Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Chủ ra đi, nợ ở lại
Hồng Sơn - 11/09/2014 07:09
 
Tình trạng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn đang gia tăng, để lại những khoản nợ khá lớn, gây bức xúc trong dư luận.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Công bố danh tính 10 doanh nghiệp FDI bỏ trốn
Đối tác "bỏ của chạy lấy người", DN lúng túng
Chuyện nợ nần của doanh nghiệp FDI vắng chủ

Trong tháng 8 vừa qua, tại TP.HCM đã liên tiếp xảy ra việc chủ DN FDI “mất tích”, nợ lương người lao động, nợ tiền bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý không liên lạc được..., gây bức xúc trong dư luận.

  Doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Chủ ra đi, nợ ở lại  
  Xưởng sản xuất của Công ty Bách Hợp (TP.HCM) sau khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Ảnh: H.S  

Đơn cử, tại Công ty TNHH Bách Hợp đóng tại địa bàn quận 6, hàng trăm công nhân đã tập trung để đòi lương và quyền lợi, khi nhiều tháng nay, chủ DN đã không trả lương và cũng không có mặt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Công ty Bách Hợp chuyên sản xuất bao bì, gia công hàng may mặc, được thành lập năm 2011 và đã có biểu hiện chậm thanh toán, nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm xã hội từ nhiều tháng nay. Chủ DN này là người quốc tịch Áo và hiện tại, cơ quan chức năng không thể liên lạc được. Đến nay, DN này còn nợ lương của người lao động hơn 310 triệu đồng và nợ tiền bảo hiểm xã hội 586 triệu đồng.

Ghi nhận tại hiện trường, công ty này đã ngừng hoạt động sản xuất và giá trị tài sản còn lại không nhiều.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, tuy không “lùm xùm” như tại TP.HCM, nhưng theo báo cáo mới nhất của ngành chức năng, trên địa bàn hiện có 34 DN trong diện vắng chủ. Trong đó, có 17 DN nợ tiền bảo hiểm xã hội, với tổng số tiền lên tới hơn 3,6 tỷ đồng.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Tsoca Vina (KCN Biên Hòa 2) đã ngừng sản xuất, chủ đầu tư bỏ về nước không liên lạc được, hiện nợ bảo hiểm xã hội hơn 523 triệu đồng; Công ty TNHH Kỹ nghệ J&V (KCN Dệt may Nhơn Trạch) nợ bảo hiểm hơn 688 triệu đồng...

Ngoài việc nợ tiền bảo hiểm xã hội, cũng có không ít DN nợ tiền thuế ở mức cao, như Công ty TNHH King May Craft Việt Nam nợ hơn 566 triệu đồng; Công ty TNHH Hòa Khang ngừng hoạt động từ đầu năm 2014, chủ DN bỏ về nước và còn nợ hơn 554 triệu đồng tiền thuế...

Trên phương diện pháp lý, ông Nguyễn Đức An, luật sư điều hành Công ty Luật Thiên Bình (TP.HCM) cho rằng, hành vi trên thể hiện việc nhà đầu tư không tuân thủ “luật chơi”, đồng thời phản ảnh sự thiếu sót về khung pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Theo quy định của pháp luật về đầu tư hiện hành, nhà đầu tư có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, sau khi được cấp phép, nhà đầu tư có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ theo quy định hay không và thực hiện đến mức độ nào thì các cơ quan quản lý nhà nước lại rất khó kiểm soát, vì thẩm quyền giữa các cơ quan này bị chồng chéo, cơ chế phối hợp chưa được chặt chẽ và hiệu quả”, ông An cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, còn nhiều DN thuộc diện vắng từ những năm trước với số nợ thuế và bảo hiểm xã hội khá lớn, nhưng chưa xử lý được, như Công ty TNHH Sản xuất xích chuyên dùng Việt Nam (nợ bảo hiểm xã hội hơn 227 triệu đồng, nợ thuế 6 triệu đồng); Công ty TNHH C&H Việt Nam (nợ bảo hiểm xã hội hơn 812 triệu đồng, nợ thuế 3 triệu đồng...).

“Đây là những DN còn những khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán, nên chưa xử lý được”, ông Nhơn nói và cho rằng, còn những “khoảng trống” trong quy định pháp luật hiện hành để xử lý vấn đề này, nên các ngành chức năng của địa phương hiện chỉ có thể tổng hợp và chờ hướng dẫn cụ thể.

Thông tin từ Liên đoàn Lao động quận 6 (TP.HCM) cho biết, cơ quan này đang tạm giữ 103 sổ bảo hiểm xã hội của người lao động tại Công ty TNHH Bách Hợp, đồng thời đề nghị phong tỏa trụ sở Công ty và báo cáo vụ việc lên cấp có thẩm quyền để có hướng dẫn xử lý...

Từ những sự việc đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và đời sống xã hội, luật sư An cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung khung pháp lý liên quan hoạt động đầu tư nước ngoài theo hướng thu hút đầu tư có sàng lọc để ngăn ngừa các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để công tác thanh tra, hậu kiểm được thực hiện một cách minh bạch, đồng bộ và hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư