn lợn lên tới 2,6 triệu con (tháng 6/2020). Lãnh đạo doanh nghiệp này từng cho biết, trung bình mỗi ngày, họ bán ra thị trường 16.000 - 17.000 con lợn thương phẩm, thậm chí đỉnh điểm lên tới 25.000 con/ngày.

Nhiều đơn vị chưa hợp tác kéo giá xuống

Với mức giá bán cao chưa từng có và neo suốt từ cuối năm 2019 tới nay, các doanh nghiệp chăn nuôi trúng đậm bởi không chỉ giá tăng, mà đàn lợn của họ cũng tăng mạnh. Cụ thể, đàn lợn thịt của 15 doanh nghiệp tại tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng tới 66,35% so với thời điểm 1/1/2019, còn so với tháng 1/2020 thì tăng 30,89%.

Việc giá thịt lợn tăng lên đỉnh lịch sử khiến doanh nghiệp đồng loạt phá bỏ cam kết giảm giá thịt lợn từ cuối tháng 3/2020 với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tăng giá lợn theo thị trường vào thời điểm trung tuần tháng 5/2020.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đã nhiều lần tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định nguồn cung và giảm giá bán lợn thịt.

Kết quả là, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed... đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và xuất bán lợn thịt tại trại với giá 74.000 - 76.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp "đứng ngoài cuộc”, đồng thời có những thời điểm không xuất bán, nuôi để tăng khối lượng, nên ảnh hưởng đến nguồn cung, điển hình như Công ty CJ, Công ty Japfa..., góp phần làm cho giá bị đẩy lên cao.

Để kéo giá lợn xuống, theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng nguồn cung như nhập khẩu thịt lợn, nhập khẩu lợn sống, tái đàn, điều tra và xử lý các trường hợp tăng giá ở khâu trung gian, xử lý và giám sát chặt chẽ việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống trái phép tại các khu vực biên giới… Trong đó, tái đàn lợn đang được đẩy mạnh với quyết tâm cao nhất.

Doanh nghiệp chăn nuôi: Chuyển hướng đầu tư
Nhằm hạn chế tác động xấu của dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp chăn nuôi có những biện pháp ứng phó khác nhau, trong đó, nhiều doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư