Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp trên sàn rục rịch lên kế hoạch 2018
 
PVT, AAA, LSS, FMC… là những doanh nghiệp đang lên kế hoạch kinh doanh năm 2018, đa số đề ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức cao so với dự kiến thực hiện năm 2017.
AAA dự kiến năm 2018 đạt 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 50% so với kế hoạch năm 2017
AAA dự kiến năm 2018 đạt 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 50% so với kế hoạch năm 2017

Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) cho biết, 10 tháng đầu năm 2017, PVT đạt doanh thu 5.100 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch. Ban lãnh đạo PVT đã lên kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018 - 2020, với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lần lượt là 460 tỷ đồng, 498 tỷ đồng và 542 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT chia sẻ, trong năm 2017, thị trường vận tải biển nói chung và thị trường vận tải dầu nói riêng có diễn biến kém khả quan, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động gần 2 tháng để sửa chữa, bảo dưỡng có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty.

Tuy nhiên, nhờ phát triển các loại hình dịch vụ mới như vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện, vận tải khí hóa lỏng (LPG) bằng xà lan, khí nén thiên nhiên (CNG) bằng xe bồn, tập trung cung cấp dịch vụ cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sắp đi vào hoạt động (dự kiến đầu năm 20180), cũng như hoạt động tái cơ cấu PVT mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh.

“PVT đang hướng đến mức lợi nhuận trên 4.000 tỷ đồng vào năm 2035”, ông Việt Anh nói.

Theo PVT, một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến năm 2020 là thực hiện tái cơ cấu các đơn vị thành viên. Cụ thể, Tổng công ty sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại một số công ty con như Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVP), Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí quốc tế (GSP)..., nhưng vẫn nắm giữ cổ phần chi phối (51%).

Ngược lại, PVT sẽ tăng sở hữu tại Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Đông Dương lên 58,67%, trong trường hợp đàm phán được với PV Oil, bởi đây là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có nhiều điểm tương đồng với Tổng công ty.

Nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá, PVT đang giảm dần khoản vay bằng ngoại tệ và chuyển sang vay bằng VND. Bên cạnh đó, PVT ký hợp đồng vận tải với một số công ty nước ngoài, giúp Tổng công ty có thêm nguồn thu bằng ngoại tệ để cân bằng với các khoản vay.

Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) vừa đưa ra kế hoạch kinh doanh sơ bộ cho năm 2018, với chỉ tiêu doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, tăng 50% so với kế hoạch năm 2017.

Kế hoạch này được công bố trùng với thời điểm Công ty cổ phần An Phát Holdings đăng ký mua vào 1,7 triệu cổ phiếu AAA, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 25%, giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 17/11 - 15/12/2017 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) lên kế hoạch cho năm tài chính 2018 với sản lượng sản xuất thành phẩm tôm dự kiến đạt 16.000 tấn; doanh thu 155 triệu USD, tăng 7%; lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, giảm 4% so với kết quả ước thực hiện năm 2017.

FMC dự kiến sẽ tìm thêm cơ hội kinh doanh ở các hội chợ thủy sản quốc tế trên nền tảng củng cố hệ thống khách hàng đang có, đưa Nhà máy Tin An vào hoạt động chính thức, mở rộng vùng nuôi lên 200 ao và bổ sung kho lạnh 4.000 tấn.

Ngày 25/11 tới, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên để thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh niên độ 2017 - 2018 (1/7/2017 - 30/6/2018), với chỉ tiêu doanh thu dự kiến là 2.380 tỷ đồng, tăng 17,6%; lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng, tăng gần 1,5% so với niên độ trước; cổ tức 12%.

Ban lãnh đạo Công ty LSS nhận định, thị trường ngành đường tiếp tục khó khăn khi lượng tồn kho tăng, giá bán giảm sâu, khách hàng có tâm lý chờ đợi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1/2018.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị LSS cho biết, Công ty đã có sự chuẩn bị cho ATIGA từ lâu và đã thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng trung tâm phát triển mía nguyên liệu. Do vậy, đặt ra kế hoạch lợi nhuận 125 tỷ đồng, Công ty có cơ sở để đạt được.

Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) chưa đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2018, nhưng theo Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), NT2 có thể đạt  1.089 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với mức 776 tỷ đồng dự kiến đạt được của năm 2017.

NT2 đang quản lý và vận hành nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 750 MW, là nhà máy điện khí lớn của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower). Sản lượng điện nhà máy sản xuất hàng năm đạt xấp xỉ 4,6 tỷ kWh; 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng sản xuất và thương mại đạt 3,036 tỷ kW. Trong tháng 9/2017, nhà máy đã tiến hành đại tu theo chương trình 50.000 EOH và vận hành trở lại vào ngày 3/10, với công suất nhà máy tăng thêm 24 MW.

Biên lợi nhuận gộp của NT2 đạt mức cao nhờ việc kiểm soát chi phí đầu vào và nguồn nguyên liệu sản xuất được đảm bảo ổn định nhờ sử dụng khí tự nhiên khai thác từ bể Cửu Long và Nam Côn Sơn do PVGas cung cấp. Ngoài ra, cơ cấu nguồn vốn có nhiều lợi thế khi nợ dài hạn bằng ngoại tệ đang giảm nhanh và vốn chủ sở hữu tăng ổn định, giúp giảm chi phí tài chính.

Nhiều doanh nghiệp trên sàn tự tin về đích trước hạn
Nhiều doanh nghiệp tự tin hoàn thành, thậm chí vượt xa kế hoạch kinh doanh năm nay. Tuy nhiên, có những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận trong các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư