Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 05 năm 2024,
Doanh nghiệp VLXD: Hoãn, giãn kế hoạch đầu tư
Hải Yến - 04/04/2013 20:38
 
Nhiều dự án chưa cấp thiết đang được doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng hoãn, giãn kế hoạch đầu tư, để chờ tín hiệu phục hồi từ nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

“Năm 2013 và 2014, một vài dự án nằm trong kế hoạch đầu tư sẽ bị tạm dừng, hoặc đầu tư chậm lại… để chờ tín hiệu kinh tế phục hồi. Thay vào đó, chúng tôi dồn lực nâng cao hiệu suất lao động và đẩy mạnh tiêu thụ”, ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn cho biết và nhấn mạnh, trong sự trì trệ của nền kinh tế và thị trường bất động sản, năm 2013, doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn như năm 2012.

Cũng theo ông Kiên, Dự án Xây dựng cụm nhà ở thương mại và cho cán bộ, công nhân viên tại Thạch Bàn, với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng (dự kiến thực hiện năm 2014) đã được Ban lãnh đạo Tập đoàn quyết định tạm dừng đầu tư. Riêng Dự án Di dời nhà máy của Thạch Bàn lên Cụm công nghiệp Bắc Giang vẫn được tiến hành, nhưng tiến độ sẽ chậm lại.

files/2013/04/04/doanh-nghiep-vlxd-hoan-gian-ke-hoach-dau-tu-1.jpg

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang nỗ lực đưa sản phẩm mới ra thị trường, nhằm thu hút khách hàng

Năm 2012, sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Thạch Bàn chỉ đạt hơn 90% kế hoạch, doanh thu chưa bằng 90% kế hoạch, với tỷ lệ cắt giảm lao động là 8% trên tổng số 1.200 lao động.

“Năm 2013, Thạch Bàn đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng 10% so với năm 2012. Tuy nhiên, cân đối trên cơ sở thực tế, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh phù hợp”, ông Kiên nói và cho biết, do là ngành đặc thù, nên doanh nghiệp vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng lớn từ sự đình trệ của các dự án xây dựng, đặc biệt là các dự án đầu tư công.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Phùng Thị Mai Hương, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phú Ninh (đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối thiết bị vệ sinh cao cấp có trụ sở tại 168 - Trần Duy Hưng, Hà Nội) cho rằng, thực tế kinh doanh 3 tháng đầu năm ảm đạm hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012. Bởi vậy, kế hoạch của Công ty là co cụm để duy trì các hoạt động kinh doanh, không vay thêm vốn, giảm lượng hàng nhập, để bảo toàn vốn và hoạt động doanh nghiệp ở mức cao nhất.

“Năm 2012, doanh thu của Công ty giảm 40% so với năm 2011. Vì vậy, năm 2013 giữ được các kết quả như năm 2012 là một kỳ tích”, bà Hương nhận định.

Chia sẻ về gói giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, bà Hương cho rằng, những gói kích cầu, giảm lãi suất mới đây… vẫn mang tính vĩ mô và chưa tác động tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa như Tân Phú Ninh.

Là doanh nghiệp làm thương mại, sản phẩm tập trung ở phân khúc trung và cao cấp với đối tượng khách hàng dân sinh là chính, nên Tân Phú Ninh không lo bị đọng vốn, nợ ít và nợ xấu gần như không có. Tuy nhiên, theo bà Hương, ngay cả với quyết định hạ lãi suất mới đây, cũng chưa có tín hiệu rõ ràng, bởi từ câu chuyện chính sách cho tới thực tế cho vay ra của các ngân hàng bao giờ cũng có độ trễ và không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được vốn vay giá rẻ.

Liên quan đến gói giải pháp cứu thị trường bất động sản đang “nóng” trong những ngày gần đây, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, sẽ khó có tác động lớn đến lĩnh vực xây dựng và nếu có cũng chỉ ở mức rất hạn chế.

Trước thực tế của ngành vật liệu xây dựng, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã kiến nghị các giải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ của ngành. Trong đó, có các giải pháp vận động các đơn vị xây dựng trong nước sử dụng vật liệu nội, không dùng hàng nhập khẩu; Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai việc làm đường quốc lộ, đường cao tốc bằng bê tông xi măng thay thế nhựa đường nhập khẩu, vừa đảm bảo tính bền vững lâu dài công trình giao thông…

Kiến nghị là vậy, nhưng nếu không tự thân vận động, tự tìm lối thoát, doanh nghiệp khó có khả năng cầm cự. Không chỉ tập trung vào sản phẩm đặc thù, doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đang nỗ lực đưa ra sản phẩm mới, nhằm gia tăng lượng khách hàng, đẩy mạnh tiêu thụ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư