Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch khốn đốn trước nạn lừa đảo online
Ngô Nguyên - 12/08/2024 17:54
 
Các đối tượng giả mạo các công ty du lịch nổi tiếng quảng bá chương trình khuyến mãi, voucher với ưu đãi lớn dụ khách đặt phòng khách sạn hay vé hãng máy bay rồi chiếm đoạt tiền.

Kỳ công review homestay, resort thật để...lừa 

Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cảnh báo, với việc nhu cầu đi du lịch ngày một tăng cao, trên không gian mạng xuất hiện nhiều đối tượng giả danh là những nhân viên làm việc tại các khách sạn, homestay, resort,... mời chào dụ dỗ nạn nhân đặt phòng rồi sau đó chiếm đoạt tiền cọc.

Ban đầu, các đối tượng lừa đảo sẽ lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội ảo hoặc giả mạo, đăng tải nhiều hình ảnh có sẵn trên trang cá nhân về nhà nghỉ, khách sạn, homestay thật, thậm chí quay dựng clip review về địa điểm du lịch kèm theo mời chào du khách đến nghỉ với mức giá vô cùng ưu đãi và hấp dẫn.

Khuyến cáo của Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)


Sau đó, các đối tượng sẽ tham gia vào các Fanpage, nhóm chat liên quan tới du lịch, tìm kiếm người có nhu cầu tìm và đặt phòng, từ đó chủ động liên hệ và tiếp cận. Khi nói chuyện với nạn nhân, các đối tượng nhiệt tình tư vấn về các dịch vụ cũng như đưa ra mức giá vô cùng hợp lý, đi kèm với nhiều hình ảnh nhằm gia tăng mức độ uy tín.

Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng sẽ yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền đặt cọc với lý do khách sạn, nhà nghỉ quá tải, nếu không đặt trước sẽ không còn phòng trống. Sau khi nhận được tiền cọc, các đối tượng sẽ chặn tài khoản và cắt đứt liên lạc với nạn nhân.

Khi khách đến sân bay mới biết mình bị lừa

Không chỉ vậy, theo Cục an toàn thông tin, thời gian gần đây, trong các hội nhóm trao đổi, mua bán vé máy bay xuất hiện nhiều đối tượng rao bán vé máy bay với giá rẻ bất ngờ, yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt.

Lợi dụng tâm lý ham rẻ, một số đối tượng tạo lập các tài khoản Facebook giả mạo các công ty du lịch nổi tiếng và đăng bài quảng bá về các chương trình khuyến mãi, voucher với ưu đãi lớn và số lượng có hạn của các hãng bay cho phép khách hàng đặt lấy mã trước và thanh toán chậm trong vòng 12-24h. Bài đăng luôn kèm số điện thoại dễ nhớ và tên tài khoản ngân hàng uy tín, minh bạch để tạo tin tưởng.

Khi nạn nhân đồng ý, hoàn tất chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng còn gửi mã code vé cho nạn nhân. Chỉ khi khách hàng đến sân bay mới biết mình đã bị lừa, bởi kẻ lừa đảo không hề thanh toán tiền trên hệ thống cho hãng bay hay khách sạn. 

Khuyến cáo Cục an toàn thông tin 


Trước thực trạng lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân  khi tham gia mua bán vé máy bay trên các nền tảng mạng xã hội cần yêu cầu đối tượng cung cấp hợp đồng Công ty, có dấu chữ ký của giám đốc và thực hiện các biện pháp tra cứu để xác thực tên miền website, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ và mã số thuế Công ty trước khi thực hiện giao dịch. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với lực lượng chức năng, chia sẻ qua mạng xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo lan rộng.

Lừa cả người có nhu cầu xuất cảnh 

Thủ đoạn này, theo Cục An toàn thông tin, ban đầu, các đối tượng lừa đảo tìm kiếm người có nhu cầu xuất cành trên các trang mạng xã hội, tiếp cận và hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục, yêu cầu gửi ảnh chân dung và căn cước công dân để thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu.

Sau một khoản thời gian, các đối tượng gửi ảnh hộ chiếu giả mạo (hình ảnh được cắt ghép, chỉnh sửa thông tin), thông báo chi phí xuất cảnh và yêu cầu nạn nhân đóng các khoản phí vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Kẻ lừa đảo còn gửi hình ảnh chụp visa giả mạo nhằm chiếm dụng lòng tin của nạn nhân, đồng thời thông báo thời gian xuất cảnh, yêu cầu nạn nhân có mặt tại sân bay để nhận giấy tờ và làm các thủ tục cần thiết.

Khuyến cáo của Cục an toàn thông tin


Sau đó, các đối tượng gửi "Văn bản xác minh chứng minh nguồn thu nhập và tài chính" giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản (số tài khoản và thông tin giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để chứng minh tài chính và cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi nộp tiền 30 - 40 phút. Lúc này, các đối tượng mạo danh là cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an liên tục gọi thúc giục người dân nộp tiền hoàn thiện hồ sơ để chiếm đoạt.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác khi tìm kiếm dịch vụ làm giấy tờ xuất cảnh trên các trang mạng xã hội. Hiện tại, Cục Quản lý xuất nhập cảnh chỉ cung cấp dịch vụ qua cổng thông tin điện tử https://xuatnhapcanh.gov.vn/, các tài khoản, fanpage Facebook cung cấp dịch vụ như trên đều là giả mạo. 

Tập đoàn lớn trong vòng xoáy lừa đảo online - Bài 4: Bắt trend chính sách để giả mạo ngân hàng
Hệ thống Internet Banking của ngân hàng có tính bảo mật rất cao, thường xuyên được kiểm định an toàn. Đây cũng là đích nhắm chủ lực của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư