Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp FDI phía Nam “đón sóng” CPTPP
Hồng Sơn - 15/11/2018 09:24
 
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở khu vực phía Nam rục rịch tăng đầu tư để đón cơ hội khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhất là ở những lĩnh vực được nhìn nhận có nhiều tiềm năng.

Doanh nghiệp dệt may tăng tốc

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Scavi (Pháp) cho biết, trong mấy năm gần đây, Bắc Mỹ và Nhật Bản luôn là thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiếm khoảng 40% cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. Những cơ hội mang lại cho ngành dệt may khi Việt Nam tham gia CPTPP là động lực để Scavi tăng đầu tư và có sự chuẩn bị bài bản hơn. 

Cơ hội từ CPTPP là động lực để Scavi tăng đầu tư tại Việt Nam. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất của Scavi tại Đồng Nai.
Cơ hội từ CPTPP là động lực để Scavi tăng đầu tư tại Việt Nam. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất của Scavi tại Đồng Nai.

Cơ sở sản xuất chính của Scavi là tại Đồng Nai, nhưng đầu năm nay, doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động nhà máy thứ 4 tại Khu công nghiệp Phong Điền (Thừa Thiên Huế), với vốn đầu tư 5 triệu USD. Quan trọng hơn, Scavi là “chủ công” trong xây dựng và thực hiện Đề án Khu công nghiệp hỗ trợ dệt may tại Phong Điền để mời gọi đầu tư.

“Scavi đã gặp gỡ với khoảng 30 doanh nghiệp là các nhà cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu trong và ngoài nước để trao đổi, bàn giải pháp tăng ưu đãi, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp hỗ trợ dệt may tại Phong Điền”, ông Thành nói và cho rằng, đây là những bước đi cần thiết và mang tính chiến lược để Scavi hướng đến mục tiêu đến năm 2022 trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới ngành công nghiệp cung ứng dịch vụ toàn diện thời trang nội y - quần áo tắm, với doanh thu bình quân khoảng 200 triệu USD/năm.

Một đại gia khác trong lĩnh vực dệt may là Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) cũng rục rịch các kế hoạch mở rộng đầu tư. Theo ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, riêng tại Đồng Nai, Hyosung đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, song vẫn muốn mở rộng đầu tư dự án sản xuất các loại sợi. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp đã đề xuất nhiều lần việc mở rộng dự án tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, song chính quyền tỉnh Đồng Nai chưa chấp thuận, với lý do không còn đất tại khu vực doanh nghiệp muốn đầu tư.

Mới đây, Công ty TNHH Hi Knit (Hàn Quốc) đã được cấp phép đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A (Đồng Nai), với tổng vốn đăng ký 40 triệu USD, chuyên sản xuất các loại vải dệt, không dệt… để cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và xuất khẩu. Tại Bình Dương, Dự án Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc của Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Đài Loan) có vốn đăng ký 25 triệu USD cũng mới được cấp phép đầu tư vào Khu công nghiệp VSIP II-A.

Nhận diện lĩnh vực có lợi thế

Theo các chuyên gia, không chỉ lĩnh vực dệt may, khi Việt Nam chính thức tham gia CPTPP, các lĩnh vực thủy sản, gỗ, logistic, bất động sản, nông nghiệp... cũng sẽ có nhiều lợi thế và doanh nghiệp FDI sẽ mạnh tay rót vốn đầu tư.

Đó cũng là lý do mà gần đây các “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi như Cargill, CJ… liên tiếp đưa các nhà máy tại các tỉnh phía Nam vào hoạt động. Trong đó, Dự án có vốn lớn nhất được đưa vào hoạt động là của Tập đoàn Cargill tại Bình Dương. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 28 triệu USD, được xây dựng trên diện tích đất 48.000 m2, sẽ cung cấp ra thị trường 240.000 tấn thức ăn cho heo và gia cầm mỗi năm.

Trong khi đó, nhiều lĩnh vực khác cũng chứng kiến các doanh nghiệp FDI sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư để được cấp phép, triển khai dự án. Chẳng hạn, tỉnh Bình Dương mới đây đã cấp phép cho Dự án nhà máy sản xuất giường, tủ, bàn, ghế của Công ty TNHH Quốc tế Waytex Việt Nam (Đài Loan) tại Khu công nghiệp Bàu Bàng có vốn đăng ký 25 triệu USD. Ngay sau đó, doanh nghiệp đã triển khai việc đầu tư, xây dựng nhà máy vào cuối tháng 9 vừa qua.

Tập đoàn Kenda (Đài Loan) đầu tư thêm 56 triệu USD cho nhà máy ở Khu công nghiệp Giang Điền (Đồng Nai) để mở rộng sản xuất vỏ, ruột xe đạp, xe máy, ô tô cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu… Nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty này là cao su thiên nhiên chủ yếu mua ở Đồng Nai và khu vực lân cận.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, dự kiến vào ngày 16/11 tới, Công ty TNHH Yuwa Việt Nam (Nhật Bản) sẽ chính thức vận hành nhà máy thứ 2 tại Khu công nghiệp VSIP II (Bình Dương) được xây dựng trên diện tích 2,2 ha. Doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy đầu tiên vào năm 2009 cũng tại Bình Dương, với vốn đầu tư khoảng 4 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa chính xác cho linh kiện điện tử, chế tạo khuôn kim loại…

“Các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam luôn tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng chất lượng tại thị trường nội địa để giảm thiểu chi phí trong nhập khẩu”, đại diện của Yuwa Việt Nam nói và cho rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng đầu tư và Yuwa Việt Nam có kế hoạch hình thành một trung tâm nghiên cứu - phát triển tại Việt Nam, để tạo hiệu quả tốt nhất trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới.

Nhìn nhận về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào các địa phương phía Nam. Tuy số vốn đầu tư cho mỗi dự án không lớn, vì chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, song phần nhiều có công nghệ hiện đại, sử dụng ít nhân công, vẫn có thể làm ra hàng triệu sản phẩm mỗi năm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ CPTPP: Khách quen, vốn mới
Vẫn là các nhà đầu tư quen tiếng, nhưng với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến chính thức có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư