Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp xi măng xuất quân sớm
Thế Hải - 18/02/2016 15:22
 
Cuộc chạy đua giữa các nhà sản xuất xi măng trong thị trường mà nguồn cung dư khoảng 10 triệu tấn ngày càng khốc liệt và hứa hẹn nhiều cuộc đổi ngôi.

“Hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn thể nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai đã được khởi động từ ngày mùng 6 Tết, tức 13/2/2016, kèm theo đó là các chuyến xe đưa xi măng tới các đơn vị mua hàng đã được diễn ra như ngày thường”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vissai cho biết về khí thế lao động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân.

Nếu lao động nhiều ngành nghề khác được nghỉ lễ dài 9 ngày, thì tết của các doanh nghiệp sản xuất có phần khác hơn. Theo ông Đạt, với đặc thù sản xuất như xi măng, việc duy trì sản xuất, đảm bảo đủ nguồn hàng, đáp ứng cho khách hàng, không ngưng trệ bất cứ một khâu nào trong quy trình sản xuất, lưu thông là điều bắt buộc.

.
Lo đầu ra cho sản phẩm là bài toán đau đầu của tất cả các doanh nghiệp xi măng trong năm 2016

Năm 2015 đã ghi dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Tập đoàn Vissai khi cùng lúc duy trì sản xuất ổn định tại các dây chuyền hiện có, nhưng vẫn đảm bảo tốt khâu đầu tư tại giai đoạn 1 Nhà máy Xi măng Sông Lam (Đô Lương, Nghệ An). Với 2 dây chuyền xây dựng cùng lúc của giai đoạn 1, quy mô của Nhà máy xi măng Sông Lam đã lên tới 4 triệu tấn xi măng/năm và tổng vốn đầu tư trên 10.500 tỷ đồng.

Nói “chuyển mình mạnh mẽ” bởi cùng với quyết định đầu tư Nhà máy xi măng Sông Lam, Tập đoàn Visai đã phải chuẩn bị tư thế cho việc gia tăng “khủng” về sản lượng.

Tại Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Hải Dương), thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), việc ra quân được bắt đầu từ mùng 2 Tết, tức sáng 9/2/2016, với mẻ clinker đầu tiên xuất xưởng. Theo đại diện Xi măng Hoàng Thạch, ngay trong những ngày nghỉ Tết, Công ty vẫn bố trí lực lượng trực bình thường để duy trì ổn định dây chuyền sản xuất và ngày mùng 8 Tết toàn Công ty ra quân.

Năm 2015, Vicem Hoàng Thạch đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch, trong đó tổng sản phẩm xi măng và clinker tiêu thụ đạt gần 4,3 triệu tấn, lượng tồn kho thấp, lợi nhuận đạt 561 tỷ  đồng, nộp ngân sách 233 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2014.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng cao nhờ công ty tăng cường tiết kiệm chi phí, nguyên, nhiên, vật liệu, đẩy mạnh đầu tư chiều sâu đối với các dây chuyền sản xuất hiện đại

Ông Lê Thành Long, Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho hay, kết quả đạt được của năm 2015 cho thấy Công ty đã nỗ lực để “về đích”, nhưng năm 2016 vẫn chưa hoàn toàn dễ thở với doanh nghiệp xi măng do cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp. Nguồn cung dư, trong khi nhu cầu thị trường dự báo không tăng đột biến nên để hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2016 được suôn sẻ, mọi nỗ lực, sáng kiến trong sản xuất phải được triển khai ngay từ đầu năm.

Trong năm 2016, Công ty phấn đấu chạy 3 lò liên tục, dài ngày để tối đa hóa hiệu suất của các dây chuyền. Đồng thời tiếp tục căn chỉnh khâu sản xuất, cơ cấu lại khâu bán hàng, nhất là thị trường cốt lõi, từng bước nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề cho việc đầu tư thêm một trạm nghiền trong thời gian tới.

Cũng cần phải nói thêm, dù có lợi thế về thương hiệu, do Vicem Hoàng Thạch được ưa chuộng mạnh, đặc biệt tại miền Bắc, nhưng Hoàng Thạch cũng là đơn vị đóng đô trên địa bàn có nhiều nhà máy, chịu sự cạnh tranh dữ dội của xi măng liên doanh như Phúc Sơn, Thăng Long, Cẩm Phả, Vinacomin,… vốn có lợi thế về giá bán.

Lo đầu ra cho sản phẩm là bài toán đau đầu của tất cả các doanh nghiệp xi măng trong năm 2016 khi nguồn cung tiếp tục tăng lên, còn nhu cầu tiêu dùng xi măng nội địa chỉ tăng dưới 10%.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, năm 2016, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành khoảng 75 - 77 triệu tấn, tăng 4 - 7% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 59 - 60 triệu tấn, xuất khẩu 16 - 17 triệu tấn.

Đối với kênh xuất khẩu, năm 2016 được dự báo không khả quan, do phải cạnh tranh với xi măng từ Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc.

Bởi vậy,  với Vicem Hoàng Thạch, để hoàn thành đặt mục tiêu sản xuất 3,19 triệu tấn clinker, 3,9 triệu tấn xi măng, đạt doanh thu 4.940 tỷ đồng, lợi nhuận 554 tỷ đồng, nộp ngân sách 211,8 tỷ đồng là cuộc chạy đua không ngừng nghỉ, đòi hỏi sáng tạo, linh hoạt trong điều hành sản xuất, làm tốt công tác thị trường ngay từ đầu năm.

Còn với Tập đoàn The Vissai, nhiệm vụ sẽ còn nặng nề hơn khi theo kế hoạch, tháng 10/2016, giai đoạn 1 Nhà máy xi măng Sông Lam 4 triệu tấn sẽ được đưa vào vận hành, đưa sản phẩm ra thị trường và áp lực về đầu ra có thể nói là không hề dễ dàng.

Sức ép lớn trong tiêu thụ xi măng năm 2016
Nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2016 dự kiến chỉ đạt khoảng 75 - 76 triệu tấn, chỉ tăng 5 - 7% so với năm 2015, trong khi thị trường dự báo sẽ có thêm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư