Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Phan Văn Hiệu, CEO CVI Pharma: Khát vọng nâng tầm giá trị thảo dược truyền thống
Dương Ngân - 15/05/2021 10:13
 
CEO Phan Văn Hiệu đã lựa chọn một hướng đi riêng biệt với việc nâng tầm thảo dược, tiên phong khai phá và mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên ứng dụng công nghệ nano trong dược phẩm.
.
Doanh nhân Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CVI Pharma.

Hành trình khát vọng

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp, tiếp xúc với Phan Văn Hiệu là sự thân thiện, gần gũi. CEO sinh năm 1978 sở hữu gương mặt thư sinh, nụ cười hiền, cặp kính cận cùng giọng nói trầm ấm. Trò chuyện và lắng nghe, tôi cảm nhận được ở anh niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học trong ngành dược và phát huy giá trị các thảo dược truyền thống của Việt Nam.

Trong cuộc trò chuyện, anh Hiệu nhắc nhiều tới vợ của mình - người mà anh đặc biệt trân trọng, cũng chính là cộng sự đã giúp đỡ anh rất nhiều trong công việc và đã dành rất nhiều tâm sức giúp anh chăm sóc gia đình nhỏ với hai công chúa.

“Gia đình là bệ đỡ, là động lực để giúp tôi nỗ lực mỗi ngày, để mỗi khi bước chân về nhà sẽ gác lại mọi âu lo, muộn phiền, cùng con thơ vui chơi và trò chuyện”, anh Hiệu trải lòng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hưng Yên, ngay từ nhỏ, cậu bé Phan Văn Hiệu đã được tiếp xúc với nhiều loại dược liệu, bởi cứ mỗi khi ốm, khi đau, anh lại được bà, được mẹ dùng các bài thuốc dân gian để chữa lành.

Do được làm quen với cây thuốc từ nhỏ, nên chàng trai trẻ Phan Văn Hiệu luôn nung nấu khát vọng trở thành dược sĩ. Anh nỗ lực học tập để thực hiện ước mơ bước chân vào cảnh cổng Trường đại học Dược Hà Nội danh giá.

Sau khi ra trường, 10 năm vất vả, lặn lộn mưu sinh không khiến anh quên đi khát vọng sản xuất các sản phẩm tốt cho sức khỏe người dân từ nguồn dược liệu phong phú của dân tộc. Năm 2013, sau nhiều trăn trở, anh cùng người bạn thân thành lập CVI Pharma.

Từ những ngày đầu khởi nghiệp và cho đến bây giờ, người dược sĩ trẻ luôn trăn trở, bởi anh thấy nhiều người dân còn nghèo và khổ. Những lúc chứng kiến cảnh người dân quê đau ốm phải chạy vạy ngược xuôi lo tiền trang trải chi phí điều trị và thuốc men đắt đỏ, anh thấy xót xa và càng khát khao sản xuất những sản phẩm tốt, giá hợp lý.

CEO Phan Văn Hiệu đã lựa chọn cho CVI Pharma một hướng đi riêng biệt thông qua việc triển khai những đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano phát triển các sản phẩm từ dược liệu Việt và sản xuất ra thành phẩm.

Thảo dược đầu tiên được CVI Pharma lựa chọn là củ nghệ. Trong dân gian, nghệ là vị thuốc trị bệnh dạ dày, ngăn ngừa ung thư và làm đẹp… vì có chứa tinh chất curcumin. Thời điểm đó, công nghệ nano còn rất mới mẻ. CVI Pharma đã tiên phong ứng dụng và hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công nano curcumin - thành phần hoạt tính có giá trị sinh học cao chiết xuất từ củ nghệ.

Từ tiếng vang đầu tiên ghi dấu son trên thị trường dược, CEO Phan Văn Hiệu cùng đội ngũ CVI Pharma tiếp tục nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm CumarGold, giúp hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày và một loạt sản phẩm làm đẹp, trị sẹo, trị mụn, lành da…

Các sản phẩm của CVI Pharma từng bước tạo dựng lòng tin, chinh phục khách hàng bằng tính ưu việt của mình. Sau 8 năm thành lập, CVI Pharma đã đạt doanh số gần 300 tỷ đồng. Đội ngũ nhân lực gồm hơn 300 cán bộ, nhân viên, trình dược viên tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mang lại hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân

Thường xuyên đến các cơ sở y tế, từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ung bướu, chứng kiến người bệnh bị hành hạ đau đớn mỗi lần hóa xạ trị, anh Hiệu xót xa vô cùng. Anh quyết tâm tìm ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược thiên nhiên, giúp giảm bớt gánh nặng bệnh tật và mang lại hy vọng sống cho họ.

Cơ duyên đã kết nối anh với TS. Hà Phương Thư, Trưởng phòng Nano Y sinh (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Biết đến TS. Thư qua đề tài nghiên cứu “Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư” được nhận Giải thưởng L'Oreal UNESCO, anh đã chủ động gặp gỡ, chia sẻ trăn trở của mình và bày tỏ mong muốn hợp tác.

Những tâm hồn đồng điệu đã gặp nhau. Chính TS. Hà Phương Thư cũng từng phải chứng kiến người bạn thân bị giày vò đau đớn trong quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Hơn ai hết, chị muốn mang đề tài nghiên cứu của mình trao cho đơn vị dược phẩm uy tín, có tâm, có tầm để sản xuất sản phẩm thảo dược hỗ trợ ung bướu ứng dụng phức hệ nano FGC đầu tiên ở Việt Nam, góp phần chăm sóc sức khỏe người bệnh.

CumarGold Kare ra đời chính là món quà kết tinh từ trái tim và trí tuệ của doanh nghiệp và nhà khoa học. Với công dụng giảm độc tính hóa xạ trị, sau 5 năm xuất hiện trên thị trường, CumarGold Kare đã xoa dịu nỗi đau và mang lại hy vọng sống cho hàng ngàn bệnh nhân ung bướu.

Những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh lý về gan ngày càng gia tăng và Việt Nam là nước nằm ở top cao trong khu vực về tỷ lệ bệnh nhân nhiễm viêm gan B (khoảng 15% dân số mắc các bệnh lý về gan). Ung thư gan trở thành căn bệnh thế kỷ, đứng thứ 2 trong các nguyên nhân gây tử vong do ung thư.

Mong muốn góp phần công sức vào công cuộc bảo vệ lá gan người Việt, anh Hiệu và đội ngũ CVI Pharma lại tiếp tục tìm kiếm và may mắn gặp được đề tài khoa học chứng minh tác dụng của thảo dược quý ngàn năm Ưng bất bạc, hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh gan do TS. Trần Đức Dũng nghiên cứu hơn 10 năm ở Đài Loan. Đề tài này đã được đồng cấp bằng Sáng chế tại Mỹ và Đài Loan, vinh dự nhận giải thưởng “Nghiên cứu Trung y dược Hứa Hồng Nguyên” - giải thưởng uy tín của Đài Loan.

TS. Trần Đức Dũng đã chuyển giao đề tài cho CVI Pharma để sản xuất sản phẩm Heposal giúp bảo vệ, phục hồi tế bào gan. Heposal không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe người mắc bệnh gan, mà còn giúp bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý Ưng bất bạc trên chính quê hương Hà Tĩnh của TS. Trần Đức Dũng.

Tái cấu trúc để bứt phá

Anh Hiệu chia sẻ, Việt Nam có rất nhiều cây dược liệu tốt như nghệ, gừng, gấc… và hoàn toàn có thể phát triển thành cường quốc xuất khẩu dược liệu nếu đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao để cho ra nhiều sản phẩm tốt. “Như thế, chúng ta mới có tên trên bản đồ dược thế giới”, anh nói.

Đây cũng là định hướng phát triển mà “thuyền trưởng” Phan Văn Hiệu đã xác định cho CVI Pharma ngay từ ngày đầu thành lập. Việc xuất khẩu sản phẩm dược liệu ra nước ngoài, tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… không chỉ thể hiện sự phát triển của ngành dược phẩm, sức cạnh tranh của các sản phẩm “Made in Vietnam” tại thị trường châu Á, mà còn là tiền để để dược phẩm Việt tiến xa trên thị trường thế giới. 

Năm 2017, CVI Pharma bước lên một tầm cao mới với dự án nhà máy dược phẩm công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam, tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, được cấp phép xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).

Nhà máy có công suất 100 triệu sản phẩm/năm, sở hữu dây chuyền sản xuất đạt GMP, CGMP, GMP-WHO và ISO 13485:20186 cho sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc đông dược và thiết bị y tế loại A, với hướng đầu tư ưu tiên công nghệ chiết xuất siêu tới hạn; giải mã công nghệ men vi sinh; công nghệ bào chế vật liệu nano y sinh…

Anh Hiệu cho biết, Nhà máy Dược phẩm công nghệ cao CVI Pharma sẽ cung ứng ra thị trường những sản phẩm dược phẩm “Made in Vietnam”, thúc đẩy phong trào “Người Việt dùng thuốc Việt”, mang lại cuộc sống khỏe mạnh và niềm hy vọng mới cho cộng đồng.

Ngay khi chính thức vận hành (tháng 1/2020), Nhà máy đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với đối tác Rocket International INC (Hàn Quốc), nhận hàng chục đơn đặt hàng gia công từ các công ty dược phẩm trong nước.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cùng với những khó khăn, thách thức nội tại của ngành dược khiến tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam nói chung và đối tác nước ngoài bị trì hoãn, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Nhà máy, đòi hỏi CEO Phan Văn Hiệu cùng ban lãnh đạo CVI Pharma phải nhanh chóng thay đổi chiến lược.

Để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh hiện tại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, CVI Pharma đang đẩy mạnh tái cấu trúc, tập trung cho công tác đào tạo, phát huy sức mạnh nội tại, tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới, cách làm mới để duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh, đón cơ hội bứt phá.

Anh Hiệu cho rằng, muốn thành công, không nên ngại thay đổi. Bởi nếu cứ đi mãi một con đường, bạn sẽ “ngủ quên” trên chiến thắng và không kịp “thức giấc”, không bắt kịp những đòi hỏi gắt gao từ thực tế cuộc sống.

“Trong nguy có cơ, chúng tôi sẽ biến thách thức thành cơ hội, tranh thủ thời gian để thiết lập và hoàn thiện bộ máy hoạt động theo mô hình hệ sinh thái, bao gồm công ty mẹ là CVI Pharma và Nhà máy cùng các công ty thành viên. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp lần này sẽ tạo đà cho CVI Pharma bứt phá vươn lên, giữ vững vị thế tiên phong công nghệ dược phẩm”, CEO Phan Văn Hiệu tự tin nói.

Tầm nhìn năm 2025, CVI Pharma sẽ nằm trong top đầu ngành dược Việt Nam và trở thành một trong 10 doanh nghiệp dược niêm yết có giá trị cao nhất trên sàn chứng khoán, tự tin vươn ra biển lớn, góp phần khẳng định thương hiệu dược phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.

Với chiến lược kinh doanh bài bản, tầm nhìn xa rộng, cùng trí tuệ và trái tim của những người dược sĩ mang trong mình khát vọng nâng tầm thảo dược, CEO Phan Văn Hiệu và ban lãnh đạo CVI Pharma luôn coi khoa học - công nghệ là kim chỉ nam để xây dựng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững.

“Chuyển đổi số chính là những đổi thay mang tính chiến lược, giúp đơn giản hóa quá trình xử lý và quản trị cơ sở dữ liệu của Công ty, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thời đại”, doanh nhân Phan Văn Hiệu chia sẻ.

Nguyễn Bá Cảnh Sơn, sáng lập, kiêm CEO Dat Bike: Sản xuất xe điện “Made in Việt Nam” với cảm hứng từ Tesla
Những chiếc xe điện Tesla chính là lý do khiến Nguyễn Bá Cảnh Sơn từ bỏ vị trí lập trình viên tại Mỹ để về nước, thành lập hãng sản xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư