Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp ngoại “mách nước” đưa nông sản Việt vào Nhật, châu Âu
Thế Hoàng - 23/12/2018 14:10
 
Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản), lãnh đạo Chợ đầu mối quốc tế Rungis (Pháp)… đưa ra những gợi ý rất thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi, sang Nhật, Pháp…

Đất diễn lớn hơn tại thị trường Nhật Bản

Từ năm 2009, trái thanh long ruột trắng bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, thanh long đỏ cũng được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Hiện giờ, thanh long là loại trái cây được xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản, chiếm phần lớn trong hơn 1.000 tấn thanh long mà nước này nhập khẩu mỗi năm.

.
Ngoài sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật hay châu Âu, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về bao bì, đóng gói, đặc biệt là khâu vận chuyển...

Ngoài thanh long, ngành nông nghiệp Việt còn có rất nhiều nông sản khác có thể làm hài lòng khách hàng Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 ước đạt khoảng 4 tỷ USD, nhưng xuất sang Nhật Bản mới đạt hơn 100 triệu USD. Việt Nam có cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản khi đầu năm tới, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Nhật Bản là một thành viên sẽ có hiệu lực.

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam đã chỉ ra những cơ hội và thách thức của một loại trái cây đặc sản vốn được ưa chuộng tại đây. “Xoài cát chu của Việt Nam sẽ có ‘đất diễn’ lớn hơn tại thị trường Nhật Bản nếu quá trình sản xuất điều chỉnh được độ hài hòa, ổn định về độ ngọt. Cùng với đó, giá xoài Việt Nam xuất sang Nhật Bản đang cao hơn so với sản phẩm tương tự đến từ Philippines, Thái Lan…, do chi phí vận chuyển cao. Cụ thể, giá xoài của Việt Nam là 678 yên/kg, trong khi sản phẩm tương tự của Thái Lan là 584 yên/kg”, ông Yuichiro Shiotani nói.

Như vậy, bên cạnh việc điều chỉnh quy trình sản xuất, nếu giảm được chi phí để hạ giá xuất khẩu thì xuất khẩu xoài của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản có thể mang lại giá trị lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, xoài Mexico, Philippines, Thái Lan và Đài Loan là nguồn cung cấp lớn cho thị trường Nhật Bản, với hơn 7.000 tấn/năm. Các nhà xuất khẩu xoài gần đây có sản lượng giảm sút, nên giá xoài nhập khẩu vào Nhật Bản bị đẩy giá lên, làm cho món ăn ưa thích của người Nhật trở nên khó tiếp cận hơn. Đây sẽ là cơ hội cho trái xoài Việt tăng cường hiện diện tại thị trường rộng lớn này bằng việc nâng cao chất lượng và cách thức làm ăn bài bản, như tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo tuyển chọn giống, chăm sóc, xử lý sau thu hoạch…

Với 130 triệu dân, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn, đặc biệt là nông sản nhiệt đới.

Cơ hội tham gia các hệ thống phân phối lớn

Ông Yuichiro Shiotani cho biết, với doanh thu lên tới 72,656 tỷ USD, cùng 21.113 cửa hàng bán lẻ, Tập đoàn Aeon đang có nhu cầu tìm kiếm các nhà cung cấp hàng hóa thường xuyên, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nếu đáp ứng được yêu cầu của Aeon, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tham gia hệ thống phân phối có sức tiêu thụ rất lớn này.

Thông tin trên cũng mở ra không ít hy vọng cho các nhà cung ứng Việt Nam. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể trở thành đối tác sản xuất cho các doanh nghiệp bán lẻ với các nhãn hiệu riêng theo đặt hàng, một khi đáp ứng được các yêu cầu cơ bản như chất lượng đồng đều, giá thành xuất khẩu hợp lý, bao bì, nhãn mác hấp dẫn...

Như vậy, nếu đáp ứng được yêu cầu của Aeon, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tham gia hệ thống phân phối có sức tiêu thụ rất lớn này.

Đối với thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xuất khẩu nhiều đặc sản vùng nhiệt đới, thậm chí với giá xuất khẩu cao. Điều này được ông Phillip, Phụ trách thương mại, marketing của Chợ đầu mối Rungis (Pháp), một trong những chợ nông sản lớn nhất châu Âu với doanh thu 9 tỷ euro/năm khẳng định.

Theo ông Phillip cho biết, giá cả tại Chợ đầu mối Rungis không cố định, mà phụ thuộc vào cung - cầu giữa bên bán và bên mua. Hơn nữa, giá sản phẩm trung bình được niêm yết tại chợ đầu mối này có thể làm giá tham khảo cho nhiều chợ khác tại Pháp.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Layani, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Chợ đầu mối Rungis cho biết, tham gia Rungis, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có thị trường tốt không chỉ ở Pháp, mà cả ở châu Âu. Tuy nhiên, ông Layani cũng khuyến cáo rằng, điều cần quan tâm rất lớn hiện nay là chất lượng, thương hiệu và vấn đề an toàn thực phẩm.

“Điều quan trọng là, ngoài sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về bao bì, đóng gói, đặc biệt là khâu vận chuyển. Hạ tầng logistics cần được cải thiện, giảm chi phí để rút ngắn thời gian đưa nông sản đến Pháp, đảm bảo sự tươi ngon. Tập đoàn Semmaris sẵn sàng đưa các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào chợ Rungis, giúp tham gia chuỗi nông sản toàn cầu”, ông Layani lưu ý.

Xây dựng thương hiệu và nâng tầm giá trị cho nông sản Việt
Công ty CP Kết nối Thanh toán toàn cầu (GPC) đang ứng dụng những thành tựu công nghệ 4.0 để chắp cánh cho các sản phẩm nông nghiệp Việt bay xa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư