Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Ngô Quý Đức, Nhà sáng lập “Về Làng”: Gìn giữ giá trị tinh hoa của làng nghề truyền thống
Viễn Nguyệt - 24/03/2024 08:08
 
Ấp ủ ước mơ bảo tồn và lan tỏa những giá trị làng nghề truyền thống, chàng trai trẻ Hà thành Ngô Quý Đức đã lặn lội đến các vùng quê trong hàng chục năm trời để triển khai dự án “Về Làng”, giúp nhiều làng nghề liên kết, quảng bá để mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển…
Các chương trình “Về Làng” do doanh nhân Ngô Quý Đức thực hiện đều chứa đựng thông điệp trong việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc
Các chương trình “Về Làng” do doanh nhân Ngô Quý Đức thực hiện đều chứa đựng thông điệp trong việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Dành cả thanh xuân để “Về Làng”…

Trong không gian trưng bày các sản phẩm đặc trưng của làng nghề truyền thống Việt Nam ở phố Châu Long (Hà Nội), Ngô Quý Đức bồi hồi nhớ lại hành trình “trở về ký ức” của mình. Mỗi chuyến đi thực tế làng nghề với anh đều chứa đựng những kỷ niệm khó quên.

Sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô Hà Nội, tuổi thơ của Đức gắn liền với làng quê. Đức vẫn nhớ như in những trò chơi thuở bé cùng đám trẻ trong làng, nhất là múa lân vào những đêm trăng rằm. Dù chỉ là những động tác vụng về bắt chước theo đoàn múa lân chuyên nghiệp về biểu diễn trước đó, nhưng nhóm của Đức đi tới đâu cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người.

Hình ảnh đám trẻ reo hò chạy theo chú sư tử dũng mãnh chuyển động nhịp nhàng theo tiếng trống đã tạo cảm xúc mãnh liệt trong Đức. Lúc đó, cậu học sinh cấp 1 ước mơ, trò chơi giản dị, nhưng đầy cuốn hút này diễn ra thường xuyên, để mình và các bạn không phải ngóng đợi đến ngày hội làng…

Thế nhưng, ước mơ tưởng chừng đơn giản ấy không dễ trở thành hiện thực. Người lớn thì cuốn vào guồng quay cơm - áo - gạo - tiền, chẳng mấy ai để tâm đến nhu cầu vui chơi, giải trí của đám trẻ. Còn Đức và đám bạn dù cố gắng đến mấy, thì những chiếc mặt nạ ông địa, chú tễu, chiếc trống cũng vẫn nằm ngoài tầm với, chưa nói đến chiếc đầu lân sư đắt đỏ…

Đức nhớ, năm cậu vào học cấp 2 là lúc bộ mặt làng quê nơi Đức sống thay đổi rất mạnh mẽ. Nhiều ngôi nhà trong làng được xây mới khang trang, bề thế. Ngay trong ngôi nhà nhỏ của Đức cũng có nhiều thay đổi. Bộ bàn ghế mây tre bao năm gắn với gia đình nhường chỗ cho bộ salon bằng gỗ, những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống được thay thế bằng bức tranh phong cảnh nhiều màu sắc… khiến Đức cảm thấy xa lạ, tiếc nuối vì mất đi những đồ vật thân quen gắn liền với tuổi thơ của mình.

Năm 2006, Ngô Quý Đức tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin. Sản phẩm đầu tay anh “trình làng” là một thư viện trực tuyến về văn hóa, lịch sử Hà Nội.

Tôi muốn giới thiệu những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, về bản sắc của người Việt, muốn bạn bè thế giới thấy được những gì tinh hoa nhất của làng nghề thủ công Việt Nam.
- Doanh nhân Ngô Quý Đức

“Khi chọn ngành công nghệ thông tin, tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm thế nào để tìm kiếm, lưu trữ thông tin về những món đồ thủ công gắn với làng quê, từ những chiếc rổ, chiếc rá đan bằng tre, đến những bộ bàn ghế mây nhìn đơn sơ, nhưng bên trong đó là sự công phu, rồi tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống với bộ tố nữ, tứ bình… Đến khi vào học, tôi mới nhận ra, còn nhiều điều lớn lao hơn mà mình có thể làm”, Đức kể.

Từ trang thư viện trực tuyến được đón nhận và đánh giá cao, Đức bắt tay triển khai hàng loạt hoạt động ý nghĩa khác. Ngô Quý Đức chính là người tiên phong đưa trò chơi dân gian xuống phố đi bộ Hồ Gươm vào những ngày cuối tuần. Anh cũng là một trong những người khởi xướng chương trình du khảo làng nghề, khởi nguồn của du lịch làng nghề sau này được nhiều đơn vị lữ hành triển khai… Năm 2017, Ngô Quý Đức vinh dự được TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô bởi những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng.

Mặc dù trang thư viện trực tuyến thời điểm đó còn rất sơ khai, nhưng để làm được không hề đơn giản. Đức không nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu chuyến về các làng quê Hà Nội để tra cứu, thu thập những thông tin cần thiết. Một mình rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng, bất kể nắng mưa.

Càng đi, nhãn quan của Đức càng được rộng mở. Anh được gặp gỡ, trò chuyện với các bậc cao niên, được chia sẻ về văn hóa nông thôn, từ những câu chuyện rất đời của cuộc sống làng quê, đến những thăng trầm của làng nghề, những vất vả nhọc nhằn của người dân để tồn tại với nghề... Trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân làm ra sản phẩm, trải qua những công đoạn phức tạp mới có được một sản phẩm hoàn chỉnh…, Đức như được trở về với ký ức, với những món đồ thủ công gắn với tuổi thơ.

Hào hứng với văn hóa làng quê bao nhiêu, thì thực tế tại nhiều làng nghề khiến Đức buồn bấy nhiêu. Tại sao những sản phẩm thủ công tuyệt tác như thế lại ngày càng thưa vắng trong đời sống? Đức đặt câu hỏi và ngay lập tức, anh tìm thấy câu trả lời từ chính bản thân mình. Nhịp sống công nghiệp khiến người ta lãng quên đi những món đồ từng là một phần tuổi thơ. Các sản phẩm thủ công truyền thống không chỉ là tinh hoa nghệ thuật đến từ bàn tay nghệ nhân, mà còn là bức tranh sống động tái hiện lịch sử, truyền thống của dân tộc, là bản sắc văn hóa độc đáo của một cộng đồng.

“Mình nhất định không thể đứng ngoài cuộc chơi này”, Đức thầm nhủ. Anh nghĩ, phải tận dụng những kiến thức công nghệ thông tin để kết nối làng nghề với thị trường, thúc đẩy lan tỏa giá trị truyền thống của làng nghề. Dự án “Về Làng” được nhen nhóm từ đó…

Nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc

Sau 15 năm âm thầm triển khai, đến năm 2020, “Về Làng” mới chính thức được công bố. Đức cùng với các nghệ nhân và những người thợ thủ công khôi phục những nghề truyền thống được kế thừa qua nhiều thế hệ. Anh kết hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu mẫu mã phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Để phát triển những sản phẩm có tính ứng dụng thực tế, giúp các làng nghề phát triển mẫu mã sản phẩm gần hơn với đời sống, Đức thành lập đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, nhằm kết nối đưa sản phẩm làng nghề đến những khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort để làm quà tặng lưu niệm du lịch cho du khách.

“Có một thực tế, nhiều sản phẩm thủ công làng nghề có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao như mây tre đan, đồ gốm, sơn mài…, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc trang trí, trong khi hoàn toàn có thể đẩy mạnh tiêu thụ. Tuy nhiên, khâu chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật, độ tinh xảo, thẩm mỹ cần chú trọng hơn nữa. Chúng tôi tập trung chuyên sâu vào điểm này để lan tỏa sản phẩm làng nghề ngày càng rộng hơn”, Đức chia sẻ.

Thời gian qua, Ngô Quý Đức đã làm “nhịp cầu nối” thúc đẩy sự liên kết giữa các làng nghề với doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, giao lưu giữa các nghệ nhân, doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến thành công trong việc kết nối làng nghề tre Chúc Sơn sản xuất những chiếc hộp đựng đồ cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thực dưỡng, hộp đựng quà Tết…, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở làng nghề.

Bên cạnh đó, Đức còn kết hợp với các doanh nghiệp, đơn vị chuyên về cổ phục để làm ra những sản phẩm mang giá trị văn hóa có tính ứng dụng trong đời thường.

Đặc biệt, chương trình du lịch trải nghiệm làng nghề được Đức và cộng sự xây dựng công phu, bài bản nhằm mang lại những trải nghiệm khác biệt cho du khách và những người quan tâm.

Chẳng hạn, chương trình “Về Làng - Sợi tơ vàng dệt xuyên thế kỷ” đưa du khách đến với làng nghề dệt lụa Nha Xá (Hà Nam) và làng may áo dài truyền thống Trạch Xá (Hà Nội) để du khách có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của làng nghề dệt lụa và may mặc lâu đời, được trực tiếp xem những công đoạn như dệt, nhuộm và may áo dài, tham quan không gian trưng bày của làng nghề, gặp gỡ, giao lưu với nghệ nhân. Chương trình này đã tạo sự hấp dẫn đặc biệt với những người quan tâm tới may mặc, đam mê thời trang, vải vóc, những người hoạt động trong lĩnh vực thiết kế.

Chương trình “Về Làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc” đưa du khách đến với làng Ðông Hồ để tìm hiểu nguồn gốc những bức tranh dân gian, trực tiếp in tranh; tham quan, tìm hiểu về những con phỗng đất - món đồ chơi thô mộc nhưng mang nặng hồn cốt dân gian Việt Nam, thu hút đông đảo người yêu tranh dân gian.

Chương trình “Về Làng - Rước đèn Trung thu” giúp các em nhỏ được gặp những nghệ nhân vẫn đang cặm cụi ngày đêm để làm ra những món đồ chơi truyền thống, lưu giữ dấu ấn văn hóa dân tộc…

Các chương trình “Về Làng” tập trung vào điểm nhấn lịch sử văn hóa làng và đa dạng hóa trải nghiệm của du khách đối với các nghề truyền thống thông qua hướng dẫn của những nghệ nhân, thợ lành nghề. Mỗi chuyến đi đều chứa đựng thông điệp trong việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc và được chuẩn bị rất kỹ về thông tin, kiến thức, câu chuyện, kết nối chặt chẽ với những người đang nắm giữ tinh hoa nghề truyền thống để thiết kế cho du khách những hoạt động trải nghiệm phù hợp, thú vị.

Thành công lớn nhất của “Về Làng” là sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều làng nghề, sự hỗ trợ của nhiều nghệ nhân với mong muốn gìn giữ, lan tỏa văn hóa truyền thống. Dự án có sự chung tay của nhiều bạn trẻ đang là sinh viên các ngành kinh tế, truyền thông, mỹ thuật, báo chí… có chung tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc.

“Mong muốn của tôi trong tương lai là đưa những sản phẩm chất lượng cao của làng nghề Việt không chỉ đến gần hơn với cộng đồng trong nước, mà còn lan tỏa ra quốc tế. Tôi muốn giới thiệu những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, về bản sắc của người Việt, muốn bạn bè thế giới thấy được những gì tinh hoa nhất của làng nghề thủ công Việt Nam”, doanh nhân Ngô Quý Đức chia sẻ.

Sahra Nguyễn, nhà sáng lập Nguyen Coffee Supply: Đòi lại “công bằng” cho hạt cà phê Robusta Việt Nam
Nguyen Coffee Supply là thương hiệu đầu tiên tại Mỹ chuyên bán các sản phẩm từ hạt cà phê Robusta đặc sản của Việt Nam. Không chỉ kinh doanh đơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư