Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp FDI sáng nhất trong bức tranh kinh tế
Mạnh Bôn - 12/10/2013 08:03
 
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai nhận định và cho rằng, với những gì đã diễn ra trong 2-3 năm trở lại đây, có thể khẳng định, năm 2014 và 2015, khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế.. >>> Xuất nhập khẩu tháng 9 năm 2013 >>> Doanh nghiệp FDI hưởng lợi nhất từ TPP >>> Doanh nghiệp ngoại đón đầu TPP tại Việt Nam

Khẳng định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dựa trên căn cứ, trong 9 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng mới tăng 4,63% - mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. GDP tăng dần theo từng quý từ mức 4,76% trong quý 1 lên 5% vào quý 2 và 5,54% vào quý 3 đưa tốc độ tăng GDP trong 9 tháng đầu năm lên đạt 5,14%.

Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 2-3%/năm và lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm so với đầu năm; mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng mới chỉ tăng 6,64% nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2012 là 2,5% cũng là điều rất đáng ghi nhận.

Theo đánh giá của ông Vinh, hoạt động xuất - nhập khẩu được coi là khá tích cực khi mà 9 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 96,6%, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012 khiến nhập siêu trong 9 tháng qua chỉ có 124 triệu USD, tương đương 0,1% kim ngạch nhập khẩu thay vì mức trần 8% kim ngạch nhập khẩu đã được Quốc hội “chuẩn y”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai

Đồng tình với nhận định kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai: “Hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI là điểm sáng nhất”.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 quý đầu năm, tổng số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm là trên 15 tỷ USD, tăng hơn 36%; vốn FDI thực hiện đạt 8,62 tỷ USD tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Khu vực kinh tế này đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 27% với tổng kim ngạch 58,4 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI đạt 54,5 tỷ USD, tăng 24,8%.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tài chính, ngoại trừ thu từ dầu thô, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trong 9 tháng đầu năm mới đạt 60,6%; khu vực ngoài quốc doanh đạt 64,1% thì khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách đạt 69,5% dự toán, góp phần quan trọng vào việc tăng số thu nội địa chung lên mức 64,7% dự toán.

“Khu vực FDI hiện sử dụng khoảng 1,8 triệu lao động chính thức khá ổn định và có tốc độ tăng trưởng bình quân 20-30%/năm. Nếu hoạt động SXKD của khu vực kinh tế này mà cũng như doanh nghiệp trong nước thì việc giải quyết bài toán an sinh xã hội, tạo việc làm sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều”, bà Mai nói.

Bà Mai dự báo, với những gì đã diễn ra trong 2-3 năm trở lại đây, có thể khẳng định, năm 2014 và 2015, khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế.

Nhìn vào hoạt động SXKD trong 9 tháng đầu năm, bà Mai cho rằng, bức tranh này đã phản ánh thực tế là khu vực doanh nghiệp FDI với tiềm lực hơn hẳn về vốn và thị trường nên ít bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn trong nước trong khi các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn nên phải thu hẹp sản xuất.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, hoạt động SXKD của khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là việc huy động vốn.

Tình trạng tắc nghẽn trên thị trường tiền tệ được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, nguyên nhân chính là do nợ xấu nên khi xử lý được nợ xấu thì “mạch máu của nền kinh tế” sẽ lưu thông bình thường trở lại.

“Việc xử lý nợ xấu đúng là có kết quả đáng kể, nhưng trên thực tế thì khối nợ này vẫn còn gần như nguyên vẹn. Bởi bản chất xử lý nợ xấu hiện nay là chuyển nợ từ ngân hàng thương mại sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mà thôi. Đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm mới đạt 6,64% nên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ sự lo ngại cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp nội địa.

Ông Hiển cho rằng, nếu cả năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng có đạt 12% như mục tiêu đặt ra thì cũng khiến hàng ngàn chục doanh nghiệp khó tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng.

“Như người bệnh nằm truyền dịch, trước đây truyền 39-40 giọt/phút (tốc độ tăng trưởng tín dụng 39-40%/năm), giờ anh đột ngột giảm xuống còn 12 giọt/phút thì người bệnh không bị sốc… mới là lạ”, ông Hiển ví von.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, hiện có 66% doanh nghiệp không phát sinh doanh thu tức là không có lợi nhuận để nộp thuế; 76% doanh nghiệp không phát sinh thuế giá trị gia tăng tức là vẫn còn tồn tại nhưng hầu như không hoạt động, ông Hiển cho rằng, nếu không có giải pháp để đẩy vốn tín dụng thì hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong nước tiếp tục còn khó khăn nhiều năm nữa.

Thừa nhận hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn dự báo, năm 2013, tốc độ tăng GDP đạt 5,4% (kế hoạch 5,5%); kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4% (kế hoạch 10%); nhập siêu tương đương 0,4% kim ngạch nhập khẩu (kế hoạch 8%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 7% (kế hoạch 8%).

Doanh nghiệp FDI hưởng lợi nhất từ TPP
Xuất khẩu da giày sẽ được hưởng lợi, nhưng thị trường nội địa sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư