Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch khó tuyển nhân sự như ý
Hồ Hạ - 04/03/2022 08:54
 
Nhu cầu tuyển nhân sự của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú đang tăng cao, khi ngày 15/3 tới du lịch sẽ mở cửa toàn bộ. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp khó tuyển được nhân sự như ý.
Nhu cầu tuyển nhân sự ở các công ty du lịch đang tăng cao.

Nhu cầu tuyển nhân sự tăng cao

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom cho hay, tình hình đón khách trong 3 tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 tại FLC tương đối khả quan. Lượng du khách nội địa đi du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn, không chỉ Quy Nhơn, mà cả Phú Quốc, Đà Nẵng. Chỉ trong mấy ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần, toàn bộ quần thể của FLC Quy Nhơn đã đón 10.000 khách.

Trong năm 2021, hệ thống sân golf của FLC phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, song đến những ngày cuối năm đã hoạt động hết công suất. “Có ngày chúng tôi đón trên 1.000 khách, tổ chức nhiều giải đấu, thu hút nhiều ngôi sao đến với bộ môn này”, ông Hùng bật mí.

Để chuẩn bị cho giai đoạn được dự báo sẽ bùng nổ về lượng du khách trong thời gian tới, hệ thống quần thể FLC chuẩn bị nhân lực từ trong giai đoạn giãn cách. Trong năm 2022, doanh nghiệp này dự kiến tuyển dụng 2.000 - 4.000 nhân sự, 15% là cán bộ cấp cao, chuyên gia nước ngoài cho Hãng Bamboo Airways. Đơn vị cũng có trung tâm đào tạo phi công và tiếp viên đi vào hoạt động trong tháng 5, tháng 6. “Những nỗ lực đó nhằm đón đầu lượt khách quốc tế đến hãng hàng không. FLC cũng đẩy mạnh tiêm chủng cho nhân viên mũi 3, nên rất tự tin đón khách quốc tế”, ông Hùng nói.

Không chỉ các tập đoàn lớn như FLC, nhu cầu tuyển nhân sự của các công ty lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi trên cả nước cũng rất lớn. Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Công ty Santa, đơn vị vận hành website tuyển dụng nhân sự cho biết, nhu cầu tuyển lao động ngành du lịch tăng gấp đôi trước Tết và cũng gấp đôi so với cùng kỳ giai đoạn trước dịch. Lượng hồ sơ đã tăng gấp ba lần và hiện truy cập trang web của doanh nghiệp này vẫn trên đà tăng mạnh.

Ông Việt lý giải, từ tháng 11-12/2021, nhu cầu du lịch tăng nhưng chưa ổn định. Dịp Tết, các điểm đến khắp Việt Nam đều đông khách, là tín hiệu rõ ràng cho thấy du khách đã sẵn sàng trở lại. Ngoài ra, việc Chính phủ công bố thời gian mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 giúp doanh nghiệp du lịch xác định rõ cần ổn định lại bộ máy trước kỳ nghỉ 30/4-1/5. Riêng lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng có nhu cầu gia tăng rõ rệt, đặc biệt ở các trung tâm lớn như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long, Quảng Nam, Đà Lạt, TP.HCM, Tây Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang)...

Phú Quốc, một trong những du lịch được yêu thích trong dịp Tết vừa qua, cũng thiếu hụt lớn về nhân sự. Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết, dịp nghỉ lễ với lượng khách tăng đột biến dẫn đến tình trạng thiếu nhân viên phục vụ, khiến cấp quản lý, lãnh đạo cũng phải xắn tay áo làm việc của nhân viên để phục vụ du khách.

Không quá lo lắng

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, doanh nghiệp du lịch cắt giảm 70-80% nhân sự. Năm 2021, số lượng nhân sự làm đủ thời gian chỉ còn 25% so với năm 2020.

Nếu du lịch phục hồi thành công từ ngày 15/3 thì cao điểm đầu tiên của thị trường du lịch sẽ là dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Đây chính là thời điểm nhu cầu tăng cao và vấn đề thiếu hụt nhân lực phục vụ sẽ lộ rõ.

Nhân sự đang thực sự là vấn đề nan giải ở các doanh nghiệp lữ hành. Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho biết, sau hơn 2 năm với 4 đợt dịch bệnh Covid-19, về cơ bản số lượng doanh nghiệp du lịch đang còn cầm cự được rất ít và nhân sự còn lại cũng chính là những chủ doanh nghiệp và một vài lãnh đạo cốt cát của công ty chứ không còn nhân viên thuê mướn.

“Mặc dù du lịch có dấu hiệu phục hồi, nhưng mới chỉ được mảng nội địa, cùng với tình trạng du lịch tự túc của người dân, nên lượng việc của các doanh nghiệp chưa nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp trong đó có VietSense Travel vẫn chỉ đang vận hành với đội ngũ nhân lực cốt cán là Ban giám đốc và các trưởng phòng (7-10 người)”, ông Tài thông tin.

Theo dự đoán của CEO VietSense Travel, nếu du lịch phục hồi thành công từ ngày 15/3 thì cao điểm đầu tiên của thị trường du lịch sẽ là dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Đây chính là thời điểm nhu cầu tăng cao và vấn đề thiếu hụt nhân lực phục vụ sẽ lộ rõ, nguồn cung lao động du lịch gần như bằng 0, nên doanh nghiệp không thể tuyển được nhân lực lành nghề như mong muốn.

Ông Tài cho rằng, để mời lại được những người cũ và tuyển nhân lực mới, việc đầu tiên là phải thuyết phục họ bằng cơ chế lương, thu nhập tốt và có công việc cho họ làm. Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự khi nhu cầu du lịch tăng cao từ quý II, VietSense Travel đang kết nối lại toàn bộ những cán bộ, nhân viên cũ trước đây để mời trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, liên hệ với khoa du lịch của các trường trên địa bàn Hà Nội để gửi thông báo tiếp nhận thực tập và đào tạo thực tế ngắn hạn tại công ty cho sinh viên mới tốt nghiệp. Đặc biệt, VietSense Travel sẽ kết hợp với một số công ty lữ hành thành lập Trung tâm đào tạo du lịch thực tế Prato để mở các lớp định hướng nghề lữ hành và khóa đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng điều hành và sale du lịch bằng hình thức trực tuyến qua zoom online vào buổi tối.

Nhận định nhân sự ngành du lịch thiếu trầm trọng, chỉ khoảng một phần ba còn làm việc, đáng lo nhất ở mảng khách sạn, tuy nhiên, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, không nên quá lo lắng trước sự đứt gãy và thiếu nhân lực của ngành du lịch Việt Nam.

Theo ông Bình, sự phục hồi của ngành du lịch diễn ra từ từ, chứ không phải bùng nổ ngay lập tức. Khi du lịch dần hồi phục, các địa phương và doanh nghiệp sẽ phát triển được nhân sự. Mặt khác, ảnh hưởng của Covid-19 cũng tạo ra sự đào thải trong ngành du lịch. Đây là một quá trình phát triển tự nhiên của bất cứ ngành kinh tế nào, đòi hỏi sự lèo lái của người dẫn đầu mới có thể vượt qua.

PGS.TS Phạm Trung Lương: Mở cửa du lịch, cần có kịch bản quản trị rủi ro
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, bên cạnh phương án mở cửa du lịch, cần có các kịch bản quản trị rủi ro song hành, nhằm không để xảy ra tình trạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư