Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp chăn nuôi: Chuyển hướng đầu tư
Phương Anh - 22/06/2019 10:16
 
Nhằm hạn chế tác động xấu của dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp chăn nuôi có những biện pháp ứng phó khác nhau, trong đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn chuyển hướng đầu tư sang nuôi gia cầm.
.
Ứng phó với dịch bệnh nhằm đảm bảo doanh thu, ngoài biện pháp cấp đông, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư sang nuôi gà.

Dịch bệnh lan rộng, doanh nghiệp ngồi trên đống lửa

Đại dịch tả lợn châu Phi vẫn đang hoành hành, song điều đáng mừng là chưa thâm nhập vào doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Chia sẻ về tình hình dịch, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CP Việt Nam cho biết, thời gian qua, CP liên tục tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, thậm chí, cả những phương pháp chưa nước nào trên thế giới làm như kiểm soát nguy cơ lây bệnh qua các vật trung gian như chuột, muỗi cũng được CP áp dụng.

Mặc dù vậy, dịch tả lợn châu Phi đã tác động nặng nề trực tiếp đến người nông dân và gián tiếp tới CP, khi nông dân khách hàng mua nguyên liệu của Công ty như con giống, thức ăn... Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá lợn hơi giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho CP.

Tương tự như CP, đại diện Tập đoàn Japfa Việt Nam, ông Đỗ Hoàng Long, Giám đốc ngành heo thương mại cho biết, hiện nay Japfa đang làm tốt an toàn sinh học. Thậm chí, Công ty đã dời khu vực chế biến thức ăn ra xa khu vực trang trại để giảm thiểu tối đa nguy cơ xâm nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, ông Long tỏ ra quan ngại khi xung quanh trang trại của Tập đoàn có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do đó, nguy cơ bị xâm nhiễm cao. “Thời gian tới, Tập đoàn tính tới kế hoạch di dời các trang trại chăn nuôi từ khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long lên khu vực vùng sâu, vùng xa”, ông Long nói.

Quan ngại về cấp đông thịt

Với những diễn biến về dịch và thị trường, Chính phủ cùng các cơ quan nhà nước cụ thể là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách, đặt biệt là khuyến khích các doanh nghiệp giết mổ và cấp đông thịt lợn để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường.

Tuy nhiên, đánh giá về tính khả thi của biện pháp cấp đông, nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, “rất khó” do chi phí lớn và rủi ro cao.

“Tôi cho rằng, chỉ ở cấp độ nhà nước mới có thể làm được việc này, chứ doanh nghiệp thì không thể do chi phí đầu tư kho bãi, vận hành quá lớn. Nhà nước có thể xây dựng các kho lạnh lớn ở ba miền Bắc - Trung - Nam để tích trữ”, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, chia sẻ.

Ông So phân tích, khi cấp đông thịt lợn chi phí cho mỗi cân thịt sẽ tăng 2.500 - 12.000 đồng/kg, tùy thuộc vào thời gian lưu kho. Theo ông So, chi phí sẽ tăng cao hơn nữa do ngay cả khi không có thịt trữ đông, kho lạnh vẫn phải hoạt động để đảm bảo các thiết bị máy móc hoạt động tốt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, cả nước hiện chỉ có khoảng 6 - 7 doanh nghiệp có kho cấp đông với sức chứa chỉ khoảng vài trăm ngàn tấn thịt và Việt Nam sẽ vẫn phải nhập khẩu thịt lợn để bù đắp vào nguồn cung thiếu hụt.

Thực tế đúng như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn lên đến 23,58 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018.

“Thịt heo nhập khẩu vốn đã rẻ, trong khi một số cường quốc xuất khẩu thịt lợn như Canada, Chilê nằm trong số các thành viên tham gia Hiệp định CPTPP được hưởng mức thuế xuất khẩu vào Việt Nam bằng 0%. Còn đối với thịt lợn Việt Nam, vốn đã có giá thành sản xuất cao lại phải cõng thêm chi phí cấp đông sẽ khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu”, ông Thắng nhận định.

Để kích thích doanh nghiệp “mặn mà” hơn với việc cấp đông dự trữ thịt lợn, ông Thắng cho rằng, cần có những chính sách ưu đãi về tiền điện, lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp tham gia trữ đông thịt lợn.

Chuyển hướng sang gia cầm 

Ứng phó với dịch bệnh nhằm đảm bảo doanh thu, ngoài biện pháp cấp đông, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư sang nuôi gà.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty De Heus Việt Nam cho rằng, chính những khó khăn của việc chăn nuôi lợn hiện nay đã tạo cơ hội cho chăn nuôi gia cầm vượt lên. Vì vậy, De Heus Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2024, đàn gia cầm của Công ty sẽ tăng từ mức 18 triệu con hiện nay lên 38 triệu con gà thịt/năm và 2 triệu gà đẻ/năm.

Hiện tại, ở vùng Đông Nam bộ, công ty này đang liên kết với 10 trang trại gia cầm có quy mô từ lớn từ 80.000 đến 400.000 con gà thịt/năm, cùng 7 nhà máy giết mổ, sẵn sàng đẩy mạnh cung ứng thịt gà cho thị trường trọng điểm tại TP.HCM và một số tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cũng đang khởi động việc đầu tư với quy mô khổng lồ chương trình xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu giai đoạn 2019 - 2020 tại Chơn Thành, Thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản, Đồng Phú và TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Theo đó, chuỗi sản phẩm thịt gà sẽ được đầu tư hoàn toàn khép kín, đáp ứng yêu cầu về an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Dịch tễ thế giới (OIE). 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính đến chiều ngày 16/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 57 tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,5 triệu con với trọng lượng gần 150.000 tấn có giá trị tương đương 3.600 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, đa phần quy mô chăn nuôi dừng ở mức nhỏ lẻ, chuồng lợn xen lẫn khu vực dân cư. Mật độ chăn nuôi rất cao, điều kiện vệ sinh phòng bệnh kém, không bảo đảm an toàn sinh học, gây khó khăn lớn cho phòng, chống dịch bệnh.n

Ngành nông nghiệp tăng trưởng khá dù bị ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu phi
Ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi, nhưng giá trị sản xuất toàn ngành tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư