Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Mai Triều Nguyên: Chuyên tâm tìm sự khác biệt
Công Sang - 12/09/2015 10:50
 
Đứng ngoài cuộc chạy đua bành trướng địa điểm bán lẻ của các đối thủ cùng lĩnh vực điện thoại di động và phụ kiện điện tử, Tổng giám đốc Mai Triều Nguyên chọn một thị trường ngách khá ấn tượng để Công ty TNHH Mai Nguyên chuyên tâm phát triển. Ông gọi đó là sự khác biệt của Mai Nguyên.

Muốn tốt hơn, phải chuyên nghiệp hơn

Gặp ông Nguyên ở quán cà phê quen thuộc gần Hồ Con Rùa, lần nào cũng thấy ông ngồi chỉnh sửa, xem qua các bức ảnh sản phẩm trên máy tính trước khi duyệt đăng trên website. Ông bảo, dù đã có nhân viên làm rất tốt, nhưng vẫn muốn tốt hơn, hình ảnh phải chuyên nghiệp hơn vì khách hàng là những người chuyên nghiệp nhất.

Cũng phải, bởi dù với số lượng cửa hàng đếm trên đầu ngón tay, nhưng Mai Nguyên luôn là điểm đến của những người yêu công nghệ, thích hàng độc và chất. Nhiều sản phẩm Mai Nguyên cung cấp được xếp vào hàng xa xỉ trong lĩnh vực công nghệ. Đồng nghĩa, khách hàng mà Mai Nguyên hướng tới là những người đam mê công nghệ và phải có tiền.

.
Doanh nhân Mai Triều Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mai Nguyên

 

Nhưng trước hết, người sáng lập Mai Nguyên cũng là người mê công nghệ. Ông Nguyên kể, từ năm 2002, khi điện thoại Nokia đang ở đỉnh cao thời thượng, việc cài đặt phần mềm, nhạc chuông hay hình nền vẫn là cái gì đó phù phiếm, ông đã mày mò lập doanh nghiệp làm việc này. Ngay khi đó, Mai Nguyên trở thành cái tên có tiếng ở TP.HCM về cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho điện thoại.

Giai đoạn 2008 - 2009, nhận thấy nhu cầu sử dụng điện thoại cao cấp, lạ, chính hãng của một bộ phận những người phất lên nhờ “trúng chứng khoán, nhà đất”, ông Nguyên mở thêm nhánh Mai Nguyên Luxury chuyên kinh doanh các mẫu điện thoại của Vertu, Mobiado với mức giá đắt hơn ít nhất là ba, bốn lần các mẫu điện thoại cao cấp thời điểm đó. Từ đó, thương hiệu Mai Nguyên gắn với những sản phẩm đẳng cấp và đắt.

Tuy nhiên, do mức giá quá cao, nên sức mua của các mẫu điện thoại siêu sang không phải lúc nào cũng sôi động, trong khi đó cơn sốt smartphone, dẫn đầu bởi Apple ngày càng lấn át thị phần điện thoại. Nếu đứng ngoài xu hướng, Mai Nguyên có thể sẽ gặp nhiều bất lợi.

Hơn thế, ông Nguyên nhận ra rằng, smartphone đang thay đổi thói quen của người sử dụng, từ cách đọc báo, liên lạc cho đến giải trí như nghe nhạc, xem phim... Diện mạo Mai Nguyên một lần nữa được làm mới.

Một mặt, Mai Nguyên tiếp tục bám trụ thị trường bằng cách kinh doanh các dòng smartphone của Apple, Samsung, Sony, HTC, LG… song song với mảng Mai Nguyên Luxury. Mặt khác, Mai Nguyên lấy smartphone làm trung tâm kết nối với tất cả các thiết bị khác từ tivi, loa cho đến tai nghe...

Năm nay, Mai Nguyên chọn loa di động và tai nghe là các sản phẩm được chú trọng, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như JBL, Harman/Kardon, AKG, Bose, B&O, Sennheiser, Sony… Các sản phẩm này có mức giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài chục triệu đồng một thiết bị. “Chúng tôi muốn ai cũng có thể mua được hàng chính hãng khi vào Mai Nguyên.”, ông Nguyên nói.

Làm vì đam mê

Ông chủ người Khánh Hòa này tự nhận, kinh doanh đồ điện tử có một phần lớn vì sở thích đam mê công nghệ. Ngay năm đầu đại học, Nguyên đã bị hấp dẫn với các ứng dụng gần như không giới hạn từ các thiết bị này và dấn thân vào kinh doanh. Bắt đầu từ việc mở phòng game, bán CD, linh kiện máy tính… rồi đến điện thoại.

Niềm đam mê này khiến ông Nguyên gần như không giới hạn giờ làm việc. Hàng ngày, ông thường làm việc lúc 10 giờ sáng và kết thúc vào lúc 2 giờ sáng hôm sau. Phần nhiều thời gian để xem xét các xu hướng, sản phẩm công nghệ cao cấp trên thế giới, phân tích khả năng khai thác ở thị trường Việt Nam như thế nào…

Những thông tin, hình ảnh cập nhật các sản phẩm công nghệ, thiết bị điện tử này sẽ được ông Nguyên chia sẻ với những dòng tâm huyết trên tài khoản Facebook hay Twitter cá nhân. Hỏi ông có phải là cách PR khôn khéo của Mai Nguyên, ông nói không hẳn. “Những người đam mê công nghệ sẽ khó cưỡng lại với những xu hướng công nghệ mới, những thay đổi, tích hợp bên trong các sản phẩm công nghệ cao. Tôi chia sẻ trước hết vì nhu cầu này, sau vì thấy đó là những sản phẩm thực sự chất lượng với những mức giá phù hợp”, ông Nguyên nói.

Với dân chơi công nghệ, sự cảm nhận và chia sẻ đam mê nhiều khi quan trọng hơn mức giá của sản phẩm. Với ông Nguyên, chiến lược kinh doanh hàng công nghệ mà người sáng lập ra Mai Nguyên theo đuổi cũng bắt nguồn từ sự đam mê không giới hạn này.

Hơn thế, nếu không am hiểu công nghệ, am hiểu thị trường, Mai Nguyên chắc đã sớm đóng cửa vì ứ vốn. Hiện chỉ tính tai nghe, đã có gần 500 mẫu với giá từ 99.000 đồng cho đến 63 triệu đồng. Loa có hơn 150 mẫu từ 460.000 đồng cho đến 65,4 triệu đồng… “Khi đã kinh doanh mặt hàng của hãng nào đó thì sản phẩm thấp nhất và cao mình đều phải có”, ông Nguyên nói.

Tiêu chí này được thể hiện ngay trong quyết định đầu tư mới nhất của Mai Nguyên. Chỉ tính chi phí hoạt động và mặt bằng của Trung tâm Công ngh? Di động vừa khai trương tháng 8 vừa rồi tại TP.HCM tính sơ cũng đã vài trăm triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền vốn “ngâm” hàng. “Khủng là vây, nhưng vẫn phải làm, ông Nguyên thẳng thắn nhận định.

“Mai Nguyên thì không có tài chính để tham gia cuộc đua trên xa lộ, cao tốc, cho dù có cũng không đủ khả năng quản lý, chạy theo thì chỉ có chết. Nhưng việc đầu tư thì vẫn phải làm để ghi dấu với khách hàng trong cuộc cạnh tranh này”, ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, thị trường bán lẻ điện thoại giờ rất khốc liệt, các nhà (chuỗi) lớn như xe tải chạy trên đường cao tốc, Mai Nguyên chỉ là chiếc xe nhỏ đang lách vào những ngách nhỏ hẹp hơn.

Tuy nhiên, độ lớn thị trường ngách này không hề nhỏ. Dù không có báo cáo nào thể hiện con số tăng trưởng của thị trường này, nhưng ông Nguyên khẳng định điều này khi nhìn vào tốc độ gia tăng số lượng người giàu Việt Nam, các khoản chi tiêu cho hàng xa xỉ vẫn tăng cao, bất chấp giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài trong thời gian qua.

Theo báo cáo hồi tháng 5 năm nay về nhóm người giàu mới nổi trên thế giới của Tạp chí The Economist, nhóm này của Việt Nam có tài sản trung bình từ 2 tỷ đến 42 tỷ đồng, tăng nhanh thứ ba châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia. Cụ thể, tỷ lệ người giàu Việt Nam tăng 34,9%, nhanh hơn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Philippines.

“Trong nhóm khách hàng này, họ quan tâm đến đẳng cấp. Đây là cơ hội của Mai Nguyên”, ông nói.

Bên cạnh đó, cũng nhờ sự đam mê này, Mai Nguyên hiện là đối tác của nhiều nhãn hiệu công nghệ cao cấp, là nhà phân phối cho nhãn hiệu điện thoại Mobiado ở Việt Nam, là nhà bán lẻ ủy quyền chính thức của Apple, Bose, Sennheiser, B&O, JBL, Harman…, là đơn vị bán lẻ điện thoại đầu tiên trong khu vực TP HCM bán tivi, điện thoại, máy chơi trò chơi chính hãng của Sony…

“Nhờ có cơ hội tiếp xúc với nhiều hãng công nghệ, bám theo họ, tôi thấy được con đường kinh doanh sắp tới”, ông Nguyên nói.

Hướng đi mới trên nền công nghệ

Dự kiến đầu tháng 10 tới, toàn bộ website của Mai Nguyên sẽ được thiết kế lại hỗ trợ khách hàng, đảm bảo yêu cầu dù truy cập bằng bất cứ thiết bị nào cũng có trải nghiệm tốt nhất. Bên cạnh đó, việc thiết kế lại nhằm phục vụ cho việc mua bán trực tuyến thuận tiện hơn. Tất cả món hàng từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng đều có thể đặt và giao hàng tận nơi. Giaohangnhanh.vn và Kerry TTC sẽ lo phần giao nhận cho khách hàng.

Với Mai Nguyên, đây không phải là việc mới, vì vốn là doanh nghiệp kinh doanh trong mảng công nghệ thông tin, thương mại điện tử đã được áp dụng này từ những ngày đầu. Các đơn hàng trực tuyến giá trị hàng chục triệu đã được thực hiện.

Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết, trong năm nay công ty quyết định chuẩn hóa toàn bộ quy trình và mở rộng việc kinh doanh trực tuyến để đảm bảo các dịch vụ giao nhận đã hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn trong bối cảnh khách hàng cũng đã quen dần với thói quen mua sắm trực tuyến.

“Khi khách hàng chuyên nghiệp hơn, chúng tôi phải thay đổi để không bao giờ theo sau yêu cầu của khách”, ông Nguyên nói.

Chat với CEO Mai Triều Nguyên

Chiếc điện thoại đầu tiên ông sử dụng là của hãng nào ?

Nokia 3210, hồi đó giá khoảng hơn ba triệu đồng, tôi không còn nhớ rõ.

Quy tắc làm việc của ông là gì ?

Làm chăm chút từng tý, không nhanh, không mạnh như các tập đoàn, nhưng phải chuẩn mực trong khả năng của mình có được, khả năng mình làm được.

Tại sao ông chọn TP.HCM để kinh doanh?

TP.HCM năng động, trẻ trung. Mọi người tự do thể hiện được điểm mạnh cá nhân. Đây là đất cho người đam mê kinh doanh.
Doanh nhân 8X Đinh Khắc Tuấn: Nhắm top 50 doanh nghiệp dịch thuật toàn cầu
Câu chuyện hằng ngày mà anh Đinh Khắc Tuấn thường nói với các nhân viên và cộng sự tại Công ty Dịch thuật chuyên nghiệp CNN (Công ty CNN) là xác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư