Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp gỗ ghi nhận tín hiệu khả quan
Hoài Sương - 21/12/2023 09:18
 
Dù chưa đạt được kết quả như những năm trước, song nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã ghi nhận tín hiệu khả quan khi có đơn hàng đến hết quý I/2024 ở một số thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu…

Đơn hàng đã trở lại

Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 đạt khoảng 14 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu 17 tỷ USD đề ra từ đầu năm, nhưng đây vẫn là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường thế giới suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, dù đa phần là đơn hàng nhỏ lẻ, song cũng phần nào giúp họ vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng xuất khẩu đến quý I/2024 khi mùa mua sắm ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu bắt đầu.

Ông Trần Hoài Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên cho hay, tính đến nay, doanh nghiệp đã thành công xuất khẩu các đơn hàng cho dịp lễ cuối năm và nhận các đơn hàng cho năm mới từ tháng 11/2023. Theo đó, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2024, khi một số thị trường ở châu Âu đang quay trở lại.

Còn theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển sản xuất - thương mại Sài Gòn (Sadaco), cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đơn hàng và doanh thu tại Sadaco đã giảm khoảng 50% ngay từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp đã có sự phục hồi khi các xưởng sản xuất hoạt động trở lại. Tuy chưa đạt được như ban đầu, nhưng có những xưởng hoạt động được 60-80%. Đây là tín hiệu đáng mừng trước thềm năm mới 2024.

Dù vậy, theo các doanh nghiệp, đơn hàng hiện nay khác hoàn toàn so với trước, khi giá cả thấp hơn, quy mô đơn hàng nhỏ hơn, khách hàng gia tăng yêu cầu về kỹ thuật và nhiều khía cạnh khác…

Giám đốc Công ty TNHH Cung Việt (Curvetta), ông Tô Đăng Trung chia sẻ, tình hình xuất khẩu gỗ và nội thất đã nhìn thấy sự phục hồi, nhưng quá trình này diễn ra vẫn chậm. Trong đó, nhiều người mua đưa ra mức giá khá thấp. May mắn là giá thành nguyên phụ liệu cuối năm 2023 có phần giảm nhẹ, nên Curvetta nói riêng và nhiều doanh nghiệp trong ngành nói chung hy vọng giữ được lợi nhuận như mọi năm.

“Điều này là có cơ sở khi mới đây, có đối tác của Curvetta đưa ra yêu cầu về một đơn hàng 10.000 ghế. Nếu có giá tốt, doanh nghiệp sẽ lấy được đơn hàng và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Trước đó, doanh nghiệp cơ bản hoàn thành các bước giới thiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm mới cho khách hàng tại Anh, Tây Ban Nha. Hiện mức độ thành công của các đơn hàng này đạt khoảng 80% hoặc nhiều hơn. Curvetta kỳ vọng đơn hàng sẽ tăng khoảng 40-50% trong quý I/2024 so với cùng kỳ 2023”, ông Trung nói.

Tăng chính sách cạnh tranh về giá

Hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực nhờ được hỗ trợ bởi các yếu tố như xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu phục hồi tốt hơn dự kiến, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm. Song, đà phục hồi nhìn chung vẫn còn tương đối chậm và xu hướng này dự kiến còn tiếp tục trong thời gian tới, bởi các nền kinh tế lớn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng, trong khi tiêu dùng toàn cầu chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét.

Tình hình xuất khẩu gỗ và nội thất đã nhìn thấy sự phục hồi, nhưng quá trình này diễn ra vẫn chậm. Các doanh nghiệp đang phải tìm mọi cách để giữ chân khách hàng bằng chính sách giá, cũng như liên tục có những mẫu mã mới.

Đó cũng là lý do các chính sách về giá được doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đặt lên hàng đầu. “Giá sản phẩm là yếu tố quyết định cho việc doanh nghiệp có đơn hàng hiện nay”, ông Trần Hoài Hữu khẳng định và cho biết thêm, nhiều đơn hàng hiện nay phải giảm giá để giữ chân khách hàng. Trong đó, Công ty Gia Nhiên đưa ra các chính sách giá tốt cho khách hàng lâu năm. Với khách hàng mới, chương trình giảm giá sẽ phụ thuộc vào giá trị đơn hàng và những biến động của nền kinh tế.

Tương tự, ông Tô Đăng Trung cho biết, chiến lược cốt lõi mà doanh nghiệp đặt ra để giữ chân khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới là chính sách giá tốt. Theo đó, áp dụng các chương trình giảm giá 20% với khách hàng mua từ 10 container và giảm 35% khi khách hàng mua 40-50 container…

Không những thế, việc cho ra mẫu mã mới là nhiệm vụ sống còn của Curvetta. Hiện nay, mỗi quý doanh nghiệp cho ra một bộ sưu tập mới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về mẫu mã mà vẫn đa chức năng, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm lắp ráp nhằm đáp ứng xu hướng của thế giới.

“Với một container 40 feet, doanh nghiệp có thể xuất khẩu được 340 ghế theo mẫu tiêu chuẩn, còn nếu phát triển các dòng sản phẩm lắp ráp thì doanh nghiệp có thể xuất 900 - 1.000 ghế/container. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể cắt giảm được lượng lớn carton, đóng gói… để có thể giảm giá thành sản phẩm”, ông Trung cho hay.

Các dự báo đều cho thấy, trong thời gian tới, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí sản phẩm giá tốt, phù hợp với thị hiếu và có chính sách hậu mãi tốt.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất, chú trọng đổi mới công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời đẩy mạnh sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, sử dụng các nguyên phụ liệu tái chế, hướng đến phát triển bền vững để nâng cao sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp gồng mình với các khoản thuế, tiếp cận vốn rất khó khăn
Nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn còn rất lớn, đặc biệt là khả năng tiếp cận vốn vay, gánh nặng thuế, giá cả biến động.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư