Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt nhắm tới điện toán đám mây
Hữu Tuấn - 25/07/2020 08:24
 
Kinh doanh điện toán đám mây sẽ là một lĩnh vực hái ra tiền nếu doanh nghiệp Việt cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.
Kinh doanh điện toán đám mây được xem là “mỏ vàng” mới của doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Kinh doanh điện toán đám mây được xem là “mỏ vàng” mới của doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Mỏ vàng lộ thiên

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây Tập đoàn Alibaba quyết định sẽ đầu tư 28,26 tỷ USD vào mảng điện toán đám mây trong 3 năm tới. Cũng không ngẫu nhiên mà gần đây 4 start-up liên quan đến điện toán đám mây (Datadog, Zoom, Slack và CrowdStrike) khi IPO đã trở thành siêu kỳ lân trị giá trên 10 tỷ USD.

Điện toán đám mây đang trở thành “mỏ vàng” mới ở Việt Nam. Năm 2019, doanh thu toàn thị trường điện toán đám mây đã đạt 200 triệu USD, với mức tăng trưởng hàng năm trên 30%. Điện toán đám mây được đánh giá sẽ là ngành đạt con số tỷ USD nhanh nhất và sẽ là nền tảng của chuyển đổi số tại Việt Nam.

“Điện toán đám mây là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Hiện các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã làm chủ được hạ tầng viễn thông. Phải cố gắng làm chủ hạ tầng số, hạ tầng số cũng chính là hạ tầng viễn thông cộng thêm nền tảng điện toán đám mây. Do đó, làm chủ nền tảng điện toán đám mây là rất quan trọng đối với đất nước", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Còn theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, năm 2020 được dự báo là năm của điện toán đám mây khi phần lớn khối lượng công việc sẽ được chuyển dần sang đám mây. Trong 2-3 năm tới, điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ và trở thành một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng 4.0 ở Việt Nam. Bên cạnh đó, sử dụng điện toán đám mây cho AI và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh đang là giải pháp mang tính xu hướng trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Theo số liệu của Viettel IDC, doanh thu của các ứng dụng dựa trên nền tảng AI (AI Software Application) và nền tảng để các ứng dụng AI khai thác (AI Software Platform) có thể tăng trưởng 33-35%/năm với doanh thu lên tới 120 triệu USD vào năm 2025. Trong khi đó, cải tiến nghiệp vụ doanh nghiệp, nhận diện thương hiệu (Business analytics insights) và nghiên cứu dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dữ liệu (Data Engineering, AI Enablement) tại Việt Nam có mức tăng trưởng 21-24% và có thể đạt doanh thu khoảng 160 - 180 triệu USD.

Muốn thắng phải chiếm lĩnh thị trường

Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đang là cuộc chơi áp đảo của các ông chủ ngoại xuyên biên giới như Amazon, Google, Microsoft, IBM… Khối ngoại chiếm tới 80% thị phần, 20% còn lại thuộc doanh nghiệp Việt Nam. Hiện, Việt Nam có 11 doanh nghiệp kinh doanh điện toán đám mây với 27 trung tâm dữ liệu, trên 270.000 máy chủ được kết nối cả nước.

“Thị trường điện toán đám mây còn mới mẻ, các doanh nghiệp nước ngoài có thời gian và kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ đó ở các thị trường khác từ rất sớm nên có lợi thế. Doanh nghiệp Việt bắt đầu từ việc cho thuê chỗ để đặt server, gần đây đã tiến lên làm chủ công nghệ điện toán đám mây. Tôi cho rằng, sắp tới, chắc chắn tỷ lệ doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh được thị trường điện toán đám mây trong nước sẽ tăng nhanh”, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc VNG Cloud nhận định.

Theo ông Trí, ngân sách cho phát triển hạ tầng là rất lớn, bình quân 60% GDP của một quốc gia. Nhu cầu số hóa công tác quản lý hạ tầng, ví dụ như gắn chip cảm biến dưới mặt đường để đo mật độ giao thông, đang mở ra cơ hội lớn cho ngành điện toán đám mây tại Việt Nam để tiếp cận với nguồn quỹ khổng lồ đó.

Trong cuộc đua này, doanh nghiệp Việt Nam rất có lợi thế. “Họ đều đã làm chủ công nghệ và hạ tầng Cloud, nhờ đó làm chủ về giá thành dịch vụ, không bị phụ thuộc nhà cung cấp nước ngoài. Khi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của đội ngũ đông đảo kỹ sư Việt Nam, việc đào tạo cho khách hàng sử dụng ứng dụng tại chỗ... cũng là yếu tố vượt trội của doanh nghiệp điện toán đám mây trong nước so với nhà cung cấp nước ngoài”, ông Trí phân tích.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC cũng cho rằng, một công ty chỉ là cá thể đơn lẻ và khó có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nếu doanh nghiệp liên minh với nhau thì sẽ có sự cộng hưởng và tạo nên sức mạnh lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực và đây chính là cơ hội cho "Make in Vietnam”. Thị trường Việt Nam là một thị trường đủ lớn với 100 triệu dân, đứng thứ 12 về dân số trên thế giới. Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số, các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về điện toán đám mây.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài.

Hiện Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng điện toán đám mây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hy vọng, tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác phát triển hạ tầng điện toán đám mây.

“Cách tốt nhất để phát triển hạ tầng trong nước là các doanh nghiệp và người dân Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Quy mô thị trường điện toán đám mây dự kiến tăng từ 233 tỷ USD năm 2019, lên 295 tỷ USD vào năm 2021, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 12,5%.

Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bao gồm nhu cầu của các doanh nghiệp hỗ trợ lực lượng lao động từ xa để thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (CSP), các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ.

(Nguồn: Viettel IDC)
Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng điện toán đám mây
Ngày 22/5, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư