Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tự tin xác lập kỷ lục mới
Thế Hải - 12/09/2024 09:16
 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng gần nhất đều vượt 70 tỷ USD, riêng tháng 8, xuất khẩu gần 38 tỷ USD. Nếu duy trì đà tăng như hiện tại, xuất nhập khẩu cả năm nay sẽ xác lập kỷ lục mới, bỏ xa mốc 732 tỷ USD từng đạt được trong năm 2022.

Vượt 70 tỷ USD 2 tháng liên tiếp

Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn đang đón tín hiệu khả quan, khi cả 2 tháng gần đây đều vượt 70 tỷ USD/tháng, trong đó, tháng 7 đạt 70,11 tỷ USD, tháng 8 đạt 70,65 tỷ USD.

Cần phải nói thêm, năm 2022 là năm kỷ lục về xuất nhập khẩu, đạt 732 tỷ USD, nhưng chưa có tháng nào trong năm có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới 70 tỷ USD.

Sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục là 37,59 tỷ USD - kết quả cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với mức 36,24 tỷ USD của tháng 7.

Tính chung 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ dấu tích cực là tốc độ nhập khẩu vẫn gia tăng, nhằm phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu đã ký, đạt 246 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hết 8 tháng, có 38 mặt hàng nhập khẩu trị giá trên 1 tỷ USD. Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu vẫn rất tích cực, cụ thể, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 230,95 tỷ USD, chiếm 93,9%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 15 tỷ USD, chiếm 6,1%. Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 19,07 tỷ USD.

Tuy nhập khẩu gia tăng, nhưng đáng mừng bởi hầu hết đều là đầu vào phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) nhận định, cùng với sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm 2024.

Đáng chú ý, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm nông sản và khoáng sản chỉ chiếm 12%; nhóm công nghiệp chiếm trên 88%.

“Như vậy, xuất khẩu tăng cao chủ yếu do xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng cao, phản ánh đúng với những mục tiêu mà các chiến lược, kế hoạch xuất nhập khẩu đề ra”, ông Phương phân tích.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2024 của S&P Global ghi nhận những điểm sáng, đó là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, đi kèm là áp lực lạm phát đã nhẹ bớt.

Cụ thể, PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 8/2024 đạt 52,4 điểm, cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm giữa quý III.

Kỳ vọng từ phục hồi thương mại toàn cầu

Chỉ số Phong vũ biểu thương mại hàng hóa mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố hôm 5/9 cho thấy, tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu nhiều khả năng duy trì ở mức khả quan trong quý III năm nay. 

Còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Lúc này đang là cao điểm với các nhà sản xuất trong nước để chốt các đơn hàng cuối năm, với những doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng thì lo nguyên liệu, nhân công để điều phối sản xuất, giao hàng đúng hẹn.

Trong tháng 8, xuất khẩu dệt may đạt trên 4 tỷ USD, là tháng thứ 2 trở lại mốc này, trong khi các tháng trước đó đều dưới ngưỡng 4 tỷ USD. Nhờ đó, lũy kế 8 tháng, xuất khẩu toàn ngành dệt may mang về gần 28,5 tỷ USD, trong đó dệt may 24,3 tỷ USD, tăng 7,9%; xơ sợi 2,92 tỷ USD, tăng 1,3%; nguyên liệu các loại gần 1,2 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, hầu hết doanh nghiệp trong Tập đoàn đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III và quý IV/2024. Dựa trên những tín hiệu đã có, dự báo xuất khẩu toàn ngành tăng 8-10%. Thị trường tiêu dùng tốt lên, là cú hích cho tăng trưởng của cả sợi và may mặc, kỳ vọng sản xuất, kinh doanh sẽ cải thiện.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence chia sẻ: “Lạm phát, chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng yếu hơn nhiều trong tháng 8/2024, được cho là một nhân tố góp phần làm số lượng đơn đặt hàng mới duy trì đà tăng. Do đó, về tổng thể, ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục có nửa năm cuối tăng trưởng tốt”.

Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, xuất nhập khẩu có nhiều khả năng về đích vượt xa kỷ lục của năm 2022.

Ước tính, nếu duy trì mức 70 tỷ USD/tháng trong giai đoạn cuối năm, thì xuất nhập khẩu cả năm có thể vượt 790 tỷ USD. Trong kịch bản thấp hơn, đơn hàng với một số ngành không duy trì được “phong độ”, khả năng về đích ở mức 785-786 tỷ USD.

Là quốc gia có nền kinh tế mở và xuất khẩu là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng, mọi chỉ số tăng trưởng hay suy giảm của thương mại toàn cầu đều phản ánh trực tiếp qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam. Sau năm 2023 tăng trưởng âm, từ đầu năm 2024 đến nay, thương mại hàng hóa phục hồi đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta.

Nhờ sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến, du lịch và tiêu dùng, WB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao hơn trong năm 2024.

Dù vậy, vẫn phải đề phòng rủi ro với hoạt động thương mại trong những tháng còn lại. Đó là căng thẳng địa chính trị, sự thay đổi chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn nhiều khả năng tác động tới đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chế biến, chế tạo, vốn đóng góp doanh thu lớn.

Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, WB khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trên thị trường tài chính.

Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng tốc, xuất siêu hơn 19 tỷ USD
Sơ bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng đạt trên 511 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư