-
TS. Lê Minh Phiếu, Sáng lập viên của LMP: Sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng trưởng mới -
Doanh nghiệp kỳ vọng kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn trong năm 2025 -
Nhựa Tiền Phong bổ nhiệm Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2025 - 2029 -
Đỗ Quý Sự, Nhà sáng lập, CEO FiveSS: Tiên phong phát triển sàn thương mại điện tử cho ngành xây dựng -
CEO Dutycast Nguyễn Lê Hoa: Sử dụng giải pháp công nghệ để chinh phục thị trường xuất khẩu -
TS. Ngô Phẩm Trân: Việt Nam có cơ hội vàng trở thành điểm đến của ngành bán dẫn
Nguyễn Cát Thảo, sáng lập, CEO Global Ready. |
Từ “không tiếng nói” đến đại diện hàng triệu thanh niên Australia Cố lục tìm một giai đoạn khốn khó nhất từ lúc nhập cư vào Australia đến khi gia đình đủ ăn, đủ mặc và bước sang trang mới có vẻ tươi sáng hơn, nhưng Thảo không thể chọn một. Bởi, khoảng thời gian nào đối với gia đình cô cũng tưởng chừng quá sức.
Quá khứ bỗng chốc ùa về
Khi đó, những người hàng xóm hay bạn học không thì thầm to nhỏ về một gia đình người Việt tị nạn nhập cư vào Australia, mà thẳng thừng nói: “Hãy về nơi mà cô đến từ đó”, Thảo biết, đây không phải nơi mình thuộc về.
Cô nhớ máu chảy trên đôi bàn tay mẹ khi kim công nghiệp đâm vào, nhớ khi mẹ ngủ gục tại máy may ở xưởng bởi làm quá sức, còn ba thậm chí 2 - 3 giờ sáng mới trở về từ nhà máy, kết thúc công việc một ngày.
“Ở đây, mình có miệng để ăn, nhưng không có miệng được nói. Con phải trở thành tiếng nói, không chỉ của gia đình mình, mà của bao nhiêu gia đình khác không có tiếng nói. Phải sống như thế nào để việc đến đất nước này là một quyết định xứng đáng”, Thảo nhớ như in lời căn dặn của ba, khi ấy, cô 12 tuổi.
Vậy là, từ khi còn là một đứa trẻ, cô đã nhận thức rằng, mình là “dân tộc thiểu số”. Dường như, sự hiện diện của cả gia đình cô là vô nghĩa, vô hình ở đất nước phát triển này. Đó là lý do chính khiến Thảo theo học ngành luật, dù trước đó, cô mơ ước theo ngành y. Nếu biết luật, cô biết được quyền lợi của mình và có thể tranh đấu cho những người không có tiếng nói.
Ngược thêm về quá khứ, khi băng qua những khu rừng đầy hiểm nguy ở Campuchia, thiếu nước, nhưng thừa bom mìn, gia đình Thảo đến một trại tị nạn ở Thái Lan, nơi cô được mẹ sinh ra sớm 2 tháng trước khi được lên máy bay đến Australia. Tỷ lệ người sống trong hành trình ấy chỉ khoảng 10%. Đến Australia, họ may mắn được các tình nguyện viên tại Tổ chức từ thiện Loreto giúp đỡ, cung cấp lương thực trong những ngày đầu. Để nuôi sống gia đình, ba mẹ Thảo cần mẫn làm mọi việc…
Khi 10 tuổi, Thảo từng nghĩ, nếu có cái tên “tây” hơn, có lẽ cô không bị kỳ thị. Cô đã trải qua những giây phút rất cô đơn, khi gia đình phải đối diện với những mâu thuẫn về văn hóa và cố gắng cất lên tiếng nói của mình, tìm vị trí trong cộng đồng.
Sự hy sinh của ba mẹ ngày này qua tháng nọ khiến Thảo quyết không tạo thêm bất cứ áp lực nào với họ. Lúc 14 tuổi, Thảo học trong ngôi trường chỉ có duy nhất cô là người Việt và đã tự thân vận động, đi bán từng chiếc bánh mì, lau dọn nhà vệ sinh…, dành dụm để mua đôi giày như chúng bạn mà cô từng ao ước.
Lớn hơn một chút, Thảo kiếm tiền trong mùa hè trước khi vào đại học, từ dạy thêm, giao bánh pizza hay cuốn lưới ruồi trong nhà máy… Mỗi cuốn sách luật khi đó có giá khoảng 100 đô la Australia. Một tiếng giao bánh, cô kiếm được 10 đô la Australia; còn nếu xin làm việc tăng ca tại nhà máy như cuốn lưới ruồi rồi cắt ra bỏ vào thùng - cô là phụ nữ duy nhất làm công việc này, thì có thể kiếm được nhiều tiền hơn làm ở văn phòng…
Có thời điểm, gia đình Thảo lâm vào cảnh khốn đốn vì làm ăn thua lỗ. Ba mẹ cô phải bán đi căn nhà đang có và chuyển đến sống nhờ ở nhà họ hàng.
Vào đại học, Thảo mới cảm nhận rõ nhất sự mặc cảm, hụt hẫng khi thường bị trêu chọc và không bao giờ “hợp cạ” với ai. Ở ngôi trường đại học lâu đời nhất Australia này (Đại học Sydney), hầu hết sinh viên đều xuất thân từ gia đình thượng lưu. Bạn bè phân biệt, họ nói rằng, những người ở khu Thảo sống sẽ không thể trở thành luật sư.
“Cũng phải cảm ơn sự kỳ thị đã khiến tôi trở thành một con người mạnh mẽ và kiên cường”, Thảo tự hào nhớ về kết quả đứng hạng nhất toàn trường ở 7/8 môn của khoá học. Cô còn là một trong 2 người gốc Việt trong lớp giành được học bổng toàn phần ngành luật và thương mại.
Thảo cũng hãnh diện như ngôi trường đại học cổ nhất Australia này tự hào bởi lần đầu tiên có sinh viên đại diện cho thanh niên toàn đất nước Australia tham dự Diễn đàn Liên hợp quốc năm 2004.
“Có một bức hình rất to của Thảo được treo trong Trường, lần đầu tiên một người châu Á được như vậy. Rồi tôi qua New York (Mỹ), làm việc tại phái đoàn Australia ở Liên hợp quốc và từng có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, thảo luận về nghị quyết đại diện cho Australia”, Thảo chia sẻ.
Đó là những hồi ức của nữ luật sư trẻ tuổi Nguyễn Cát Thảo về hành trình đầy gian nan trước khi cô trở thành đồng sáng lập, Chủ tịch Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam - Australia (Australia - Vietnam Young Leadership Dialogue), Tổng giám đốc Ernst & Young Law Vietnam LLC, rồi Tổng giám đốc Global Ready (hoạt động trong lĩnh vực phát triển lãnh đạo và đào tạo nhân sự).
Tìm về nguồn cội
Năm 1980, khi gia đình rời khỏi trại tị nạn Sikiew (Thái Lan) để đến Australia, Thảo mới 3 tháng tuổi.
28 năm sau, Thảo một mình trên con đường trở lại nơi mình được sinh ra. Đến biên giới Thái Lan, Thảo xuống xe buýt, nhưng không biết nên đi đâu, theo hướng nào. Lang thang dọc quốc lộ khi mặt trời dần lặn, Thảo may mắn tìm được một khách sạn để nghỉ chân và gặp ông chủ khách sạn mà ngày xưa, gia đình họ chuyên cung cấp rau củ cho trại tị nạn mà Thảo đang tìm đến.
Những người làm việc ở trại tị nạn nói, Thảo là người duy nhất quay lại trong hàng trăm ngàn người đã đến đây. Thảo được sinh ra dưới một gốc cây trong mảnh sân của trại tị nạn…
Nhưng, câu chuyện của Thảo không bắt đầu từ khi cô được sinh ra, mà được viết tiếp từ câu chuyện của các thế hệ tổ tiên, ông bà và cha mẹ.
“Ở Australia, tôi như một cái cây không có rễ. Tôi cảm nhận, mình chỉ là một nhánh nhỏ trong cây đại thụ và không biết bộ rễ ở đâu, bắt đầu thành hình như thế nào”, Thảo lý giải quyết định tìm về nguồn cội, trở lại Gò Dầu (Tây Ninh) lần đầu tiên khi cô 11 tuổi.
Ngủ trong mùng, ở trong ngôi nhà từng diễn ra đám cưới của ông bà ngoại, ngôi nhà nơi anh trai của Thảo được sinh ra, ngồi ven sông, ôm những cây dừa cao sau nhà, Thảo nhận thấy sợi dây kết nối với nguồn cội, cảm thấy mình không còn “vô hình” trong một cộng đồng. Cảm xúc ấy, trước đây, ở Australia, chưa một lần xuất hiện.
27 tuổi, trở thành luật sư, làm việc với một công ty luật quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, Thảo nhận thấy, đây là cơ hội quay về, không phải với tâm thế của một du khách để trải nghiệm, mà chính là gắn bó lâu dài với đất nước, nơi Thảo thuộc về.
Thảo nói, chính tấm gương của ba mẹ là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy cô vươn lên. Đã có lúc, mẹ cô bò dưới đất, kiếm tìm một đồng xu có thể rơi vãi trên sàn nhà để mua bánh mì. Suốt mùa đông buốt giá và hanh khô ở Australia, gia đình Thảo chẳng có bữa sáng nào nóng sốt, thậm chí không đủ áo ấm. Thảo vẫn nhớ như in, cả gia đình 5 người phải ngủ trên một chiếc giường, chuẩn bị trở thành những người vô gia cư, nhưng ba mẹ cô vẫn từ chối không làm giả hồ sơ nhận trợ cấp… Ba cô bảo, đó là tiền đóng thuế của dân, trong khi, mình còn tay chân, đầu óc, ý chí và lòng tự trọng để làm việc.
“Chèo thuyền trên biển cả đầy sóng gió, sẽ có khi mỏi tay và sẽ càng mệt mỏi, thậm chí buông tay, nếu không biết mình đi đâu. Những lúc đó, tôi nhớ lại mục đích sống của cả gia đình khi mình được sinh ra. Ngay cả việc tôi được sống cũng đã là một phép lạ. Nếu chỉ sống cho mình, chỉ phấn đấu vì thịnh vượng cá nhân, sẽ chẳng có ý nghĩa gì, một khi cộng đồng xung quanh không được như vậy”, Cát Thảo nói về hành trình đi tìm vị trí cho bản thân. Cô nói, mình đứng vững hơn khi có gốc rễ, nguồn cội.
Cát Thảo cũng là Chủ tịch HĐQT, đồng sáng lập Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam – Australia, từng là Tổng giám đốc Ernst & Young Law Vietnam LLC, Chủ tịch Hội đồng Từ thiện giáo dục Loreto - Việt Nam.
Cuốn hồi ký “We Are Here ” của Thảo đã từng vào chung kết Giải thưởng Văn học của Bang New South Wales (Australia).
-
Đỗ Quý Sự, Nhà sáng lập, CEO FiveSS: Tiên phong phát triển sàn thương mại điện tử cho ngành xây dựng -
CEO Dutycast Nguyễn Lê Hoa: Sử dụng giải pháp công nghệ để chinh phục thị trường xuất khẩu -
TS. Ngô Phẩm Trân: Việt Nam có cơ hội vàng trở thành điểm đến của ngành bán dẫn -
Những doanh nhân cựu chiến binh ở Thái Bình -
Doanh nhân Đỗ Thị Thanh Hà: “Hãy làm điều tốt nhất vào ngày hôm nay” -
Anh hùng LLVT, doanh nhân Phan Văn Quý: Làm kinh tế cũng như trong quân sự, chọn thời cơ là vô cùng quan trọng -
Nhà sáng lập cần có cả sức lực và trí lực
- GREENFEED và hành trình nỗ lực kiến tạo nền nông nghiệp bền vững
- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng - Cần một hợp tác toàn diện
- 1Business - Chìa khóa vàng trong quản trị doanh nghiệp thời đại số
- La Queenara Hội An: Bí quyết đầu tư khách sạn tạo dòng tiền
- Petrocons thông báo Danh mục thoái vốn tại các đơn vị doanh nghiệp (Kỳ 3)
- Khu công nghiệp Gilimex: Xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp hiện đại và bền vững