Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp thủy điện có thể tiếp tục hưởng lợi nhờ La Nina
Thanh Thủy - 23/10/2024 08:31
 
Sản lượng thủy điện trên toàn hệ thống đã tăng đột biến từ tháng 6 đến tháng 8 tiếp tục tăng trưởng 13% so với cùng kỳ trên mức nền cao. Mùa cao điểm của thủy điện đã bắt đầu và mạnh mẽ hơn so với năm trước nhờ tác động của La Nina.

Sản lượng tăng vọt nhờ tình hình thủy văn

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh mới bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm, nhưng đã cho thấy sự phân hoá đáng kể giữa các ngành nghề. Nhóm thủy điện, hưởng lợi từ tình hình thuỷ văn, đang ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt về sản lượng điện. Tuy nhiên, xét về kết quả kinh doanh, không phải doanh nghiệp thủy điện nào cũng lãi lớn.

Theo thông tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 232,6 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng sản lượng điện thủy điện cao hơn bình quân, đạt mức 15% với 66,6 tỷ kWh điện đóng góp vào hệ thống, chiếm tỷ trọng 28%. Đáng chú ý, sản lượng thủy điện trong quý III/2024 tăng mạnh tới 35% so với cùng kỳ năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân kéo sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện tăng vọt trong quý vừa quá. Theo chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán VCBS, hiện tượng El Nino qua đi, sản lượng nước về các hồ chứa dồi dào với lượng mưa tăng mạnh. Các nhà máy thủy điện được ưu tiên huy động khi thời tiết thuận lợi sau giai đoạn phải tích nước chủ động chuẩn bị cho cao điểm nắng nóng. Chưa kể, chi phí sản xuất hiện ở mức thấp nhất so với các nguồn điện khác, khiến thủy điện được ưu tiên huy động trước.

Tuy nhiên, cũng chính bởi tỷ lệ sản lượng điện giao trực tiếp (Qc) của các nhà máy thủy điện lên đến 95 - 98% trong năm 2024, cao hơn mức thông thường là 85 - 90%, khiến giá bán trung bình của các nhà máy này giảm 10 - 15% so với cùng kỳ.

Sản lượng thủy điện tăng phần nào bù đắp giá bán trung bình. Hơn nữa, với các doanh nghiệp tận dụng nợ vay đầu tư lớn vào các nhà máy, chi phí lãi vay giảm cũng là yếu tố tích cực, nhờ môi trường lãi suất thấp và thanh toán nợ vay định kỳ.

Nhiều doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III tăng trưởng lợi nhuận tốt. Lợi nhuận sau thuế của Thủy điện Sông Vàng quý này đã có lãi, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 4,45 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần nhờ doanh thu thuần cao hơn 80% so với cùng kỳ do thời tiết khu vực miền Trung thuận lợi, phần khác nhờ chi phí tài chính giảm gần 30% do nợ gốc đã giảm đáng kể và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm tới 40% khi các khoản chi phí quản lý bằng tiền khác được thu hẹp.

Công ty Thủy điện Hương Sơn báo lãi sau thuế xấp xỉ 17 tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Thủy điện Nước Trong cũng tăng tới 56% nhờ tình hình thuỷ văn. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của Thủy điện Sử Pán 2 tăng 43%.

Nước lên, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp thuỷ điện… không lên đều. Vẫn có những mảng xám trong bức tranh. Lợi nhuận, thậm chí cả doanh thu của một số doanh nghiệp cùng đi lùi do phụ thuộc vào nhiều biến số.

Điển hình như Thủy điện Nậm Mu, lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ, dù thời tiết thuận lợi, mưa nhiều. Giải trình với các cổ đông, ông Trần Xuân Du, đại diện Công ty cho biết, Nhà máy Thủy điện Nậm Mu đã vận hành thương mại được 20 năm và vừa kết thúc hợp đồng mua bán điện vào giữa tháng 6/2024. Trong quá trình đàm phán ký lại hợp đồng, việc xác định giá bán điện mất nhiều thời gian và đang áp dụng theo giá bán điện tạm thời trên cơ sở chi phí vận hành, bảo dưỡng để duy trì sản xuất và không lãng phí nguồn tài nguyên nước.

Thuỷ điện Sông Ba Hạ cũng báo lãi quý III giảm gần 43%. Tổng doanh thu quý vừa qua giảm gần 30% do sản lượng điện thương phẩm giảm gần 29%. Dù lợi nhuận trước thuế đạt 138 tỷ đồng, chỉ bằng 56% cùng kỳ, nhưng đã xoá sạch mức thua lỗ nửa đầu năm và đóng góp chính vào khoản lãi tổng cộng 131 tỷ đồng lợi nhuận 9 tháng. Sau 3/4 chặng đường của năm, Thủy điện Sông Ba Hạ mới hoàn thành gần 40% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Có thể tiếp tục hưởng lợi nhờ La Nina

Tuy vậy, trong bức tranh kinh doanh quý III/2024, đa phần nhóm doanh nghiệp thủy điện có doanh thu và lợi nhuận cải thiện so với cùng kỳ và nửa đầu năm.

Trước đó, doanh nghiệp thủy điện đã đi qua những quý đầu năm nhọc nhằn. Sản lượng thủy điện trên toàn hệ thống đã tăng đột biến từ tháng 6 đến tháng 8 tiếp tục tăng trưởng 13% so với cùng kỳ trên mức nền cao. Mùa cao điểm của thủy điện đã bắt đầu và mạnh mẽ hơn so với năm trước nhờ tác động của La Nina. Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) dự báo, hiện tượng La Nina sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 3/2025. Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), xu hướng tăng trưởng sản lượng của thủy điện vẫn sẽ tiếp tục trong 4 tháng còn lại của năm 2024 và năm 2025.

Chuyên gia BSC dự báo, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của riêng nhóm thủy điện năm 2024 có thể đạt 669 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính riêng ở nửa cuối năm, lợi nhuận ước đạt 435 tỷ VND, tăng 70% so với nửa đầu năm 2024.

Sang năm 2025, tỷ lệ Qc cho nhà máy điện kỳ vọng quay lại mức trung bình (85 - 90%) nhờ tình hình tài chính của EVN được cải thiện sau các quyết định tăng giá điện và định hướng phát triển thị trường điện bán lẻ giảm dần tỷ lệ mua bán điện trực tiếp của EVN. Với hai thay đổi trên, BSC ước tính lợi nhuận nhóm này có thể tăng 64%, đạt 1.126 tỷ đồng.

Chiếm 37% công suất nguồn, EVN và các công ty thành viên, công ty cổ phần đóng góp 41,29% sản lượng điện
Trong 11 tháng qua, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 106,27 tỷ kWh, chiếm 41,29% sản lượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư