Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp đã quá mệt mỏi bởi dịch bệnh
Khánh An - 30/09/2021 11:48
 
Bức tranh đăng ký doanh nghiệp tháng 9 phản ánh rõ nét tâm lý e ngại dịch bệnh và các biện pháp giãn cách mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
.
 TP.HCM chỉ có gần 600 doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 9/2021.

Không ngoài dự báo, tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9/2021 mà Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)  ghi nhận đã sự sụt giảm mạnh cả về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký.

Chỉ có 3.899 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng này, giảm hơn 62% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là con số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất trong 1 tháng tính trong 10 năm qua. 

Dịch bệnh kéo dài phức tạp khiến các kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư buộc phải lùi lại.

Tại tâm dịch TP.HCM, chỉ có gần 600 doanh nghiệp đăng ký mới, giảm tới 80,9% so với cùng kỳ năm 2020… Con số này thấp hơn lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trung bình một này của TP.HCM giai đoạn trước giãn cách xã hội. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2021, trung bình một ngày tại TP.HCM có 661 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (bao gồm cả hồ sơ đăng ký thành lập và đăng ký thay đổi).

Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ đều có mức giảm tương tự. Hà Nội cũng ghi nhận mức giảm tới 52,6% về số doanh nghiệp đăng ký mới. Cần Thơ có 19 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. 

5.355 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 9/2020, giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 16,9% so với tháng 8/2021 là các con số được ghi nhận trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số liệu này có thể chưa phản ánh đúng thực tế số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ngay cả việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 9/2021 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái cũng được Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh lý giải có nguyên do từ tình trạng giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh, thành phố.

5.355 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 9/2020, giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 16,9% so với tháng 8/2021 là các con số được ghi nhận trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trong số này có 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh; 2.509 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể; 606 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại. Các con số này đều giảm hơn tháng 9 năm ngoái.

Tuy nhiên, khi phân tích, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho rằng, số liệu này có thể chưa phản ánh đúng thực tế số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đây là thời điểm nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp mặc dù đã ngừng hoạt động, nhưng không thể thực hiện các thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường. Vì hoàn tất các thủ tục này, doanh nghiệp cần họp được hội đồng thành viên, sẽ phải ký một số giấy tờ… Giãn cách cũng khiến doanh nghiệp không xử lý được các vấn đề về thủ tục thuế, thanh lý tài sản...

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp tạm dừng, theo khảo sát của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, có doanh nghiệp xác định ngừng rất ngắn hạn, sẽ khởi động lại sau giãn cách xã hội nên không làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh.

Như vậy, Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, số doanh nghiệp này sẽ trở lại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không trong thời gian tới.

Nhưng  cũng phải nhắc đến lo ngại là nhiều doanh nghiệp trong nhóm này chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng, mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly, giãn cách thì xác suất rơi vào nhóm giải thể là rất cao, nếu không có nguồn tiền hỗ trợ… Hiện trạng này cũng được các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng gửi tới Chính phủ.

Điều này có nghĩa là, việc kiểm soát dịch bệnh, tốc độ tiêm vắc – xin cũng như kế hoạch mở cửa, tái khởi động nền kinh tế được thực hiện như thế nào sẽ tác động rất lớn tới các kế hoạch thành lập mới, tạm dừng hay quay trở lại hoạt động của doanh nghiệp.

Có thể nhắc đến tín hiệu tích cực trong đăng ký doanh nghiệp ở một số địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh. Hải Phòng có 206 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ngay cả Bắc Giang, tâm dịch hồi tháng 4/2021, cũng đã ghi nhận mức tăng 7,4% doanh nghiệp đăng ký mới so với cùng kỳ năm 2020, với 101 doanh nghiệp.

Tất nhiên, việc quay trở lại hoạt động của doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, có thể cần thời gian dài để khôi phục sản xuất, nhất là tình trạng thiếu lao động ở các trung tâm kinh tế phía Nam đang hiện hữu.

Các chuyên gia Cục Đăng ký kinh doanh cho rằng, đây cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng năm 2021
Đăng ký mới: 85.483 doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020
Quay trở lại hoạt động: 32.347 doanh nghiệp, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Rút lui khỏi thị trường: 90.291 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 45.091 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Riêng TP.HCM có 24.491 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 27,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước).
Chờ làm thủ tục giải thể: 32.398 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Đã giải thể, chấm dứt tồn tại: 12.802 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%, 9 tháng tăng 1,42%
Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Tuy vậy tính chung 9 tháng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 1,42%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư