Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp đề xuất được khai thác dữ liệu quốc gia
Tú Ân - 26/05/2023 15:33
 
Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - ASIA DX Summit 2023), các doanh nghiệp số đề xuất được khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp muốn khai thác dữ liệu số quốc gia

Năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, vấn đề chia sẻ, khai thác dữ liệu cho tổ chức, doanh nghiệp được Diễn đàn đặc biệt quan tâm.

Theo Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 58 địa phương và 4 doanh nghiệp nhà nước. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu tiếp cận, khai thác dữ liệu số phục vụ sản xuất, kinh doanh là vô cùng lớn. Nhưng hiện tại, nguồn dữ liệu được đánh giá là “quý như mỏ vàng” này vẫn chưa có cơ chế khai thác mở rộng.

Ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc MISA cho rằng, dữ liệu chỉ có giá trị khi được khai thác bởi Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Nếu doanh nghiệp không thể kết nối khai thác Cơ sở dữ liệu thì không thể có những sản phẩm tốt, không thể tối ưu được vận hành, gây lãng phí cho xã hội. Để tạo điều kiện khai thác dữ liệu cho doanh nghiệp, Chính phủ cần quy định rõ, doanh nghiệp như thế nào thì được kết nối, khai thác, miễn là đạt những tiêu chuẩn nhất định được Chính phủ quy định, không độc quyền kết nối để đa dạng dữ liệu.

“Tổng cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo… đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia cho phép nhiều doanh nghiệp và cá nhân chủ động kết nối, đóng góp, khai thác và giúp Cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh hơn, doanh nghiệp cung cấp được dịch vụ tốt hơn, người dân thuận tiện hơn. Vậy các Cơ sở dữ liệu khác về ngân sách, tài sản nhà nước, hộ tịch… có thể làm tương tự không? Có nhiều nhu cầu kết nối của doanh nghiệp đang không được giải quyết, hoặc một số cơ sở dữ liệu bị độc quyền kết nối, trực tiếp làm quyền lợi của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng”, ông Quang đặt vấn đề.

Tại Diễn đàn, Tập đoàn FPT cũng đề xuất thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp được cung cấp một số dịch vụ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch FSI cho biết, dữ liệu đang được xác định là một nguồn tài nguyên mới, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế số. Việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính quá trình chuyển đổi số.

“Chúng tôi kiến nghị sớm có quy định để chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu số, làm sao để các bộ, ngành, địa phương đang nắm giữ kho dữ liệu vui vẻ chia sẻ nguồn tài nguyên này”, ông Sơn nêu đề xuất.

Cần hành lang pháp lý

Chuyển đổi số là khai thác, biến đổi dữ liệu, tạo ra các giá trị mới. Vì vậy, cơ sở dữ liệu là trái tim của chuyển đổi số, là nguồn lực của quốc gia. Trong giai đoạn năm 2023 - 2025, Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cùng các nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. 

PGS-TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa) khẳng định, dữ liệu của Chính phủ đưa ra phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách toàn diện, công bằng, minh bạch là xu thế tất yếu của thời đại.

Lợi ích từ việc chia sẻ dữ liệu có thể góp phần tăng từ 1%-2,5% GDP, tạo ra lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp lên đến hàng tỷ USD. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia sẽ tạo nên nguồn dữ liệu đồng bộ, thống nhất để các bộ, ban, ngành, địa phương khai thác thống nhất, cũng như tham mưu hoạch định chính sách cho Chính phủ đúng chủ trương, sát thực tế.

Theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020, doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dữ liệu mở là dữ liệu miễn phí được công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng. Điều mà các doanh nghiệp cần là những dữ liệu chuyên sâu để phục vụ sản xuất, kinh doanh thì vẫn “gần mắt xa miệng”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho rằng, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. 

“Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, bộ, ngành để tư vấn, góp ý xây dựng một hàng lang pháp lý thông thoáng; Tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại; Hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành và quan trọng nhất là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế - xã hội”, ông Khoa nhấn mạnh.

Mục tiêu đến năm 2030: Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

(Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”)

Xây dựng sơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập
Đó là yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đối với lĩnh vực thanh tra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư