Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Louis Nguyễn, Tổng giám đốc ACFC: Bước đi đón đầu những cơn gió ngược
Anh Hoa - 27/08/2023 08:28
 
Không lựa chọn “phòng thủ” trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, Louis Nguyễn đã dẫn dắt Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu châu (ACFC) theo lối đi riêng, phát huy thế mạnh, chủ động bứt tốc để chiếm lĩnh thị trường.
doanh nhân
Doanh nhân Louis Nguyễn, Tổng giám đốc ACFC.

“Tỏa sáng” theo cách riêng của mình

ACFC, một thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa được Tạp chí nhân sự hàng đầu châu lục HR Asia vinh danh là Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2023.

Người đứng đầu ACFC là Louis Nguyễn (Nguyễn Quốc Khánh) - con trai thứ hai của “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn. Anh đã góp phần cùng Ban Tổng giám đốc ACFC và Tập đoàn IPPG phát triển và chiếm lĩnh hơn 70% thị phần thị trường thời trang Việt Nam với hơn 100 thương hiệu nổi tiếng thế giới. Cuối năm 2022, Louis Nguyễn lọt vào Top 10 Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu ở Giải thưởng Sao Đỏ.

Điều hành ACFC phát triển với doanh thu tăng trưởng ấn tượng hàng năm, Louis Nguyễn cũng đã truyền cảm hứng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đầu tư chuyển đổi số ngành bán lẻ, tạo lợi thế cho Công ty vươn lên mạnh mẽ.

Muốn kinh doanh thời trang thành công, điều đầu tiên bạn cần là thấu hiểu thị trường, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng. Bạn cũng cần chú trọng đến việc thu hút và tuyển dụng
nhân sự phù hợp, đầu tư và nuôi dưỡng nhân sự, vì họ sẽ giúp mang lại những trải nghiệm mà khách hàng xứng đáng nhận được, từ đó góp phần mang lại thành công cho doanh nghiệp và thương hiệu trong tương lai.

- Doanh nhân Louis Nguyễn

Thực tế thương trường cho thấy, có những doanh nghiệp gia đình đã xảy ra cuộc tranh giành nội bộ để tìm ra thành viên ưu tú trong gia đình nắm quyền kiểm soát, nhưng cũng có những doanh nghiệp không gặp vướng mắc gì trong việc này, hơn nữa, họ còn duy trì hoạt động kinh doanh của gia đình qua nhiều thế hệ rất hiệu quả. Gia đình của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, với hoạt động của IPPG, là một ví dụ điển hình.

Tất cả các thành viên trong đại gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn đều có rất nhiều cơ hội “tỏa sáng” theo cách riêng của mình. Những người con của ông Hạnh Nguyễn đều được huấn luyện như nhau và dần được đưa vào các vị trí cấp cao trong IPPG. Ông đã giao những công việc và trách nhiệm khác nhau cho từng người con tùy theo độ tuổi và kinh nghiệm.

Đầu những năm 1990, trong vai trò là Trưởng đại diện Hãng hàng không Philippines tại Việt Nam, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đã làm cầu nối để lần đầu tiên Tập đoàn DFS thuộc Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) của Pháp chuyên về các sản phẩm xa xỉ đưa hàng hiệu cao cấp vào Việt Nam. Tới nay, gần 60% mặt hàng cao cấp của các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới đã lần lượt vào Việt Nam thông qua IPPG.

Được biết, một trong những điều khoản kèm theo bản hợp đồng kinh doanh hàng hiệu đó là các con của ông sau này tốt nghiệp ở bất cứ trường nào sẽ được đưa về DFS/LVMH đào tạo kinh doanh bài bản. Nhưng, không vì thế mà họ có được những ưu đãi riêng.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn yêu cầu các con của mình phải làm từ những việc nhỏ nhất, như lau chùi, kiểm hàng tồn kho, lên văn phòng, qua các thị trường khác nhau…, cho đến việc đưa ra các ý tưởng hay cùng ông bàn bạc, vạch ra các chiến lược kinh doanh. 5 người con của ông đều được đào tạo qua môi trường này. Vì xác định rõ hướng đi của IPPG là trở thành tập đoàn đa quốc gia, nên ông đã có kế hoạch đào tạo những thành viên trong gia đình để nắm các vị trí chủ chốt trong Tập đoàn.

Louis Nguyễn được giao quản lý và điều hành hoạt động của hơn 60 thương hiệu liên quan đến hàng thời trang trung cấp. Anh thừa nhận, mình và các anh chị em trong gia đình rất may mắn có một người cha vĩ đại. Chính vì thế, họ càng thấy bản thân cần phải nỗ lực mỗi ngày.

“Tôi tự hào và hạnh phúc khi được cha tin tưởng và giao phó trọng trách. Tôi luôn dặn mình phải cố gắng không ngừng để xứng đáng với niềm tin đó. Có rất nhiều điều để học hỏi từ cha, và tôi không chắc mình có thể học hết được”, Louis Nguyễn chia sẻ.

Có thể thấy, yếu tố quan trọng giúp Louis Nguyễn phần nào có được thành công như ngày hôm nay chính là những điều anh đã học được từ người cha của mình. Đó là khao khát thành công và kiên định đi theo con đường mình đã chọn, là triết lý kinh doanh nhân văn - kinh doanh không chỉ là để làm giàu cho mình, mà còn phải đóng góp thiết thực và hữu ích cho xã hội, giúp đời, giúp người; phải luôn giữ chữ tín cả trong kinh doanh và cuộc sống, phải trân trọng những người cộng sự và những ai giúp mình, cố gắng hài hòa cả 2 vai trò - ngoài xã hội và trong gia đình.

“IPPG là một tập đoàn gia đình, nhưng hiện nay, những thành viên không phải là người của gia đình đang chiếm đa số và ngày càng giữ những vai trò quan trọng hơn trong Ban Điều hành của cả IPPG và ACFC”, Louis Nguyễn tiết lộ.

Cá nhân anh cũng hiểu rằng, để Công ty có thể tiến nhanh, tiến xa và phát triển bền vững, cần một đội ngũ tài năng và tâm huyết ở tất cả các cấp. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gây dựng và phát triển doanh nghiệp trở thành nơi mà các tài năng hàng đầu lựa chọn, gắn bó và cống hiến lâu dài là điều mà anh sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện mỗi ngày.

Chân thành và chính trực, trân trọng và chia sẻ, luôn nỗ lực đến tận cùng trong mọi công việc, hết mình trong các cuộc vui của tập thể chính là cách Louis Nguyễn truyền cảm hứng trong việc xây dựng văn hóa tại ACFC.

“Tôi không bao giờ chuẩn bị trước những bài phát biểu của mình trước nhân viên, mà luôn chia sẻ một cách chân thành nhất những gì mình muốn, mình nghĩ. Tôi tin rằng, đó là cách tốt nhất để thuyết phục và xây dựng lòng tin với đội ngũ của mình”, Louis Nguyễn bộc bạch.

Cuộc chơi dốc toàn lực

Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với 100 triệu người, trong đó, tỷ lệ người sống tại thành thị khoảng 38,77%, độ tuổi trung bình của dân số khoảng 33,7 tuổi. 

Trong bối cảnh dân số tương đối trẻ, đa số người tiêu dùng thuộc thế hệ “tech savvy” (những người thích nắm bắt xu hướng công nghệ, ưa chuộng sự tiện lợi khi mua sắm), việc áp dụng chuyển đổi số, hoàn thiện mô hình mua sắm đa kênh tích hợp (Omni Channels) không còn là điều “nên chọn”, mà trở thành chiến lược “cần có” của hầu hết các doanh nghiệp. ACFC cũng không đứng ngoài xu hướng này.

IPPG Fashion sở hữu Công ty cổ phần Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC - do Tiên Nguyễn phụ trách) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu châu (ACFC - do Louis Nguyễn phụ trách).

“Omni Channels sẽ là môi trường cạnh tranh đầy cởi mở và thách thức cho các công ty bán lẻ chuyển mình sau đại dịch Covid-19. ACFC chắc chắn không chỉ nhập cuộc theo dòng chảy, mà sẽ dốc toàn lực để tiên phong biến mô hình này trong ngành thời trang thành hiện thực. 2023 là năm để chúng tôi bứt tốc”, Louis Nguyễn khẳng định.

Tháng 7 vừa qua, ACFC chính thức cho ra mắt ứng dụng ACFC - Online Fashion Shopping dành cho nền tảng di động như một “mảnh ghép” chiến lược hoàn thiện hệ sinh thái Omni Channels.

Công ty đang phân phối độc quyền hơn 20 thương hiệu thời trang quốc tế. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, ACFC tiếp tục đưa thêm hàng loạt thương hiệu đình đám thế giới như United Colors of Benetton, GUESS, Karl Lagerfeld, Sisley... về thị trường Việt Nam. Đồng thời, Công ty tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng trong nước. Tính đến cuối tháng 6/2023, ACFC có tổng cộng hơn 270 cửa hàng trên toàn quốc

Sau hơn 14 năm nỗ lực và đã tạo dựng được vị thế vững chắc cho ACFC tại thị trường Việt Nam, Louis Nguyễn đang có động thái bước ra ngoài để đón đầu những cơn gió ngược của ngành thời trang. Tháng 5/2023, cửa hàng Levi’s đầu tiên của ACFC tại Campuchia chính thức ra mắt. Đây là cột mốc mới mở đường cho hành trình chinh phục thị thường Đông Nam Á của ACFC. 

Knight Frank trong Tầm nhìn châu Á - Thái Bình Dương 2023 coi khu vực Đông Nam Á là một điểm sáng. Trong đó, thị trường Campuchia đang được khá nhiều nhà đầu tư chú ý. Dữ liệu từ CBRE cũng cho thấy, bán lẻ các mặt hàng cao cấp ở Campuchia đang được ưu tiên thiết lập để mở rộng.

Nắm bắt được điều này, Louis Nguyễn quyết định chọn Campuchia làm thị trường đầu tiên để mở rộng hệ thống phân phối của ACFC tại Đông Nam Á. Các nhãn hàng cũng ủng hộ, hỗ trợ tích cực để ACFC mở rộng phân phối sang thị trường này.

Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ACFC trải qua nhiều khó khăn, nhưng dưới sự điều hành của Louis Nguyễn, Công ty đã bật dậy mạnh mẽ với mức tăng trưởng doanh thu 200% trong năm 2022, “lật ngược thế cờ” của năm 2021 sang kinh doanh có lãi và nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp 500 triệu USD trong 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế, doanh số của ngành bán lẻ thời trang trong 6 tháng đầu năm nay sụt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước và hoạt động của ACFC cũng chịu những tác động nhất định. Tình hình những tháng cuối năm được dự báo còn tiếp tục khó khăn, nhưng với những chính sách kích cầu của Chính phủ, Louis Nguyễn kỳ vọng, kết quả kinh doanh của ACFC cũng như cả thị trường sẽ có cải thiện.

Ở cương vị hiện tại, Louis Nguyễn tập trung chủ yếu vào việc quản lý vận hành và phát triển mảng kinh doanh thời trang trung - cao cấp và thực phẩm - đồ uống (F&B) của IPPG. Đặc thù của những ngành này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thời gian khi phải quản lý một lượng lớn lao động và số cửa hàng mở mới liên tục.

Bên cạnh đó, anh hỗ trợ Tập đoàn trong các dự án mới, đặc biệt là các dự án liên quan đến bán lẻ và F&B, như các dự án phát triển các trung tâm thương mại và hoạt động kinh doanh tại các sân bay.

“Khối lượng công việc lớn, nên tôi luôn cố gắng gia tăng hiệu suất làm việc của mình, quản lý thời gian và nguồn lực một cách hiệu quả nhất để có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc”, Louis Nguyễn chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư