Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital (BCG): Hãy mơ lớn để làm được những điều tuyệt vời
Anh Việt - 07/02/2022 14:36
 
“Khi thế giới hoạt động chậm lại do đại dịch, tốc độ thay đổi đang tăng nhanh lên”. Câu nói rất hợp với BCG với chiến lược và tốc độ phát triển cao được định hướng trong 2 năm qua.
Doanh nhân Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo capital (BCG)


1.

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập BCG cuối tháng 12 vừa qua đong đầy cảm xúc đối với những người đã chứng kiến những ngày đầu gian khó của Công ty, từng người lao động đã có quãng thời gian nỗ lực không mệt mỏi, nhất là trong một năm đầy biến động do những ảnh hưởng vô tiền khoáng hậu từ đại dịch Covid-19.

Từ khởi điểm tại năm 2011 là một công ty có vài chục nhân sự, hoạt động ở hai lĩnh vực chính là dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), huy động vốn, cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin và phát triển dự án, sau một thập kỷ, BCG đã trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 60 công ty thành viên và liên kết, hơn 2.000 nhân sự, hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố, vốn hoá thị trường hơn 11.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 35.000 tỷ đồng.

Năm mảng hoạt động chính của BCG hiện nay là năng lượng tái tạo, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, sản xuất - thương mại và tài chính - bảo hiểm, trong đó năng lượng tái tạo và phát triển hạ tầng được xác định là hạt nhân trong chiến lược phát triển. Riêng mảng năng lượng, ngoài gần 600 MW đang phát điện, BCG đã sẵn các dự án để phát triển thêm 400 MW điện mặt trời và 550 MW điện gió, mục tiêu đến cuối năm 2022 đưa vào hoạt động hơn 1 GW, trở thành công ty có tầm khu vực. “Chỉ là Tập đoàn có đủ sức để làm hay không, chứ việc thì không thiếu”, ông Nam  thắng thắn.

Cũng có vấn đề quan trọng cần bàn, đó là BCG có đủ nguồn lực để triển khai, đội ngũ như thế nào, có thể duy trì được tốc độ như trước đây không. Ông Nam không ngại trả lời câu hỏi này: “Tôi không ngại sự nghiệt ngã, mức độ cạnh tranh khốc liệt của thương trường, mà thường xuyên trăn trở làm thế nào để xây dựng được đội ngũ ngày càng tinh nhuệ, mạnh lên mỗi ngày cả về thể chất và tinh thần, với tinh thần dấn thân và tư duy sẵn sàng đổi mới”.

Với quy mô tài sản trên 35.000 tỷ đồng, sở hữu danh mục dự án trải dài, BCG hiện không khó khăn trong việc gọi vốn, đặc biệt là các nguồn vốn quốc tế có chi phí hợp lý.

Công ty đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của nước ngoài nhằm gọi vốn phát triển các dự án năng lượng sạch ở Việt Nam. Đồng thời, BCG đã có năm 2021 thành công trong việc gia tăng năng lực vốn chủ. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ đã tạo thuận lợi không nhỏ cho Công ty huy động thêm vốn để có được sự cân đối hơn trong cơ cấu tài sản.

Huy động được dòng vốn lớn, triển khai các dự án để sớm tạo ra giá trị. Cuộc chơi của các tập đoàn trẻ như BCG đầy khát vọng, nhưng không phải không có rủi ro. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và hy vọng đủ năng lực, tạo được lực đẩy để vượt qua mọi thách thức. Điều quan trọng là đội ngũ điều hành quản trị của BCG với quy mô lớn như hiện nay có giữ được tay lái thật vững chắc không. Trước chúng tôi có thể làm quên ăn quên ngủ, nhưng giờ phải làm một cách thông minh hơn, với độ phức tạp nhiều hơn”, vị chủ tịch chia sẻ.

Yếu tố được ưu tiên khác trong chiến lược vững tay chèo mà ông Nguyễn Hồ Nam đề cập là quản trị rủi ro. Trước đây, BCG chấp nhận rủi ro cao hơn, có những dự án lợi nhuận cao thì chấp nhận làm, chấp nhận M&A những dự án với tỷ lệ thành công chỉ 50-50, thậm chí 40-60. “Còn giờ đây, phải học cách từ chối. Nhiều người đến hợp tác, bán dự án, liên doanh liên kết, buộc mình phải chọn, lợi nhuận thấp hơn, chi phí cao hơn nhưng sẽ an toàn hơn. Quy mô và sự phát triển bền vững của BCG buộc chúng tôi phải lựa chọn và từ chối”, ông Nam kể.

Quả thực vị thế của BCG nay đã khác, buộc Tập đoàn phải có những ưu tiên, trước là ưu tiên phát triển dự án, giờ là ưu tiên tái cấu trúc vốn. Trước kia, BCG phát triển dự án, dùng vốn vay để tài trợ cho các dự án, thì nay, Tập đoàn tăng vốn chủ để giảm nợ, tài sản, do đó sẽ mang tính ổn định bền vững hơn. “Nếu trước đây, chúng tôi ưu tiên tăng trưởng, tăng trưởng, thì giờ là làm sao để gia cố, gia cố cho một sự phát triển bền vững và thật bài bản, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn khu vực và trong môi trường cạnh tranh toàn cầu”, ông Nam chia sẻ.

Một năm 2021 đầy bận rộn của BCG đã khép lại. Năm bản lề của chiến lược dài hơi được Tập đoàn đặt mục tiêu đầy thách thức khi quyết tâm duy trì tăng trưởng trên 100% cả về doanh thu và lợi nhuận, đây là kế hoạch tham vọng so với kết quả thực hiện cao của năm 2020. Kế hoạch cao đồng nghĩa với áp lực, nhưng cũng là động lực để tạo sức mạnh cho cả tổ chức tiến lên. Một mặt đột phá ở các mảng kinh doanh mới, một mặt lên dây cót với toàn bộ nhân sự, thay đổi hàng loạt chính sách, giải quyết các nút thắt nội bộ… Và BCG đã tiếp tục gặt hái quả ngọt.

Cả 3 trụ cột chính là con người, năng lực tài chính và sản phẩm ở BCG đều có những thay đổi chóng mặt. Tập đoàn dự kiến vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt trên 800 tỷ đồng. Quan trọng hơn là hiệu quả của sự tăng trưởng tính trên năng suất mỗi người lao động, bên cạnh đó là niềm hạnh phúc, hài lòng trong công việc khi BCG được bình chọn có môi trường làm việc thuộc nhóm tốt nhất châu Á.

Những con số trên có lẽ là minh chứng tốt nhất cho chiến lược đúng hướng mà ông Nam và các cộng sự đã dày công xây dựng và thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Công ty liên tục mở rộng các không gian tăng trưởng mới, kích hoạt các nguồn năng lượng mới ở mỗi người để đạt được kết quả tốt hơn, hiệu quả hơn.

2.

10 năm trước, các lãnh đạo của BCG có thể chưa hình dung hết những gì thương trường sẽ vận động, những thăng trầm của môi trường kinh doanh. Nhưng có một sợi chỉ đỏ luôn được giữ vẹn nguyên từ những ngày đầu, đó là nhiệt huyết, sự đồng lòng, nỗ lực và sáng tạo không ngừng. Đây là điều mà ông Nam muốn nhấn mạnh khi được hỏi về hành trình tiếp theo.

“BCG vẫn là một doanh nghiệp trẻ, có lịch sử hình thành và phát triển 10 năm, nên những thành công bước đầu chỉ là những tiền đề sơ khai cho sự phát triển trong tương lai của Tập đoàn. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục tự hoàn thiện mình, điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với từng giai đoạn mới; tiếp tục học hỏi, cầu thị, làm việc thông minh hơn, chăm chỉ hơn, kiểm soát rủi ro tốt hơn, kiên định với chiến lược dài hạn của Tập đoàn”, ông Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồ Nam tự hào kể về những cộng sự của mình: “Sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng dựa trên những nền tảng đạo đức chung mà chúng tôi cùng xây dựng, bồi đắp qua năm tháng, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về sở trường, sở đoản của mỗi thành viên để phát huy, bổ khuyết, gánh vác, chia sẻ cùng nhau”.

Ở BCG, ông Nam nói, cái bóng và vai trò của Chủ tịch không quá lớn, quyền lực thuộc về Hội đồng chiến lược với 10 thành viên. “Đây là 10 ông Nam có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của Tập đoàn. Quyết định của Chủ tịch trong nhiều trường hợp còn bị phủ quyết”, ông Nam lý giải.

Khi bộ máy được quản trị bởi nhiều người, có nghĩa những người đó cùng làm chủ, hợp tác, giám sát lẫn nhau, góp ý thẳng thắn cho nhau, cùng nhau xây dựng bộ máy quản trị chặt chẽ hơn ở Tập đoàn.

“Chúng tôi là một tập thể, khi quy mô công ty ngày càng lớn hơn thì tập thể càng nhiều lên, họ đồng cam, cộng khổ, cùng làm, cùng hưởng, là những ông chủ của Tập đoàn, vai trò độc tôn của một cá nhân gần như không có. Mười mấy người, người nào cũng to khỏe như nhau thì rất mạnh, tập thể vững vàng hơn, thẳng thắn hơn, đối trọng với nhau tốt hơn, đồng thời bảo vệ nhau tốt hơn”, ông Nam chia sẻ về triết lý quản trị ở BCG.

Thực tế, 3 năm trước, BCG vẫn là cái tên rất mới mẻ, với nhiều nghi ngờ, định kiến. Những người lãnh đạo của BCG biết điều đó và chọn cách âm thầm làm việc, lấy kết quả chứng minh.

Ông Nam nói đúng, khi dám mơ lớn và hiện thực hóa được giấc mơ, BCG càng làm càng có năng lực, kinh nghiệm và thu hút được nhiều người tài. Đến nay, trong hàng ngũ của Tập đoàn có nhiều chuyên gia, nhà quản trị đầu ngành về phát triển hạ tầng, về năng lượng đầu quân.

“Năng lượng sạch và các dự án hạ tầng lớn là cuộc chơi thâm dụng vốn. Khi quy mô đã lên tầm khu vực, đến một lúc nào đó, BCG sẽ phải tính tới việc niêm yết và huy động vốn hàng tỷ USD ở nước ngoài. Rõ ràng mình phải chuẩn bị và chấp nhận cuộc chơi minh bạch, có áp lực, cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn hoàn cầu”, doanh nhân 7x chia sẻ.

3.

Của cải vật chất là một thành tựu, nhưng không phải mục đích của cuộc sống. Hệ giá trị ấy được thống nhất và chia sẻ mạnh mẽ ở BCG, để mỗi người mỗi ngày học cách cho đi bằng tất cả yêu thương.

Với những người BCG, đó là cách tốt nhất để nhận lại yêu thương, nhận lại những bài học về giá trị cuộc sống,  giá trị của lòng nhân ái. Năm 2021, BCG cho ra đời Quỹ từ thiện BCG Foundation và ủng hộ hơn 100 tỷ đồng  cho các hoạt động thiện nguyện khắp cả nước. “Trao yêu thương để nhận yêu thương là triết lý hoạt động của BCG Foundation, hay nói rộng hơn là mỗi người BCG và cả BCG”, ông Nam trải lòng.

Được làm việc, được thực hiện ước mơ, làm những điều tuyệt vời trong hành trình dài phía trước và góp phần tạo ra giá trị, cống hiến cho xã hội có lẽ là niềm hạnh phúc và cũng là động lực lớn với mỗi người lao động BCG. Bởi vậy, nếu có dịp ghé qua hay tiếp xúc với người BCG, người đối diện thường dễ dàng cảm nhận được niềm hạnh phúc và tự hào của họ về ngôi nhà chung BCG.

Đây có lẽ cũng là mục tiêu của những khát vọng lớn mà ông Nguyễn Hồ Nam chia sẻ: “Doanh nhân chúng tôi bên cạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đều mong ước góp phần xây dựng đất nước hùng cường, có thể sánh vai với các cường quốc trong khu vực và thế giới”.

Mời tư vấn chiến lược BCG, Tân Á Đại Thành đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 200%
Tập đoàn Tân Á Đại Thành xây dựng chiến lược tăng trưởng doanh thu gấp đôi, trở thành doanh nghiệp tỷ USD vào năm 2025 với sự đồng hành của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư