Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp thủy sản mong mỏi tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động
T.P - 15/07/2021 10:41
 
Vừa qua, VASEP đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nghị đưa lao động ngành thủy sản vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
.
Đưa lực lượng lao động ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19, là điều mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản mong mỏi và cần nhất lúc này.

Tính đến nửa đầu tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 3,65 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra căng thẳng và phức tạp tại Tp.HCM dễ có nguy cơ xâm nhập xuống Đồng bằng Sông Cửu Long, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp chế biến thủy sản không khỏi lo lắng. 

Với trăn trở làm sao để thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, vừa đảm bảo an toàn với dịch bệnh, vừa giữ mức tăng trưởng xuất khẩu, VASEP đã gửi hai công văn tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẩn thiết đề nghị đưa lực lượng lao động ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đó cũng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản mong mỏi và cần nhất lúc này.

Thống kê của VASEP, toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam và Nam Trung bộ.

 Nhiều nhà máy sử dụng từ 500 - 3.000 lao động, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000 - 10.000 người, mật độ lao động cao.

Nhìn vào những bài học đáng tiếc đã từng xảy ra ở một số địa phương, khu công nghiệp, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản càng nâng cao cảnh giác. Vì khi một doanh nghiệp bị giãn cách, cách ly không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. 

Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam. Hơn thế nữa, toàn bộ chuỗi từ nhà máy chế biến, người lao động làm việc tại nhà máy, người nuôi, ngư dân khai thác đều bị ngừng hoạt động liên hoàn.

Do đó, VASEP gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các bộ ngành liên quan đề nghị đưa lực lượng lao động ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Cụ thể, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp đăng ký mua 500.000 liều vắc xin theo kế hoạch của Chính phủ. Toàn bộ chi phí mua vắc xin và tổ chức tiêm, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thành viên sẽ tự chủ.

Bên cạnh đó, việc chậm "phủ sóng" vắc xin cho tài xế xe container, xe tải chở hàng hóa cũng đang vướng phải nhiều bất cập.

Từ ngày 8/7 hàng thủy sản đang bị ách tắc tại các điểm chốt vào tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp vì yêu cầu tài xế giấy PCR âm tính với COVID-19. Quy định này gây tình trạng hàng thủy sản kẹt cảng, kẹt kho lạnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Do đó, VASEP kiến nghị UBND các tỉnh nói chung, tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp nói riêng thực hiện test nhanh COVID-19 thay vì PCR, theo hướng dẫn của Công văn số 4351/BYT-MT của Bộ Y tế để tránh ách tắc hàng hóa, ảnh hưởng đến chất lượng hàng và việc giao thương.

VASEP tiếp tục đề nghị không kiểm dịch với sản phẩm thủy sản chế biến
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề xuất các vướng mắc, bất cập mà doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư