Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu qua cửa sản xuất xanh
Hoài Sương - 14/09/2023 07:56
 
Các tập đoàn lớn như Walmart, Amazon, Boeing, Central Group… đều đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điểm đến được lựa chọn

Tại diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) do Bộ Công thương và UBND TP.HCM tổ chức ngày 13/9, các diễn giả quốc tế đều chung quan điểm rằng, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng chống chịu ngày càng được củng cố, khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Đặc biệt, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững.

Trong bối cảnh này, Việt Nam đang được lựa chọn là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều tập đoàn.

CC
Việt Nam được đánh giá là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều "ông lớn".

Ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch điều hành, Tập đoàn Walmart nhận định, Việt Nam là một thị trường cung ứng quan trọng cho Walmart và cũng là một trung tâm để tìm nguồn cung ứng trên khắp Đông Nam Á.

“Qua đó, đội ngũ tìm nguồn cung ứng của chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam trên toàn cầu, bao gồm cả Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc…”, ông Avaneesh Gupta chia sẻ.

Không những thế, Việt Nam được Walmart đánh giá là rất tiềm năng khi ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu ở nhiều loại hàng hóa nói chung và các sản phẩm thực phẩm, đồ gia dụng, đồ chơi, xoài, sầu riêng và dừa… Đây là cơ sở để nhà bán lẻ đa kênh lớn nhất thế giới trao đổi nhiều hơn với doanh nghiệp và tìm thêm nguồn cung các sản phẩm từ Việt Nam.

Ông Lionel Adenot, CEO Decathlon Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang tìm kiếm những nhà cung cấp tự chủ và tự lực tại Việt Nam để tin tưởng hợp tác. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có sự chuyển biến, đặc biệt là chuyển đổi số trong sản xuất như sử dụng kho tự động, hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng RFID…”

Có thể thấy, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ hội này có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh thương mại quốc tế đối mặt nhiều thách thức như thiếu nguồn nguyên liệu thô, dư chấn của đại dịch vẫn kéo dài, đơn hàng xuất khẩu vẫn còn hạn chế.

Hướng đến phát triển bền vững

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cập nhật, trong 8 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435,23 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD giúp Việt Nam đạt xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Tuy xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng Thứ trưởng nhấn mạnh, con số đang thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.

CC
Nỗ lực hướng đến sản xuất xanh của nhiều doanh nghiệp với mong muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở cấp độ doanh nghiệp, các nỗ lực đang được chỉ ra rất cụ thể. 

Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Tổng công ty Đức Giang - CTCP (Dugarco) cho biết, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp đang thực hiện các sáng kiến cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh như tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5-10%, hạn chế tối đa sử dụng tài liệu bằng giấy trong các cuộc họp, không sử dụng chai và bao bì nhựa… Đây cũng chính là một phần trong nỗ lực giảm thiểu carbon của Đức Giang theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU mới đề xuất.

Ở ngành hàng lúa, gạo, theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập Đoàn Lộc Trời, việc sản xuất lúa gạo đang không “bền vững” và chúng ta cần một sự thay đổi mang tính chiến lược. 

Cụ thể, từ việc trồng lúa, hàng năm các cánh đồng ở khu vực Mekong, Việt Nam tạo ra trên 29 triệu tấn rơm rạ và hơn 80% số này bị đốt trên đồng sau khi thu hoạch. Ngoài ra, thói quen phơi khô lúa sau thu hoạch theo cách truyền thống và hiệu quả xay xát gạo thấp làm tăng thêm thất thoát và lãng phí loại lương thực quý giá này.

Do đó, khi nhìn nhận tính khẩn cấp của việc “phát triển bền vững”, các nhà khoa học tại Viện Nông nghiệp Lộc Trời đã thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng cách áp dụng SRP – các tiêu chuẩn trồng lúa bền vững của thế giới vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao; nghiên cứu và cải tiến các giải pháp công nghệ tiên tiến để tối đa hóa phụ phẩm từ cây lúa sau thu hoạch; áp dụng kaizen trong 10 nhà máy của Lộc Trời để tăng hiệu suất lên 90% so với hiệu suất trung bình hiện tại 70%...

Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Xuất khẩu cần tranh thủ tối đa sự phục hồi tại các thị trường lớn
Thủ tướng chỉ đạo, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là hàng nông sản cần tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường lớn,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư