Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngành nội dung số: Mơ lấy lại "tăng trưởng trong mơ"
Hữu Tuấn - 14/07/2016 16:36
 
Từng có thời kỳ tăng trưởng “trong mơ” lên đến 57% nhưng ngành công nghiệp nội dung số đang “tuột dốc” và gần đây nhiều tín hiệu chính sách đang thúc đẩy ngành này lấy lại phong độ ngày cũ…

Hào quang quá khứ

Ngành công nghiệp nội dung số là một ngành mang hàm lượng trí tuệ cao, lợi nhuận lớn, đồng thời là động lực và phương tiện để đẩy nhanh quá trình tiến tới xã hội thông tin và kinh tế tri thức, nền công nghiệp này sẽ là nền tảng cho các chương trình ứng dụng CNTT, chương trình chính phủ điện tử, IoT…

Năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam cũng cao hơn các ngành kinh tế khác trong nước từ 3 - 10 lần, trong đó, tỉ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 - 95%.

Tuy nhiên, theo thống kê của Vụ CNTT (Bộ Thông tin & Truyền thông), tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số đang tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây. Nếu như năm 2009, công nghiệp nội dung số đạt tốc độ tăng trưởng 56,81% (đạt 1,06 tỷ USD) thì năm 2010 tăng trưởng chỉ đạt 39,71% và đến năm 2011 tăng trưởng giảm xuống còn 25%, năm 2012 rơi xuống còn 12%, doanh thu ngành đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

VNG, một trong những doanh nghiệp số có tốc độ tăng trưởng cao giai đoạn 2009-2015.
VNG, một trong những doanh nghiệp số có tốc độ tăng trưởng cao giai đoạn 2009-2015.

Theo đánh giá của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và CNTT (Vinasa), trong 5 năm vừa qua, sự suy giảm chung của kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước đã khiến ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam có sụt giảm nhiều về tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn duy trì được ở ở mức 10-15%/năm.

Đây là một ngành luôn phát triển nhanh gấp 2 - 3 lần tỉ lệ tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế. Vì thế, nếu lấy lại tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp nội dung số sẽ có tác động phát triển kinh tế mạnh mẽ cho đất nước

Để lấy lại “tốc độ tăng trưởng trong mơ” giai đoạn 2009-2012, ngành công nghiệp nội dung số cần sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực và một loạt các chính sách tốt. Nhà nước cần “sát cánh” bên doanh nghiệp số, có những chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển như chính sách ưu đãi về thuế, về môi trường kinh doanh, chính sách phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích xã hội hóa các vấn đề sản xuất nội dung.

Rất mừng là thời gian qua, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp số đã được áp dụng.

Mới đây nhất, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đây là một tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp số nói riêng, bởi phần lớn các dự án khởi nghiệp là doanh nghiệp nội dung số.

Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội.

Cùng với đó, giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực để tiếp thu CNTT cũng đã được đưa ra. Theo đó, các doanh nghiệp có tiềm năng và khả năng tăng trưởng cao được hỗ trợ nhiều hơn bằng cách xây dựng một hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp song hành với tổ chức khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp này cũng cần một hệ thống đầu tư mạo hiểm, đầu tư cổ phần tư nhân hoạt động theo định hướng thị trường để tài trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo rủi ro cao nhưng cũng có thể đem lại lợi nhuận cao.

“Dấu son” về thuế, ưu đãi mới

Ngoài chính sách về khởi nghiệp, một tin vui khác cho ngành nội dung số là Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016, về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Nghị quyết này ngoài việc dành các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, cá nhân ngành công nghiệp số còn bổ sung một “danh mục” các hoạt động công nghệ thông tin cần đặc biệt khuyến khích. Danh mục này bao gồm rất nhiều các dịch vụ công nghiệp số như sản xuất và dịch vụ phần mềm, dịch vụ thiết kế - mtư vấn công nghệ thông tin,dịch vụ tích hợp hệ thống, dịch vụ thuê ngoài hệ thống công nghệ thông tin, dịch vụ xử lý -  khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu,dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng,dịch vụ trung tâm dữ liệu Data center, dịch vụ thuê ngoài BPO, KPO cho xuất khẩu,dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử…

Nghị quyết này sẽ có tác động giúp các doanh nghiệp số tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Những doanh nghiệp số đa quốc gia như Facebook, Google, Apple… thu được rất nhiều doanh thu, lợi nhuận từ Việt Nam mà không được đóng thuế trong khi doanh nghiệp số Việt Nam như VNG, VTC… bị mất dần thị phần vì khó ra các dịch vụ mới trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao.

Thế nên, chính sách hỗ trợ tốt hơn để các doanh nghiệp nội dung số trong nước có thể vừa cạnh tranh được trên sân nhà, vừa có thể tiến ra thị trường quốc tế là một nhu cầu đúng đắn.

Các doanh nghiệp cho rằng, kinh doanh dịch vụ nội dung số (đặc biệt là game online) có tính rủi ro cao do vòng đời sản phẩm ngắn. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có chính sách cởi mở để tạo môi trường cho doanh nghiệp nội dung số trong nước phát triển. Chính sách bị thắt chặt khiến dịch vụ nội dung số rất khó phát triển sản phẩm mới, kể từ khâu quản lý cấp phép, quảng bá sản phẩm và những chủ trương cấm cục bộ ở một số địa phương.

Ngành game Việt đang gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài.
Ngành game Việt đang gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Lương Viết Lộc, Chủ tịch VTC Mobile, nội dung số là lĩnh vực hội nhập khá sớm, thực tế các doanh nghiệp trong nước đã phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài từ 5 năm nay rồi. Trong khi chính sách quản lý của nhà nước còn nhiều hạn chế cho doanh nghiệp trong nước.

“Chúng tôi rất mong muốn có sự hỗ trợ về mặt chính sách của nhà nước, đặc biệt là hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài phát hành game không phép để doanh nghiệp trong nước có thể kế hoạch phát triển dài hơi hơn”, ông Lộc cho biết.

Cộng động doanh nghiệp số cần hơn nữa một sự thay đổi lớn. Đó là khung khổ chính sách toàn diện về cạnh tranh nhằm mở cửa cho sự gia nhập thị trường và cạnh tranh của nhà đầu tư, và thực thi một cách hiệu quả các chính sách cạnh tranh. Chính sách và khuôn khổ pháp lý về cạnh tranh có thể bao gồm 4 yếu tố chính: áp dụng bình đẳng cho mọi doanh nghiệp bất kể thuộc khu vực công hay khu vực tư nhân, chống lại các hành vi hạn chế cạnh tranh, ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh thay cho việc cố gắng kiểm soát giá cả và ban hành các quy tắc điều tiết và áp dụng các quy định một cách minh bạch, công bằng và không phân biệt đối xử.

Hy vọng rằng, với những “trợ lực mới” về cơ chế chính sách và với khí thế “quốc gia khởi nghiệp”, “nhà nhà khởi nghiệp” đang hừng hực, ngành công nghiệp nội dung số sẽ sớm lấy lại tăng trưởng tốc độ cao, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Doanh nghiệp không “3S” sẽ bị đánh bật khỏi nền kinh tế số
“Hãy 3S - Sẵn sàng số trong một nền kinh tế số” là lời khuyên mà ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư