Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp châu Âu lo ngại suy thoái kinh tế nghiêm trọng
Lê Quân - 07/05/2022 12:16
 
Giám đốc điều hành của một số tập đoàn lớn ở châu Âu chia sẻ trên đài CNBC rằng họ nhận thấy một cuộc suy thoái nghiêm trọng đang hiện hữu ở lục địa này.
Những chiếc sedan hạng sang Mercedes S-Class được lắp ráp tại Nhà máy Mercedes-Benz AG 56 ở Sindelfingen, Đức. Ảnh: AFP
Những chiếc sedan hạng sang Mercedes S-Class được lắp ráp tại Nhà máy Mercedes-Benz AG 56 ở Sindelfingen, Đức. Ảnh: AFP

Nguy cơ khủng khoảng ở cả phía cung và cầu

Châu Âu - khu vực phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga - đặc biệt dễ bị tổn thương do chiến sự Nga - Ukraine khi phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow.

Ngày càng nhiều lo ngại về nguồn cung năng lượng từ Nga sang châu Âu sẽ bị chặn đứng nếu châu Âu áp lệnh cấm vận nhập khẩu năng lượng từ Nga. Những mối lo ngày khiến các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) trong những tuần gần đây.

Eurozone đối mặt với nhiều cú sốc kinh tế cùng lúc đo cuộc chiến ở Ukraine. Điều này được phản ánh rõ qua giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt vì chiến sự, cùng với cú sốc nguồn cung do Trung Quốc áp dụng chính sách zero-Covid để kiểm soát dịch bùng phát nghiêm trọng tại nước này. Những cú sốc đó đã làm dấy lên những lo ngại rằng Eurozone có nguy cơ rơi vào "đình lạm" (stagflation) và sau cùng là suy thoái. Stagflation ở đây hàm ý nền kinh tế đạt tăng trưởng thấp nhưng lạm phát tăng cao.

"Rõ ràng, chúng tôi nhận thấy một cuộc suy thoái lớn trong quá trình sản xuất, đó chính xác là những gì chúng tôi đang thấy trong quá trình sản xuất", ông Stefan Hartung, Giám đốc điều hành Tập đoàn Bosch (Đức) cho biết.

"Nó (suy thoái - BTV) vẫn ở đó và bạn thấy nó đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của chúng tôi ở Trung Quốc, nhưng bạn thấy rằng ở nhiều khu vực trên thế giới, nhu cầu của người tiêu dùng ở một số khu vực thậm chí đã tăng lên", ông Stefan Hartung nói thêm.

Tin rằng nhu cầu về thiết bị gia dụng, dụng cụ điện và phương tiện đi lại hiện vẫn còn, nhưng Giám đốc điều hành Tập đoàn Bosch lưu ý nhu cầu này sẽ biến mất.

"Điều đó có nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định, nhu cầu này vẫn sẽ ở đó, ngay cả khi chúng ta thấy lãi suất và giá cả cùng tăng, nhưng đến một lúc nào đó, nó sẽ không chỉ là một cuộc khủng hoảng nguồn cung mà sẽ là một cuộc khủng hoảng nhu cầu, và chắc chắn là chúng ta đang ở trong một cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc", đại diện Bosch nhận định.

Lạm phát của Eurozone đã lên cao kỷ lục 7,5% trong tháng 3. Đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn áp dụng chính sách tiền tệ ôn hòa hơn so với các ngân hàng trung ương khác, đơn cử như Ngân hàng Trung ương Anh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - hai cơ quan này đều đã bắt đầu tăng lãi suất để ứng phó lạm phát.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn dự kiến sẽ chấm dứt chương trình mua tài sản ròng APP vào quý III/2022, sau đó mới bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, tùy thuộc vào triển vọng kinh tế.

Ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Berenberg (Đức) cảnh báo, rủi ro ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế châu Âu đang nghiêng về phía suy thoái.

"Việc Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt hơn và người tiêu dùng chi tiêu thận trọng trong bối cảnh giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, có thể nhất thời kéo giảm GDP của Eurozone trong quý II", ông Holger Schmieding nhận định.

"Một lệnh cấm vận tức thời đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt từ Nga (rất khó xảy ra) có thể khiến suy thoái trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu Fed mắc sai lầm nghiêm trọng và đẩy nước Mỹ đi thẳng từ bùng nổ đến sụp đổ (khó xảy ra nhưng không hoàn toàn là không thể), một cuộc suy thoái như vậy có thể kéo dài sang năm tới", chuyên gia kinh tế từ Berenberg lưu ý. Dẫu vậy, chuyên gia này vẫn cho rằng Eurozone chỉ có thể rơi vào suy thoái "nếu điều đó trở nên tồi tệ nhất".

Trong khi đó, ông Mark Branson, người đứng đầu Cơ quan quản lý tài chính Đức BaFin, nhận định bất kỳ leo thang quân sự nào ở Ukraine hoặc gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng hơn nữa có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp dễ bị tổn thương.

"Chúng tôi nhận thấy rằng tốc độ tăng trưởng đang giảm xuống 0 ở nhiều khu vực tài phán. (Tăng trưởng kinh tế - BTV) dễ bị tổn thương bởi các cú sốc liên quan đến tình hình dịch Covid-19 hiện nay", ông Mark Branson cho biết. "Lạm phát cần phải được giải quyết và giải quyết ngay, vì vậy đó là một mối trở ngại đối với nền kinh tế", đại diện BaFin nói thêm.

"Môi trường kinh doanh đầy thách thức"

Ông Slawomir Krupa, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn dịch vụ tài chính Societe Generale (Pháp) cho biết đơn vị này đang theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế vĩ mô.

"Tin tức đáng quan tâm hiện nay là tình hình kinh tế vĩ mô, tác động của lạm phát do cú sốc năng lượng (vốn đã xảy ra trước khi nổ ra chiến sự ở Ukraine), và rủi ro tác động cơ bản của lạm phát khiến kinh tế vĩ mô rơi vào suy thoái", ông Slawomir Krupa nêu, đồng thời cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng đến "toàn bộ hệ thống tài chính và Societe Generale".

Còn ông Ola Kallenius, Giám đốc điều hành Mercedes-Benz (Đức) chia sẻ trên đài CNBC rằng tình hình Covid-19 ở Trung Quốc và chiến sự ở Ukraine đang khiến "môi trường kinh doanh trở nên đầy thách thức" đối với hãng xe hơi Đức theo ba cách riêng biệt.

"Một mặt, chúng tôi đang thiếu hụt nguyên liệu chủ yếu liên quan đến chất bán dẫn. Đáng nói hơn, Trung Quốc - thị trường lớn nhất của chúng tôi - đang áp dụng các đợt phong tỏa mới, cho nên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi ở thị trường này; đồng thời có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và tất nhiên, thêm vào đó là chiến sự ở Ukraine, vì vậy môi trường kinh doanh đầy thách thức", Giám đốc điều hành Mercedes-Benz lý giải.

Tương tự, ông Herbert Diess, Giám đốc điều hành Volkswagen, cũng cho biết trong quý I/2022 hãng xe này cũng phải đối mặt với "môi trường kinh doanh đầy thách thức" do dịch Covid-19, tình trạng thiếu chip và chiến sự ở Ukraine.

Về phía Maersk - hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, Giám đốc điều hành Soren Skou chia sẻ rằng đơn vị này cũng đang dõi theo các rủi ro suy thoái, đặc biệt là nguy cơ suy thoái ở Mỹ. Tuy nhiên, đại diện Maersk cho rằng những rủi ro suy thoái đó sẽ không xuất hiện cho đến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Deutsche Bank: Cuộc chiến chống lạm phát sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái
Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái ở nước này bắt đầu vào cuối năm 2023, Deutsche...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư