Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp lo sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Thế Hải - 14/07/2018 08:49
 
250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã và sẽ bị Mỹ áp thuế thực sự là mối nguy lớn, nếu một phần lượng hàng này đổ bộ sang Việt Nam tìm đường tiêu thụ.

Doanh nghiệp Việt “đứng ngồi không yên”

Sau khi Mỹ quyết định áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc và nhận sự trả đũa tương tự từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng thêm thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này và sẽ có hiệu lực từ tháng 8 tới.

Với một lượng hàng hóa khổng lồ bị áp thuế cao, rất khó để duy trì xuất khẩu như cũ vào Mỹ, do đó Trung Quốc sẽ phải tìm thị trường khác để tiêu thụ. Đây là lý do khiến các nhà sản xuất Việt Nam thực sự lo ngại về sự đổ bộ của hàng Trung Quốc vào thị trường nội địa.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chưa thấy điều tích cực đến với quốc gia nào từ cuộc chiến thương mại giữa các “ông lớn”. Với Việt Nam, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, cũng như cung - cầu hàng hóa trong nước, do Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu và là đối tác thương mại của cả Mỹ và Trung Quốc.

Da giày là một trong số những ngành có thể phải đối mặt với nhiều sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Da giày là một trong số những ngành có thể phải đối mặt với nhiều sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mỹ Thắng (Nam Định) cho biết, nếu hàng hóa Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam, thì bất cứ ngành hàng nào cũng chịu sức ép khủng khiếp, bởi với quy mô sản xuất lớn, chi phí thấp, hàng nội địa khó cạnh tranh nổi.

“Đơn cử, với mặt hàng gạch ốp lát, do bị cạnh tranh dưới nhiều hình thức như gạch ốp lát Trung Quốc nhập lậu, gian lận thương mại, trốn thuế qua đường biển, biên mậu…, đã khiến không ít doanh nghiệp nội điêu đứng, cạnh tranh không nổi, hàng tồn kho chất đống”, ông Thắng nói.

Lo ngại hơn cả là ngành thép. Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, ông Đỗ Duy Thái dự báo, khi thị trường Mỹ gặp khó khăn, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất hàng hóa sang Việt Nam, đó là khả năng rất lớn.

Thật ra, chưa cần chờ đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, mà từ trước đó, với lợi thế là quốc gia có quy mô sản xuất lớn, giá thành thấp, thép Trung Quốc đã tấn công và “đánh” thép Việt bầm dập. Có thời điểm giá thép Trung Quốc nhập về chỉ bằng 60-70% so với giá xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Một ngành cũng “đứng ngồi không yên” là da giày. Là ngành đóng góp khoảng 20 tỷ USD/năm cho xuất khẩu, nhưng thị trường nội địa đang phải “chia lửa” rất lớn với hàng Trung Quốc từ rất nhiều năm nay.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, trong vòng 6 tháng tới sẽ thấy ảnh hưởng rõ rệt từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động lên xuất khẩu da giày của Việt Nam.

Ông Kiệt cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ sẽ có một làn sóng các nhà nhập khẩu chuyển hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, gắn mác Việt vào để xuất đi Mỹ. Nếu không cẩn thận, ngoại tệ thu về từ tăng xuất khẩu chưa thấy, mà rất có thể các doanh nghiệp sẽ vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Đa dạng hóa thị trường

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là thách thức lớn với Việt Nam, mà cụ thể là tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Để đạt mục tiêu cho cả năm, theo Bộ Công thương, 6 tháng cuối năm xuất khẩu phải đạt bình quân gần 20,5 tỷ USD/tháng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, phương án phòng vệ tốt nhất là phải tự đặt mình trong tư thế cực kỳ linh động và cố gắng tạo lập ra nhóm các đối tác chủ yếu để tăng cường giao thương với nhau, tạo thêm năng lực thị trường. Việt Nam cần hướng nguồn lực vào phát triển thị trường nội địa và khu vực, để duy trì động lực tăng trưởng, hơn là kỳ vọng vào dư địa chính sách để ứng phó với tác động tiêu cực.

Trong báo cáo đánh giá tác động, TS. Trần Toàn Thắng dự báo, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm 0,3 điểm phần trăm vào năm 2019 và thậm chí còn giảm mạnh hơn trong năm đỉnh điểm là 2021-2023. Tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm.

Ông Trần Toàn Thắng đề xuất, trước mắt cần cập nhật danh mục hàng hoá bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá của USD và nhân dân tệ, để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời và có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thêm sang Mỹ những mặt hàng trước đây Việt Nam không cạnh tranh được với Trung Quốc. Đặc biệt, cũng cần nghiên cứu kỹ các hàng hoá của Trung Quốc có thể xuất sang Việt Nam để tuồn vào thị trường Mỹ.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì đề xuất Chính phủ và các bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến thương mại này để đánh giá, phân tích chi tiết những tác động trực tiếp trong từng lĩnh vực đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, định hướng doanh nghiệp để hỗ trợ trong việc đa dạng hóa thị trường, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu…

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ kích hoạt cuộc chiến thương mại
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đe dọa đánh thuế trị giá 50 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hôm nay (30/4), tờ Nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư