Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Doanh nghiệp địa ốc “cài số lùi” mục tiêu doanh thu, lợi nhuận
Trọng Tín - 02/04/2023 08:15
 
Dự báo tình hình thị trường còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp địa ốc “cài số lùi” khi xây dựng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc hết sức thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023. Ảnh: Lê Toàn

Sự thận trọng có thể thấy trước

Là doanh nghiệp lớn và có nhiều dự án gối đầu trên thị trường, nhưng trong năm qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh chỉ hoàn thành được 10,6% kế hoạch lợi nhuận ròng, khi ghi nhận 149 tỷ đồng, giảm 87,1% so với cùng kỳ. Sự khó khăn của thị trường khiến hai mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty là phát triển bất động sản và dịch vụ đều ghi nhận mức giảm mạnh.

Dù chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, nhưng trong báo cáo cập nhật về Tập đoàn Đất Xanh, Công ty Chứng khoán VNDirect tiết lộ, trong năm nay, Đất Xanh dự định chỉ mở bán dự án DXH Parkview (tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) do điều kiện thị trường không thuận lợi. Đây là dự án khu chung cư cao cấp, diện tích 5,13 ha, quy mô 6.500 căn hộ với tổng mức đầu tư 21.728 tỷ đồng. Việc chỉ có 1 dự án mở bán có thể khiến doanh số ký bán mới của Đất Xanh giảm 33,5% so với năm 2022.

Trong khi đó, một đơn vị thành viên của Tập đoàn Đất Xanh là Đất Xanh Services cũng lên kế hoạch đi lùi với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 92% so với kết quả thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 126 tỷ đồng, giảm 62% so với thực hiện năm 2022.

Sự thận trọng này là điều dễ hiểu, bởi trong năm 2022, đã có không ít doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh một cách đầy tự tin, nhưng lại không đạt kế hoạch, thậm chí có doanh nghiệp còn chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Dù năm 2023, Chính phủ đã triển khai một loạt giải pháp gỡ khó và hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp bất động sản không dám “mạo hiểm” đặt ra kế hoạch kinh doanh cao. Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông sắp diễn ra, Công ty cổ phần Vinaconex cho biết, năm ngoái, do biến động khó lường của thị trường, Công ty đã chủ trương không thực hiện đầu tư dàn trải, mà tập trung triển khai các dự án có pháp lý đầy đủ, sản phẩm phục vụ nhu cầu thật của người dân. Đồng thời triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện pháp lý các dự án dở dang, nhằm sẵn sàng triển khai trên thực địa khi tình hình thị trường thuận lợi.

Riêng trong năm nay, Ban lãnh đạo Vinaconex nhận định, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi những ảnh hưởng về nguồn vốn, pháp lý, việc siết chặt tín dụng, thanh khoản thị trường được dự báo ở mức trung bình thấp. Do đó, Công ty lên kế hoạch lãi sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 8%, còn 860 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác ở Bình Dương là Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex (Becamex IJC) cũng xác định, năm 2023, bất động sản - lĩnh vực đóng góp trên 50% tỷ trọng tổng doanh thu của doanh nghiệp, sẽ còn nhiều khó khăn.

Việc thắt chặt nguồn vốn tín dụng, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư. Do đó, lãnh đạo Công ty trình cổ đông định hướng hoạt động kinh doanh năm 2023 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.634 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, giảm 2%. Trong đó, giảm mạnh nhất là nguồn thu từ bất động sản và khách sạn.

Chỉ cần vượt khó là đã đạt mục tiêu

Cho đến hiện tại, sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và biện pháp hạ nhiệt lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước, tâm lý của thị trường đang dần được giải tỏa khi hàng loạt doanh nghiệp đã công bố đạt được những thỏa thuận về hoán đổi, gia hạn nợ hay phát hành trái phiếu thành công.

Dù vậy, theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chuyên trang Batdongsan khu vực phía Nam, những động thái này từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ là điều kiện cần, còn thực chất doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, xây dựng danh mục sản phẩm, điều chỉnh mức giá phù hợp với thị trường thì dòng tiền mới thực sự đi vào doanh nghiệp.

“Thị trường phục hồi, nhưng doanh nghiệp nào không có năng lực và tài sản thực sự vẫn sẽ chết. Đơn cử, một doanh nghiệp không có tài sản, mà chỉ sử dụng cổ phiếu để phát hành cả ngàn tỷ đồng trái phiếu, thì dù có được giãn nợ 2 năm cũng không có cách nào trả nợ và tiếp tục duy trì hoạt động khi thị trường khó khăn”, ông Tuấn nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM phân tích, một số doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu có lợi nhuận trong năm nay được xem là lạc quan, bởi hoạt động của ngành này phụ thuộc lớn vào thanh khoản của thị trường, dòng vốn và tiến độ gỡ vướng pháp lý của các dự án, mà những nút thắt này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngày một ngày hai.

Trong năm nay, doanh nghiệp này chủ trương giảm 30 - 50% lượng vốn đầu tư và giảm tốc độ thi công dự án để tránh áp lực dòng tiền. Trong 3 quý đầu năm, sức mua của thị trường chưa thể hồi phục, công ty sẽ chủ động chậm lại vài nhịp hoạt động liên quan đến chi tiêu dòng vốn lớn, nhằm ưu tiên dự trữ nguồn lực để phòng thủ trong trường hợp tình huống xấu nhất xảy ra.

“Năm 2023, chỉ cần vượt khó là đã đạt mục tiêu”, vị này nói, đồng thời nhấn mạnh, khó khăn của thị trường hiện nay có liên quan nhiều đến tâm lý, khủng hoảng niềm tin khi người chưa mua đang có xu hướng do dự, chần chừ ra quyết định. Ngược lại, người đã mua tài sản lại gặp khó khăn thanh toán theo tiến độ, muốn rời đường đua do đuối tài chính.

Để giải quyết bài toán thanh khoản, hướng đến phát triển bền vững, các sản phẩm được doanh nghiệp tung ra trong thời gian tới phải đáp ứng được nhu cầu ở thật và nằm trong khả năng chi trả của số đông. Đây cũng là dòng sản phẩm có nhu cầu lớn, nhưng khan hiếm nguồn cung trên thị trường suốt nhiều năm qua.
Lãi suất điều hành bất ngờ giảm, tìm điểm cân bằng để ngân hàng "cứu" trái phiếu
NHNN hạ thêm lãi suất điều hành, đang nghiên cứu cơ chế giãn nợ, gói 120.000 tỷ đồng triển khai trong vài ngày tới, M&A ngân hàng tiếp tục sôi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư