Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp đòi hỏi minh bạch hơn
Bảo Duy - 29/03/2019 09:55
 
Chi phí không chính thức, gồm cả tham nhũng vặt và tham nhũng lớn đã giảm. Hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng qua (28/3), đã ghi nhận xu hướng này.
.
Tính minh bạch về thông tin trong điều tra PCI 2018 chưa được cải thiện.

Các số liệu công bố chính thức cho thấy, toàn bộ chỉ tiêu đo lường chi phí không chính thức trong PCI 2018 đã cải thiện so với năm trước đó.

Hiện tượng “tham nhũng vặt” - chi phí bôi trơn nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước. Tỷ lệ 54,8% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức được xem là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

“Tham nhũng lớn” có dấu hiệu giảm bớt, khi chỉ còn 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục về đất đai (giảm so với 32% vào năm ngoái).

Ấn tượng hơn cả là con số 39,3% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%)...

Kể từ khi công bố PCI năm 2006 đến nay, đây là lần đầu tiên, hiện tượng này được ghi nhận. Rõ ràng, doanh nghiệp đang cảm nhận kết quả thực tế từ những hành động mạnh mẽ, kiên quyết của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Nỗ lực siết chặt kỷ cương công vụ, cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ đã tác động rất tích cực. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” cũng bắt đầu dịch chuyển...

Mặc dù vậy, số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức vẫn rất cao nếu nhìn vào các tỷ lệ trên. Hơn thế, nếu so với mục tiêu chỉ còn khoảng 30% doanh nghiệp phải chi phí không chính thức vào năm 2020 của Chính phủ trong Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, khoảng cách còn rất xa.

Điều đáng nói là thực tế này cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu phân tích kỹ những gánh nặng thủ tục lớn nhất, phiền hà nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Khảo sát PCI 2018 đã xếp lĩnh vực đất đai đang gây khó khăn nhất, với 30% doanh nghiệp than phiền; tiếp đó là thuế (28%), bảo hiểm xã hội (25%), quản lý thị trường (16%), giao thông (15%) và xây dựng (14%)...

Tính minh bạch về thông tin trong điều tra PCI 2018 cũng chưa được cải thiện. Cụ thể, với thang điểm từ 1 đến 5 (không thể - rất dễ), khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch của doanh nghiệp chỉ đạt 2,38 điểm vào năm 2018, vẫn xoay quanh mức của năm 2015 và 2016, thấp hơn đáng kể mức 2,63 điểm năm 2006. Khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý có khá hơn (3,01 điểm trong năm 2018), song cũng chưa cải thiện nhiều kể từ những năm đầu tiến hành điều tra, khi vẫn có tới 69,4% doanh nghiệp cho biết họ cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh (năm 2017, con số này là 70%).

Không thể phủ nhận vai trò tất yếu của doanh nghiệp trong tạo dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, an toàn, nhưng khi cạnh tranh vẫn dựa trên các mối quan hệ, thì doanh nghiệp sẽ rất khó nói về các kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh; cũng rất khó đưa ra những cam kết tăng cường liêm chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính mình.

Thêm một lần nữa, doanh nghiệp gửi đi thông điệp rằng, công cuộc truyền lửa cải cách của Chính phủ cần mạnh mẽ hơn, trước hết là đến những địa chỉ đang gây phiền hà nhất mà doanh nghiệp liệt kê.

Doanh nghiệp phải "bôi trơn": Minh bạch và chi phí không chính thức
Các vụ việc nhân viên hải quan bị phản ánh nhận bôi trơn của doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư