Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt kiếm hàng chục tỷ đô từ nội dung số
Hữu Tuấn - 25/12/2016 15:07
 
Ngành nội dung số đang đứng trước cơ hội kiếm hàng chục tỷ USD từ thị trường trong và ngoài nước.

Nội dung số Việt bội thu trong năm 2016

Báo cáo “Internet Việt Nam 2016” với chủ đề “Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế Internet” do ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG trình bày tại Internet Day 2016 diễn ra vừa qua cho thấy, ngành nội dung số đã có một “mùa bội thu” 2016, với nhiều sản phẩm vượt khỏi biên giới, thành công rực rỡ ở nước ngoài. Nội dung số không chỉ là ngành đang mang lại doanh thu “khủng”, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, mà dự báo tới năm 2020, đây sẽ là một thị trường vô cùng rộng lớn, mang lại cơ hội hàng chục tỷ USD cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2016, ngành nội dung số đã để lại dấu ấn vượt xa khỏi biên giới, mở ra hướng phát triển toàn cầu cho nhiều doanh nghiệp nội dung số. Năm nay, Việt Nam ghi dấu trên bản đồ game thế giới khi tựa game Việt Nam đầu tiên Dead Target lọt Top Google Editor's Choice; Sky Garden, Eraser thắng lớn tại IMGA SEA; Zalo cán mốc con số 60 triệu người dùng và viết tiếp câu chuyện lãng mạn tại xứ Myanmar; BankPlus được vinh danh tại IT World Award...

Năm 2016 cũng là năm các start-up Việt Nam “cất cánh” ở các thị trường nước ngoài, như GotIT của CEO Hùng Trần nổi tiếng ở Silicon Valley tại Mỹ, DesignBold của Hùng Đinh thu hàng tỷ đồng từ nước ngoài trong giai đoạn “chạy thử”…

Bằng sự lãng mạn của người làm công nghệ và mong muốn thấu hiểu từng ngách thị trường, những cái tên như VNG, Viettel... đang từng bước mang những sản phẩm của mình đến tay của người dùng toàn cầu.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, ứng dụng sâu rộng của công nghệ thông tin (CNTT) đã hình thành một nền kinh tế số không biên giới, mang lại lợi nhuận giá trị cao cho Việt Nam. Thị trường Việt Nam còn khá nhỏ bé so với khu vực và thế giới, nên các doanh nghiệp trong ngành không thể tự hài lòng với chính mình và phải liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo để bước ra nước ngoài.

“Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều hình thái kinh doanh mới. Dù mới hình thành, nhưng với nền tảng kinh doanh CNTT - truyền thông, các hình thái kinh doanh này đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn, đạt hàng tỷ USD, cạnh tranh được với những tập đoàn lớn, chiếm lĩnh thị trường thế giới. Viettel đạt được những thành tựu đáng kể sau 10 năm đi ra nước ngoài, hay Zalo đã đạt được 2 triệu người dùng ở Myanmar sau 6 tháng ra mắt là những động lực thúc đẩy ngành công nghiệp số khai phá thị trường nước ngoài”, ông Nguyễn Thành Hưng nói.

Thị trường hàng chục tỷ USD đang chờ đón

Theo ông Lê Hồng Minh, ngành công nghệ số đang đứng trước một cơ hội vô cùng lớn khi máy tính cá nhân thoái trào và “Mobile Internet lên ngôi”. Theo đó, ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 60 triệu người dùng smartphone, nhưng chỉ có 15 triệu người dùng máy tính cá nhân. Với mức độ sử dụng Internet mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa cao độ và thời lượng sử dụng 2 - 3 giờ/ngày, thị trường mobile Internet có cơ hội tăng trưởng gấp 40 - 100 lần.

“Smartphone sẽ thay thế tất cả: laptop, máy tính cá nhân để thanh toán online, lướt web – mạng xã hội… Đó là một cơ hội cực kỳ lớn lao cho ngành nội dung số, cả trong và ngoài nước”, ông Minh nói.

Theo lãnh đạo VNG, dự kiến đến năm 2020, tại Việt Nam, lĩnh vực quảng cáo trực tuyến sẽ đạt doanh thu gần 1 tỷ USD, game online đạt 640 triệu USD (gấp đôi năm 2016), thương mại điện tử đạt 5 tỷ USD (gấp 5,5 lần năm 2016), thanh toán trực tuyến đạt khoảng 4 tỷ USD (gấp 6 lần năm 2016) và ước tính chi tiêu sử dụng dịch vụ Internet (cho các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, đặt xe trực tuyến, giáo dục trực tuyến, chăm sóc sức khỏe…) là hơn 50 tỷ USD…

“Đây là báo cáo chuẩn bị cho chiến lược phát triển 5 năm tới của VNG và chúng tôi sẵn lòng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp nội dung số. Hy vọng, mỗi doanh nghiệp sẽ nắm bắt được cơ hội của riêng mình. Về phía VNG, năm 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục theo con đường phát triển các sản phẩm dịch vụ CNTT. Đó sẽ là những sản phẩm về mạng Zalo, thanh toán điện tử, thương mại điện tử, phát triển game…”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cũng đưa ra một nghiên cứu tình huống đối với Uber và Grab Taxi. Theo đó, chỉ trong 2 năm, số taxi của Uber và Grab Taxi đã vượt qua Vinasun và Mai Linh . Vì vậy, kỷ nguyên số sẽ mở thêm cơ hội làm giàu, kiếm hàng chục tỷ USD từ lĩnh vực này cho doanh nghiệp nội dung số, nếu họ biết sáng tạo, đổi mới.

Nhật Bản kỳ vọng vào Việt Nam trong lĩnh vực nội dung số
Đứng thứ 6 khu vực Châu Á với doanh thu 237 triệu USD, thị trường game mobile và nội dung số Việt Nam đang là đích ngắm của các doanh nghiệp Nhật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư