Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng tăng cơ hội tiếp cận vốn
Hoài Sương - 08/08/2023 08:05
 
Tín hiệu phục hồi khả quan của ngành du lịch cùng chính sách mới về visa vừa được ban hành đang tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp đầu tư, làm mới sản phẩm, dịch vụ và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến. Cùng với đó, nhu cầu vốn cũng tăng mạnh.

Cần vốn để đầu tư, triển khai kế hoạch kinh doanh

Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ du lịch Đất Việt - Đất Việt Tour (TP.HCM) đang chuẩn bị dòng tiền để đặt cọc vé máy bay, dịch vụ, khảo sát điểm đến và quảng bá… cho các chương trình tour vào mùa thu và dịp Tết.

Ông Đỗ Văn Thức, Phó tổng giám đốc Đất Việt Tour cho biết, ngoài đặt cọc cho các dịch vụ, Công ty rất cần vốn để đầu tư bổ sung cho đội xe, vì trong giai đoạn Covid-19, Đất Việt Tour đã phải bán xe để giải quyết các khoản vay. Đến nay, nợ đã giảm, thị trường dần phục hồi và ổn định, nên doanh nghiệp muốn mua thêm xe để đảm bảo hoạt động.

Tương tự, Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam cũng có kế hoạch tăng số lượng xe buýt để “phủ sóng” rộng khắp TP.HCM. Ông Nguyễn Khoa Luân, Tổng giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để có nguồn lực triển khai kế hoạch kinh doanh.

Trong khi đó, với định hướng tập trung vào thị trường ngách là dòng khách thuộc lĩnh vực y dược, Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Gola đang tập trung đầu tư xây dựng bộ máy nhân sự với yêu cầu nghiệp vụ cao để phục vụ riêng cho nhóm khách này.

Kỳ vọng tăng cơ hội tiếp cận tín dụng

Các doanh nghiệp chia sẻ, nếu chủ động được nguồn vốn, thì họ có thể đặt cọc vé máy bay, dịch vụ… sớm hơn và tiếp cận được giá tốt hơn. Tuy nhiên, do hạn chế về tài chính, lại rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, nên doanh nghiệp buộc phải tìm cách phân bổ dòng tiền, chia nhỏ nguồn vốn cho các hoạt động…, dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Thành Lộc, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Gola chia sẻ: “Chúng tôi phải xoay dòng tiền liên tục, lấy chỗ này đắp lên chỗ kia, nên cũng không mạnh dạn đầu tư sản phẩm và đánh mất nhiều cơ hội kinh doanh”.

Cơ hội tiếp cận tín dụng và được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt, đây còn là thời điểm quan trọng để nắm bắt cơ hội bứt phá trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Ông Đỗ Văn Thức cho biết, từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay, Đất Việt Tour chưa được hưởng sự hỗ trợ nào. Đơn cử, khi gói hỗ trợ 2% lãi suất hoặc ưu đãi vay tín chấp được đưa ra, Sở Du lịch TP.HCM đã có nhiều đề xuất, nhưng hầu hết doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa nhận được sự quan tâm, mặc dù đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong dịch.

“Những khoản vay chính của chúng tôi hiện nay chỉ là vay ngắn hạn, thường là 6 tháng với mức lãi suất 5 - 7%/năm, còn các khoản vay dài hạn thì lãi suất quá cao. Gói vay dài hạn cần tài sản thế chấp, nhưng với doanh nghiệp du lịch, tài sản đa phần chỉ mang tính chất đặc trưng với những sản phẩm vô hình, nên rất khó tiếp cận”, ông Thức chia sẻ.

Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam đang tiếp cận vốn với mức lãi suất 11,5%/năm, nhưng nếu tính cả các loại chi phí đi kèm, như chi phí bảo hiểm phương tiện, chi phí rủi ro…, thì con số có thể lên đến 15%.

“Doanh nghiệp phải ‘gồng mình’ trả nợ khi lãi suất quá cao, hoặc chấp nhận không đảm bảo cơ sở, dịch vụ để phục vụ lượng du khách đang gia tăng hiện nay. Điều này được ví như ‘con dao hai lưỡi’ trong hoạt động đầu tư”, ông Nguyễn Khoa Luân bộc bạch.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ: “Việc vay vốn của doanh nghiệp ngành du lịch khá đặc thù, nên Sở Du lịch đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có chính sách riêng, như vay vốn theo kỳ vào các giai đoạn cao điểm về giá vé máy bay, dịp hè, cuối năm… và xây dựng các gói cho vay đặc thù, chính sách cho vay riêng để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành”.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tổ chức các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương đến thị trường quốc tế; phối hợp với các địa phương xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách, cơ chế ưu đãi để phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư để du lịch phát triển mạnh mẽ trở lại.

“Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch rất mong muốn được vay vốn với thời hạn dài hơn, mức lãi suất thấp hơn để có điều kiện gia tăng hoạt động đầu tư, mở rộng hoạt động, tăng cường quảng bá để thu hút khách du lịch”, ông Thức kiến nghị.

Doanh nghiệp du lịch: Mong đợi chính sách trợ lực
Giá tour, vé máy bay, phòng khách sạn tăng cao vào mùa cao điểm hè, chính sách visa vẫn chưa được cải thiện sau hơn 1 năm mở cửa hoàn toàn, nên doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư