Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Nhà đầu tư nước ngoài sốt ruột
Tú Ân - 29/03/2023 08:16
 
Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài muốn Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đưa các dịch vụ xuyên biên giới ra khỏi đối tượng điều chỉnh của luật này.
Ảnh minh họa.

Một số quy định chưa khả thi

Tại Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Ban soạn thảo đã đưa các dịch vụ như dịch vụ thông tin qua Internet (dịch vụ OTT), điện toán đám mây (cloud), trung tâm dữ liệu (data center) và Internet vệ tinh vào đối tượng điều chỉnh. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho rằng, đây không phải là dịch vụ viễn thông và nên được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật riêng.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Luật sư điều hành Công ty luật Quốc tế BMVN, việc quản lý các dịch vụ OTT như những dịch vụ viễn thông là bất hợp lý, vì các dịch vụ này khác với dịch vụ viễn thông về bản chất.

Cụ thể, các dịch vụ OTT chỉ có thể được cung cấp trên cơ sở người sử dụng dịch vụ đã kết nối Internet, tức là đã sử dụng dịch vụ viễn thông. Các dịch vụ OTT được cung cấp trên các nền tảng kỹ thuật số mở, không thu phí, không có số thuê bao và không sử dụng các tài nguyên viễn thông như tần số hay kho số viễn thông như các dịch vụ viễn thông.

“Khách hàng sử dụng dịch vụ OTT đều phải có thuê bao, hay quan hệ hợp đồng trực tiếp/gián tiếp với nhà mạng, nên không có cơ sở pháp lý hay thực tiễn nào để nhà cung cấp dịch vụ OTT phải ký một hợp đồng thương mại với nhà mạng. Vì vậy, Ban soạn thảo Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần xem xét, rà soát kỹ hơn đối với các quy định quản lý dịch vụ OTT”, ông Hùng nói.

Bà Đào Thị Nga, Liên minh Internet châu Á (AIC) cho rằng, các dịch vụ OTT, data center, cloud có những điểm rất khác biệt so với viễn thông truyền thống, không nên đưa vào luật chung này, có chăng nên có một khung pháp lý riêng. AIC khuyến nghị xem xét không đưa các lĩnh vực này vào phạm vi của luật vì tác động không mong muốn đến sự phát triển của dịch vụ và đổi mới sáng tạo.

“Bên cạnh đó, một số quy định trong Dự thảo còn khá chung chung và chưa khả thi như: yêu cầu nhà cung cấp OTT phải cung cấp danh tính của người dùng, trong khi họ không có cam kết từ người dùng, người dùng OTT hôm nay dùng, mai có thể bỏ”, bà Nga khuyến nghị.

Đối với dịch vụ mới như Internet vệ tinh, theo bà Nguyễn Việt Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi), một xu hướng trong ngành viễn thông đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm là sự phát triển dịch vụ viễn thông qua vệ tinh. Dịch vụ Internet vệ tinh sẽ tạo điều kiện phát triển do những lợi thế về độ bao phủ gần như ở mọi nơi, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Khi sử dụng dịch vụ này, sẽ không phải đầu tư lắp đặt các hệ thống cáp biển, hay đường truyền vốn cần đầu tư lớn và tính ổn định không cao.

“Chúng tôi cho rằng, khuyến khích, thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi và phát triển các hệ thống công nghệ mới này, còn người dùng Việt Nam sẽ có thêm dịch vụ mới và thị trường Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh”, bà Nga khuyến nghị.

Hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài?

Theo các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh cùng với các quy định liên quan sẽ là rào cản đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài và hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2023.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, việc phân biệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống thông qua quy định mức trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước gặp khó khăn trong huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ cản trở đổi mới công nghệ tại Việt Nam.

Thực tế, sự phát triển của hai loại hình dịch vụ này rất cần huy động mọi nguồn lực, gồm cả vốn và công nghệ, từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, việc quản lý dịch vụ viễn thông đã tạo ra những hạn chế về vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, quy định về cấp phép như với dịch vụ viễn thông, hoặc buộc doanh nghiệp nước ngoài phải ký kết hợp đồng thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước là những quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

“Dự thảo đang áp đặt một số điều kiện như dịch vụ này phải được cấp giấy phép viễn thông, hay hạn chế sở hữu đầu tư nước ngoài, hay phải lập văn phòng đại diện đối với những dịch vụ cloud xuyên biên giới. Liệu quy định những điều kiện và hạn chế như vậy có trái với pháp luật hiện hành về đầu tư và các cam kết quốc tế của Việt Nam hay không?”, đại diện Amcham đặt câu hỏi.

Theo bà Việt Hà, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu nhà cung cấp dịch vụ cloud hoặc data center nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ do không đáp ứng được các yêu cầu trong Dự thảo như lập văn phòng đại diện hoặc có hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Vì vậy, các quy định hạn chế với hai loại hình dịch vụ này có thể khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn.

Về vấn đề này, đại diện Ban soạn thảo, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các dịch vụ OTT, cloud, data center đang trở thành nền tảng quan trọng có thể thay thế dịch vụ viễn thông truyền thống, nhưng chưa có luật nào quản lý. Mặt khác, Ban soạn thảo đã tham khảo pháp luật của một số quốc gia châu Âu, châu Á cũng đưa các dịch vụ này vào luật viễn thông.

Nhiều quốc gia lo ngại về an ninh đối với dịch vụ OTT
Nhiều quốc gia tỏ ra lo ngại về vấn đề an ninh khi họ không thể kiểm soát được dịch vụ OTT từ những nhà cung cấp của nước ngoài đang cung cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư