Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp đang rất xót ruột và sốt ruột
Bảo Duy - 22/08/2022 07:37
 
Doanh nghiệp đang sốt ruột tìm kiếm, chắt chiu cơ hội kinh doanh và rất cần sự hậu thuẫn lớn, nhất là từ cơ quan, công chức thực thi trong từng hoạt động để có thể nhanh chóng phục hồi.

"Những người ham làm, mà nay phải chấp nhận ngồi yên thế này, xót ruột lắm”. Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kết thúc phần chia sẻ tại cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cuối tuần trước bằng câu nói trên.

Trước đó, ông Đệ nhắc đến việc ông không chỉ là một người điều hành những doanh nghiệp trong hệ thống của mình, mà còn là người làm công tác hội, làm việc với nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khác, nên cảm nhận rất rõ những trăn trở, mong muốn được làm nhiều việc lớn lao hơn, để doanh nghiệp ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động và góp phần làm giàu cho đất nước. Nhưng vấn đề là, nhiều điều họ không thể làm được, mà nguyên nhân không phải từ thị trường, từ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

“Chúng tôi không làm được vì nhiều công chức, cơ quan công quyền thực sự không muốn làm, họ lo cho an toàn của chính mình”, ông Đệ đã rất tâm tư khi chia sẻ những thực tế này. 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã nhắc đến tình trạng trên, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, nơi doanh nghiệp trực tiếp làm việc với các cơ quan có thẩm quyền. Đây là thực tế không thể bỏ qua.

Rất nhiều năm qua, các doanh nghiệp, doanh nhân là những người trực tiếp chứng kiến sự ganh đua, thậm chí là cạnh tranh giữa các địa phương để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, nhiều sáng kiến, sáng tạo của chính quyền địa phương xuất hiện, đôi khi bị thổi còi do vượt trần, nhưng đã làm nên sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân, thậm chí tạo nên sức ép cho những cải thiện về thể chế, chính sách, môi trường đầu tư - kinh doanh.

Có thể nhìn thấy rõ vai trò của cấp thực thi trong hành trình 17 năm của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện. Trong cùng một hệ thống pháp luật, chính sách chung, song doanh nghiệp ở những địa bàn mà các cơ quan có liên quan và lãnh đạo địa phương không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp, cách thức tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự thuận lợi trong thực thi, thì ở đó, doanh nghiệp ít than phiền về khó khăn hơn; kinh tế địa phương cũng thu được kết quả tốt hơn so với địa phương khác.

Song dường như, tình hình đang thay đổi theo hướng khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp buộc phải nhắc tới bầu không khí và thái độ làm việc trái ngược so với trước đây đang xuất hiện ở hầu khắp địa phương.

Có rất nhiều lý do được chỉ ra.

Đó có thể là sự bất cập của cơ chế, luật pháp, khiến “làm là vướng”, nên cơ quan công quyền không dám giải quyết, cán bộ không dám quyết. Nhiều khi, sự bất cập bắt nguồn từ cách hiểu của một vài từ ngữ, như quy định “tuân thủ các quy định liên quan”, thay vì xử lý theo nội dung và tinh thần của văn bản. Trong những trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải đợi các cơ quan phát công văn tham vấn ý kiến các bộ, ngành có liên quan, nên nếu các công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu... thì thời gian chờ đợi thậm chí khó xác định ngày.

Đó có thể là sự e ngại của công chức cấp dưới khi không báo cáo lên công chức cấp cao hơn về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nếu chưa tìm được giải pháp an toàn tuyệt đối về pháp lý. Vì họ biết, nếu trình hồ sơ về vụ việc chưa đủ độ tin cậy và an toàn về pháp lý, thì cũng bị cấp trên trả lại, yêu cầu bổ sung. Hệ quả là khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có thể sẽ không đến được các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

Đó có thể là việc đặt thêm các điều kiện, thủ tục để kéo dài thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính, vì nó đem lại cảm giác an toàn cho những người có liên quan... Dường như, động lực cải cách hành chính, sáng tạo trong vận dụng và thực thi linh hoạt chính sách, pháp luật của chính quyền trung ương để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương đang giảm đi.

Sau 2 năm vất vả, lao đao vì dịch bệnh, doanh nghiệp hiện rất yếu, song hiện vẫn cố gắng tìm kiếm, chắt chiu mọi cơ hội kinh doanh và rất cần sự hậu thuẫn lớn, nhất là từ cơ quan, công chức thực thi trong từng hoạt động để có thể nhanh chóng phục hồi.

Doanh nghiệp đang rất sốt ruột.

Cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô đã và đang khác nhiều so với thời điểm đầu năm, nên rất cần sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện các...
Bình luận bài viết này
  • Nguyễn Long 10:23 | 23-08-2022
    Bài viết quá hay, quá đúng với thực trạng hiện nay
Xem thêm trên Báo Đầu Tư