Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp công nghệ: Khó tiếp cận chính sách ưu đãi
Hồng Sơn - 07/12/2016 13:14
 
Một trong những biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ hiệu quả là thông qua hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo. Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương hiện nay, việc đầu tư dự án công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều rào cản.

Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, hoạt động ươm tạo công nghệ tại Hà Nội thời gian gần đây đã có kết quả đáng khích lệ.

Đơn cử, Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp đã chế tạo thành công dòng sản phẩm máy cày, máy kéo bằng giải pháp thay thế công nghệ đột dập bao hình bằng công nghệ cắt laser và cắt tia nước CNC. Giải pháp công nghệ này đã rút ngắn thời gian gia công một máy mẫu từ 6 tháng xuống còn 1 tháng, rút ngắn thời gian lắp ráp một sản phẩm từ 3 ngày xuống còn 1 ngày, tăng chất lượng, hình thức mẫu mã của sản phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc trên thị trường…

Doanh nghiệp này đã sản xuất được hơn 1.000 sản phẩm xuất khẩu đi Sri Lanca. Hiện nay, Hà Nội đang ươm tạo cho 4 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thang máy, chế tạo đèn leed, chế tạo rô-bốt phun sơn tự động, sản xuất bộ lưu điện.

.
Chính sách thì đã có, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước về cơ chế, vốn còn rất khó khăn.

Tuy nhiên, ông Rao cũng thẳng thắn nhìn nhận, tại Hà Nội, những yếu tố để tạo nên một thị trường khoa học và công nghệ sôi động vẫn chưa được hình thành đầy đủ; tính hiệu lực thực thi của các quy định hiện hành còn thấp và yếu. Một trong những bất cập là, kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu trí tuệ, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ, trong khi đó, tài sản trí tuệ là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

“Việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản trí tuệ gây cản trở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư”, ông Rao nói và cho biết thêm, các doanh nghiệp đang hoạt động cũng không được ngân hàng chấp thuận khi dùng tài sản trí tuệ (kể cả bằng sáng chế đã được bảo hộ) làm tài sản thế chấp khoản vay. Đây cũng là một rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư.

Là địa phương có nhiều đề tài nghiên cứu được chuyển giao cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực y dược; nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp… song ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho rằng, trong thực tế, cơ chế tài chính, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp nhận chuyển giao là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đầu tư ít; trình độ, năng lực quản trị, đầu tư, tiếp cận, sử dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế…

Trong khi đó, việc đưa vào hoạt động thử nghiệm sàn giao dịch công nghệ tại một số thành phố lớn được xem là mô hình nhằm mục tiêu đẩy mạnh việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ… cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Lương Tú Sơn, đại diện Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM cho biết, chính sách thì đã có, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước về cơ chế, vốn còn rất khó khăn. Giao dịch công nghệ cần rất nhiều yếu tố đồng bộ như định giá, đánh giá công nghệ, vấn đề sở hữu trí tuệ… song, trong thực tế, các vấn đề này còn rất hạn chế nên chưa hỗ trợ được nhiều trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng thẳng thắn cho rằng, ở Việt Nam, khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn khá mới mẻ. Cũng như hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, để phát triển thành công từ ý tưởng sáng tạo, sản phẩm công nghệ ban đầu rất cần có các định chế trung gian hỗ trợ doanh nghiệp như: chia sẻ bí quyết kinh doanh công nghệ; xây dựng mô hình kinh doanh, phương án đầu tư, huấn luyện kỹ năng gọi vốn, tư vấn phát triển thị trường cho sản phẩm công nghệ; cung cấp cơ sở kỹ thuật ban đầu, cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cao, truyền thông, kết nối quốc tế…

“Phát triển thị trường là nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2016 - 2020, đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Mục tiêu đến cuối thập kỷ này, Việt Nam sẽ có một thị trường công nghệ phát triển, có nhiều tổ chức trung gian, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Hơn 150 doanh nghiệp công nghệ tham gia Viet Nam ICT Comm 2016
Từ ngày 20-22/7, tại Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế về Sản phẩm, Dịch vụ viễn thông – Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (Viet...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư