Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT phải cung cấp danh tính người dùng là không khả thi
Nguyễn Lê - 12/04/2023 15:02
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
.
Phiên họp chiều 12/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trình bày tờ trình dự án luật, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, lần sửa đổi này sẽ điều chỉnh hoạt động bán buôn trong viễn thông để đảm bảo thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững; bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh.

Đối với các nội dung mới có thể phát sinh trong tương lai như Internet thế hệ mới, mô hình hoạt động viễn thông mới, dự thảo luật bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành theo nguyên tắc phù hợp với quy định chung.

Đáng chú ý là quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây mà luật hiện hành chưa có sẽ được bổ sung.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban thẩm tra cũng tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật  đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và ứng dụng Internet trong viễn thông (OTT- Over The Top) vì phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm vì bổ sung các quy định về quản lý với ba dịch vụ trên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ mới này.

Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp về vấn đề này trên thế giới, nhất là các quốc gia trong khu vực, có các đặc điểm tương đồng với Việt Nam; đồng thời phân tích, làm rõ hơn, thuyết phục hơn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật - Chủ nhiệm Lê Quang Huy nói.

Liên quan đến đảm bảo bí mật thông tin, tại cơ quan thẩm tra có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định cho phép các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận để trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông nhưng không quy định ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức này trong việc phải thông báo cho khách hàng về việc sử dụng thông tin của khách hàng để trao đổi, cung cấp cho các đơn vị viễn thông khác là chưa thực sự bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định OTT là dịch vụ viễn thông. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp cho cơ quan nhà nước danh tính cụ thể của người sử dụng dịch vụ viễn thông khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thường trực Ủy ban cho rằng quy định này là chưa phù hợp, khó khả thi vì khác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT không có thông tin chính xác về danh tính cụ thể của người sử dụng.

Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu, cân nhắc về quy định này.

Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, Thường trực Ủy ban thẩm tra nêu rõ, về bản chất là dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin (như Zalo, Viber, Telegram…). Việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam.

Quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số mà Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý sẽ dẫn đến việc không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin, do đó dịch vụ OTT cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp, Chủ nhiệm Lê Quang Huy phân tích.

Tuy nhiên,  ông Huy cho biết cũng có một số ý kiến băn khoăn về cách thức quản lý như quy định của dự thảo Luật: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có thu cước hoặc không thu cước nhưng có số lượng người sử dụng dịch vụ hoặc phát sinh lưu lượng dịch vụ tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ” tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật là khó khả thi.

Vì việc cung cấp các dịch vụ này phụ thuộc vào khả năng truy cập Internet do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ này cũng không kiểm soát được việc người tiêu dùng chọn mạng nào. Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng không thể bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ hoặc khắc phục các vấn đề về chất lượng dịch vụ.

Quy định việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tại khoản 2 Điều 25 dự thảo Luật có thể thiếu khả thi trong áp dụng thực tế, gây lo ngại cho doanh nghiệp về vấn đề cạnh tranh, có thể làm hạn chế sự phát triển của các dịch vụ OTT tại Việt Nam, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp; rà soát việc quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT cần gắn với quyền lợi của các doanh nghiệp này.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Nhà đầu tư nước ngoài sốt ruột
Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài muốn Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đưa các dịch vụ xuyên biên giới ra khỏi đối tượng điều chỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư