Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp dệt may dự kiến thưởng Tết từ 1 - 1,5 tháng lương
Thế Hải - 30/12/2021 20:22
 
Vượt qua những khó khăn vì đại dịch, nhiều doanh nghiệp dệt may công bố mức thưởng Tết 2022 cho người lao động ở mức phổ biến 1 - 1,5 tháng lương, có nơi thưởng 2,5 - 3 tháng.
Tổng công ty May 10 giữ mức thưởng Tết ổn định như trước khi có dịch, tương đương khoảng 11 triệu đồng	Ảnh: Đức Thanh
Tổng công ty May 10 giữ mức thưởng Tết ổn định như trước khi có dịch, tương đương khoảng 11 triệu đồng Ảnh: Đức Thanh

Chênh lệch giữa các vùng miền

Sản xuất, kinh doanh gặp khó vì dịch bệnh kéo dài, riêng đợt dịch lần thứ tư bùng phát hồi giữa năm nay đã tác động tiêu cực tới “sức khỏe” các doanh nghiệp. Nhưng vượt qua những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã ngồi lại lo tính toán lương thưởng Tết cho người lao động.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, có sự phân hoá giữa mức thưởng của doanh nghiệp dệt may 3 miền. Do không bị ảnh hưởng nặng nề về dịch như phía Nam, các đơn vị thuộc Vinatex ở phía Bắc duy trì mặt bằng thưởng Tết từ 1,5 đến 2 tháng, phía Nam tối thiểu 1 tháng.

Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt may. Cụ thể, 49 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp (32 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với 15.267 người lao động, 17 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất); 12 người lao động tử vong; 6.300 người lao động là F0; 35.023 người lao động ngừng việc từ 2 đến 2,5 tháng do thực hiện phong tỏa, cách ly hoặc doanh nghiệp ngừng sản xuất, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức “3 tại chỗ”, điều trị, cách ly tại chỗ cho người lao động khi có F0…

Tại phía Bắc, dù các doanh nghiệp dệt may không bị đóng cửa nhà máy như nhiều doanh nghiệp phía Nam, nhưng đại dịch đã đẩy chi phí sản xuất tăng rất cao. Tuy vậy, thưởng Tết vẫn được duy trì để động viên người lao động sau một năm vất vả.

Công ty cổ phần TNG (Thái Nguyên) cho biết, mỗi người lao động nhận 1,5 - 2 tháng, tương đương 13 - 15 triệu đồng tiền thưởng Tết. So với mặt bằng chung trong ngành, TNG có mức thưởng khá cao.

Trong khi đó, Tổng công ty May 10 giữ mức thưởng ổn định như trước khi có dịch là 1,5 tháng lương, tương đương khoảng 11 triệu đồng. Là một doanh nghiệp may xuất khẩu quy mô 4.000 lao động, Công ty cổ phần May Tiên Hưng (Hưng Yên) khẳng định, các chế độ tiền lương, thưởng Tết của người lao động năm nay cơ bản được giữ vững như 2 năm trước.

Thông tin về thiệt hại của các doanh nghiệp dệt may trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Tâm cho hay, đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt may. Công đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến chi 3 tỷ đồng (gấp đôi Tết 2021) để chăm lo, hỗ trợ người lao động. Trong đó, đặc biệt ưu tiên người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19.

“Các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho lao động như: tháng lương thứ 13, thưởng Tết, tặng quà Tết cho 100% người lao động; bố trí xe, hỗ trợ vé tàu xe cho người lao động về quê đón Tết; tổ chức đón Tết cho những lao động không về quê…, với tổng số tiền dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng”, bà Tâm nói.

Mặt bằng thấp hơn các năm trước

2021 là một năm thực sự khó khăn đối với ngành dệt may, đặc biệt là với những doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam khi phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến chuỗi sản xuất gần như bị đứt gãy. Trong quý III, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, lao động không được đến nhà máy, nên đã xảy ra tình trạng không đảm bảo tiến độ giao hàng, bị phạt hợp đồng. Điều này dẫn đến việc một số khách hàng chuyển đơn hàng sang thị trường khác, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và suy giảm đà tăng trưởng của toàn ngành.

Tuy nhiên, kể từ tháng 10, khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 39 tỷ USD trong năm 2021, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Dù về đích với kết quả cao hơn kỳ vọng, tăng nhẹ so với năm trước dịch, nhưng lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp ngành may sẽ không nhiều, bởi gánh nặng chi phí tiền lương, chăm sóc người lao động trong giai đoạn dịch bệnh, chi phí phòng chống dịch…

Do tác động của dịch bệnh, “bức tranh” thưởng Tết sẽ có những thay đổi không chỉ ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ tư, mà diễn ra trên khắp cả nước. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, có khoảng 30-50% doanh nghiệp sẽ giảm thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp cố gắng để có thêm tháng lương thứ 13, nhưng mức thưởng sẽ thấp hơn các năm trước.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, khó có thể dự báo cụ thể mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trong ngành dệt may vào thời điểm này, vì doanh nghiệp đang tập trung sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Việc thưởng Tết sẽ tùy thuộc vào doanh số, tình hình kinh doanh năm 2021 và quy mô lao động của doanh nghiệp.

Nhìn tổng thể, do ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư là rất lớn, đến nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa thể hồi phục được. Bằng chứng là, số lao động thất nghiệp, chưa có việc làm, bị giảm thu nhập vẫn tăng. Do đó, thưởng Tết 2022 khó có đột biến ở các doanh nghiệp dệt may phía Nam, thậm chí nhiều doanh nghiệp cho biết, mức thưởng từ 500.000 đến 1 triệu đồng đã là may.

Không ít lãnh đạo doanh nghiệp dệt may tại Đồng Nai, Long An thừa nhận, dòng tiền trong doanh nghiệp đã cạn, tình hình thưởng Tết năm 2022 sẽ rất khó khăn, dù ai cũng hiểu người lao động là nòng cốt cho tăng trưởng của doanh nghiệp.

Lao động ngành giao thông: Mong được trả nợ lương, không mong thưởng Tết
Đã sát Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành giao thông vẫn quay quắt tìm nguồn trả nợ lương năm 2020 cho người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư