Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp đề xuất hình thức đặt hàng trong chuyển đổi số
Khánh An - 17/11/2021 10:05
 
Có thể áp dụng hình thức BOT trong đặt hàng doanh nghiệp phát triển hạ tầng số, như đã áp dụng trong lĩnh vực giao thông - vận tải.
.
Hội thảo “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

"Chúng tôi không kêu khó". Đây là lời ông Phạm Anh Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel trong cuộc thảo luận tại Hội thảo “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Vấn đề được thảo luận là cho dù cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhưng vẫn còn không ít những tồn tại.

Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển Internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh….

Việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế; hạ tầng vật lý chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh.

Đặc biệt, hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm được triển khai; cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ; hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn...

Nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp.

Ông Phạm Anh Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt như Viettel tự tin là không thua kém thế giới, thậm chí đang tiên phong trong nhiều mặt, như phát triển 5G, dịch vụ số...

“Nhưng nỗ lực, sự tiên phong của doanh nghiệp không thể nhanh, không thể tạo nên sự bứt phá, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, cân sự định hướng chiến lược của cơ chế, chính sách. Đơn cử nếu chỉ khuyến khích phát triển trung tâm dữ liệu, nhưng mỗi đơn vị, mỗi địa phương làm một cách, một hệ thống thì không thể tối ưu hạ tầng số. Thay vào đó, cần xác định tiêu chuẩn rõ ràng, như điện toán đám mây là tiêu chuẩn...”, ông Anh Đức nói.

Trong phát biểu khai mạc, ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đã nhắc đến những hạn chế, yếu kém có nguyên nhân từ công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, kết nối và tầm nhìn dài hạn, thường xuyên phải điều chỉnh.

Công tác quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn nhiều bất cập; quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu, hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, một số quy định chưa phù hợp.

Đây cũng là lý do ông Shigeyuki Sakaki, Chuyên gia cấp cao (Ngân hàng Thế giới –WB) băn khoăn về tương lai kết nối hệ thống giao thông của Việt Nam.

“Hà Nội vừa có thêm tuyến tàu điện trên cao, đã có 1 tuyế BRT... nhưng các hệ thống giao thông công cộng cần kết nối với nhau để tăng sự lựa chọn cho người dân. Sự kết nối này không chỉ ở một địa bàn mà cần kết nối hài hòa với hệ thống giao thông toàn quốc trong xu thế của chuyển đổi số, của dữ liệu lớn. Cơ quan nào sẽ làm việc này, sẽ kết nối các trung tâm điều hành của các hệ thống vận tải trên ”, ông Shigeyuki Sakaki đặt vấn đề.

Trong quan điểm của ông Shigeyuki Sakaki, kết nôi không chỉ theo nghĩa mạng lưới hài hòa giữa các hình thức vận tải công cộng, mà còn kết nối trong sử dụng dữ liệu, cách thức vận hành. “Người dân Hà Nội có thể dùng thẻ đi xe bus để đi tàu ở Hà Nội, để thanh toán tiền vè bus ở TP.HCM... Họ cần phải biết được xuống địa điểm nào, giờ nào để hạn chế thời gian chờ đợi khi nói tuyến... Để làm được, cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong phát triển các ứng dụng, nhưng Chính phủ cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu...

“Giao thông thông minh ở Việt Nam cần cả tầm nhìn tham vọng của Chính phủ và dư địa phát triển của khu vực tư nhân”, ông Shigeyuki Sakaki nói.

Đây cũng là một trong những yêu cầu mà các chuyên gia muốn nhìn thấy trong Chiến lược quốc gia về hạ tầng số. 

Về vấn đề này, ông Phạm Anh Đức cho rằng, trong việc thực thi, doanh nghiệp Việt Nam có thể đủ sức tham gia. “Có thể áp dụng hình thức BOT trong đặt hàng doanh nghiệp phát triển hạ tầng số, như đã áp dụng trong lĩnh vực giao thông – vận tải”, ông Đức đề xuất.

"Các doanh nghiệp Việt Nam muốn cống hiến trong sự phát triển này, nên cần một chiến lược tường minh, rõ ràng để cùng thực hiện. Việc lựa chọn, đặt hàng theo thế mạnh, chuyên sâu của doanh nghiệp là cách mà Hàn Quốc đã làm với Samsung, LG...", ông Đức đề xuất.

Hội thảo chuyên đề 7 với chủ đề “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, là sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành có liên quan chủ trì chuyên môn phối hợp tổ chức.
Phát triển smart city tại Việt Nam: Tập trung đầu tư vào lĩnh vực cấp bách
Nhiều khuyến nghị đưa ra cho tiến trình xây dựng thành phố thông minh (smart city) tại Việt Nam, vốn đang trong giai đoạn thử nghiệm, “ném đá dò...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư