Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch: Háo hức chờ đếm... lợi nhuận
Hải Hà - 06/08/2017 14:40
 
Cam kết sẽ gỡ các rào cản liên quan đến chính sách thị thực của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2017 đã được doanh nghiệp trong ngành xem là một trong những cơ sở có thể giúp tăng doanh thu, lợi nhuận.
TIN LIÊN QUAN

Cân bằng lợi thế

Việc ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn thừa nhận, các chính sách về thị thực của Việt Nam với khách du lịch hiện tại chưa đủ thông thoáng, kém cạnh tranh so với nhiều quốc gia trên thế giới khiến các doanh nghiệp du lịch cảm kích.

“Khi Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận đây là điểm nghẽn thì sẽ có giải pháp.Chỉ có điều, các giải pháp cần được đưa ra nhanh chóng. Chúng tôi đã kiến nghị xem xét thực hiện trong quý III/2017 để đón đầu mua du lịch bắt đầu từ quý IV/2017”, ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký Hội đồng tư vấn Nhóm Công tác du lịch của VPSF nói.

Du khách nước ngoài  tham gia tour du lịch thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).
Du khách nước ngoài tham gia tour du lịch thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Đề xuất của VPSF là bổ sung thêm 6 quốc gia vào danh sác miễn thị thực, gồm Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ, áp dụng thị thực điện tử cho 9 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Với các đề xuất này, các doanh nghiệp du lịch tính toán, thị trường mục tiêu của ngành sẽ mở rộng thêm, thay vì giới hạn 23 quốc gia miễn thị thực, trong đó có tới 13 quốc gia miễn thị thực có thời hạn như hiện nay.

“Ngành du lịch Việt Nam sẽ có lợi cạnh tranh công bằng hơn so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp ngành du lịch đương nhiên sẽ hưởng lợi”, ông Chính nhận định.

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour thậm chí đã tính số khách quốc tế của Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng tích cực, không thể chỉ bằng 30% lượng khách đến Thái Lan, trong khi Việt Nam đứng thứ 16 trong xếp hạng các quốc gia có tiềm năng du lịch trên thế giới.

Thực tế, chính sách miễn thị thực dành riêng 5 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã chứng minh, dù chính sách này chỉ có hiệu lực ngắn hạn, tính theo từng năm một, thì số khách đến Việt Nam từ các thị trường này đã tăng rất nhanh.

Năm đầu tiên áp dụng chính sách này, Việt Nam đã đón 720.000 lượt khách từ 5 nước trên, tăng thêm 96.000 lượt so với cùng kỳ. Tương tự, năm 2016, lượng khách 5 nước Tây Âu tăng thêm 58.000 lượt.

Tăng lợi nhuận và không bị rối khi hoạt động 

Nhóm công tác du lịch của VPSF cũng đã đề xuất tăng số ngày miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày với khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Italy… Thời gian miễn thị thực kéo dài 5 năm.

Nếu kiến nghị này được thực hiện, lợi nhuận thu được từ ngành kinh tế du lịch sẽ tăng lên đáng kể vì 12 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, đều đang bị giới hạn số ngày lưu trú.

Trong khi đó, ngoài du khách Hàn Quốc và Nhật Bản có mức chi tiêu bình quân gần 1.000 USD/khách thì các nước còn lại đều có mức chi tiêu bình quân trên 1.000 USD/khách. Đây là lý do các doanh nghiệp du lịch hào hứng với các kế hoạch kinh doanh cuối năm và đặc biệt là các năm tới.

“Chúng tôi đề nghị việc thay đổi chính sách gia hạn miễn thị thực ví dụ như gia hạn cho 5 nước Tây Âu cần thời gian thông báo trước 6 tháng”, ông Chính nói.

Lý do là doanh nghiệp cần 3 - 5 tháng để khảo sát tuyến điểm, kiểm tra dịch vụ du lịch tại điểm rồi mới xây dựng sản phẩm và lên kế hoạch giữ chỗ hàng không, quảng cáo, thu hút khách đăng ký tour.

“Kế hoạch xúc tiến đã lạm vào hơn nửa thời gian được miễn visa cùng chính sách gia hạn chỉ kéo dài 1 năm, nếu chỉ được thông qua sát nút trước một tháng như hiện tại đang đẩy doanh nghiệp vào tình trạng luôn bị động. Cách làm hiện tại đang thu hẹp mức độ tiếp cận lượng khách lớn, làm tăng chi phí cơ hội, giảm hiệu quả kinh doanh. Do vậy, chính sách nên kéo dài 5 năm như đề xuất của Nhóm công tác du lịch”, ông Năng thẳng thắn nói.

Theo ông, 40% khách có nhu cầu đặt tour trên 15 ngày của Vietrantour đã phải quay sang đặt tour ngắn dưới 15 ngày. Bên cạnh đó, hầu hết các tour xuyên Việt, khám phá di sản, cảnh quan do đơn vị này mở bán đều có độ dài 17 - 18 ngày. Nhưng từ khi chính sách miễn thị thực thời hạn lưu trú không quá 15 ngày được triển khai, Công ty đã phải nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm ngắn ngày.

Ở khía cạnh kinh tế, khi kéo dài thời gian miễn thị thực, tổng chi tiêu trung bình của khách sẽ có cơ hội tăng hơn mức trung bình hiện tại là khoảng 1.300USD/15 ngày tour vì khách Tây Âu có mức chi tiêu trung bình 87 USD/khách/ngày.

Trên bình diện rộng hơn, ông Hoàng Nhân Chính cũng cho rằng, các chính sách thị thực phù hợp cộng với việc cắt giảm các thủ tục hành chính ở cửa khẩu sẽ là cơ sở để ngành du lịch duy trì mức tăng trưởng 15-20% trong vòng 4 năm (từ nay tới năm 2020), để có thể cán đích thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư