-
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tăng cường kết nối với doanh nhân trẻ ASEAN -
[Ảnh] Vinh danh Top 10 Doanh nhân trẻ Thăng Long năm 2024 -
Tôn vinh Top 10 Doanh nhân trẻ Thăng Long năm 2024 -
Nhà đầu tư kém mặn mà với start-up chỉ có “solo founder” -
Doanh nhân Lương Tú Anh, Giám đốc điều hành NodeX Asia: Tiên phong cung cấp dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh -
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga kể chuyện 135 ngày thần tốc kiến tạo tuyệt tác sân gôn tại xứ Huế
Doanh nhân Phan Văn Minh. |
Từ người làm thuê đắt giá đến ông chủ... nghèo
Giới kinh doanh bánh kẹo ở Việt Nam không mấy người không biết đến Phan Văn Minh, bởi ông đã nhiều năm làm Phó tổng giám đốc Kinh Đô Miền Bắc, phụ trách kinh doanh và có tới gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhiều người nhận xét, Phan Văn Minh rất mạnh trong lập chiến lược kinh doanh và marketing, thiết lập hệ thống phân phối, chính sách vận hành kinh doanh, phát triển lực lượng bán hàng... Thế nên, nếu đứng ra kinh doanh riêng, Phan Văn Minh ắt hẳn sẽ thành công.
Vậy mà không, dù quyết định khởi nghiệp ở tuổi 42, lúc không chỉ năng lực tài chính, mà cả kinh nghiệm kinh doanh đều có thừa, Phan Văn Minh và các cộng sự của mình đã có lúc đối mặt với muôn vàn khó khăn, tưởng chừng mọi nỗ lực đều đổ ra sông, ra bể. “Có lẽ, cũng chỉ vì tôi quen làm ở doanh nghiệp lớn, nên đã ‘chơi lớn’ giống như đại gia, mà quên mất rằng doanh nghiệp của mình chỉ là doanh nghiệp nhỏ”, Phan Văn Minh chia sẻ.
Chuyện bắt đầu vào khoảng hơn 2 năm trước đây, khi thương hiệu bánh kẹo số 1 Việt Nam mà ông đang là một người làm thuê đắt giá được bán cho một đối tác nước ngoài. Không chỉ ông, mà nhiều cán bộ quản lý khác thấy hụt hẫng. Với nhiều năm kinh nghiệm, lại quyết tâm tìm lại giấc mơ thương hiệu Việt, nên ông cùng một số cộng sự quyết định thành lập công ty mới mang tên Santa. Xây dựng dự án rất cẩn thận, chi tiết, rồi hăm hở tìm đến ngân hàng để vay vốn.
Nhưng trái với kỳ vọng, hết ngân hàng này đến ngân hàng khác từ chối, vì Santa là một tên tuổi quá mới. Phải đến ngân hàng thứ 4, khi lãnh đạo ngân hàng này nhận ra những người sáng lập Santa đều có tên tuổi, nhiều kinh nghiệm, lại có quyết tâm lớn, nên mới quyết định cho vay vốn. Có tiền, Phan Văn Minh nhập máy móc, xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị cho “đứa con” sắp ra đời. Sau bao trông đợi, sản phẩm đầu tiên ra lò trong khắc khoải, nhưng thật buồn là chất lượng bánh không như trông đợi.
Lại phải làm đi làm lại, nhưng chất lượng vẫn không như ý. “Đến lúc này, tôi mới nhận ra một điều rằng, thuyết phục thiên hạ bánh ngon là một chuyện, để làm ra một chiếc bánh ngon thực sự là khó vạn lần”, Phan Văn Minh kể.
Nhưng trời không phụ lòng người, sau nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm, cuối cùng, vào tháng 8/2017, dòng sản phẩm bánh sữa đầu tiên đã ra lò, mang tên Merry. Ai cũng hồ hởi, nhất là khi sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận ngay lập tức.
Nhưng đó lại là lúc mọi chuyện không ngờ nhất xảy ra. “Mọi chuyện quá thuận lợi, đến mức ngay lập tức, chúng tôi quyết định mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường vào miền Trung, miền Nam và chuẩn bị cho ra mắt sản phẩm mới. Nhưng trong lúc đang hăm hở thì doanh số sụt giảm, dòng tiền bị đình trệ, hàng tồn kho rất lớn”.
Ông bảo, khi ấy thậm chí ông đã rất sững sờ, không tin vào sự thật đó. Sững sờ và lo lắng, bởi chi phí trả lương công nhân, mua nguyên liệu đầu vào quá lớn, mà không thể không trả. Chưa kể, nợ ngân hàng cũng đã đến lúc đáo hạn... Áp lực bủa vây. Có lẽ, hơn 20 năm kinh doanh, ông chưa từng đối mặt với tình huống này bao giờ.
“Tôi băn khoăn lắm, chất lượng bánh tốt, được đánh giá cao, nhưng tại sao lại không tiêu thụ được. Chúng tôi phải lao ra thị trường gặp nhà phân phối, đại lý để tìm hiểu vì sao và đã nhận ra sai lầm của mình”.
Một cách thành thật, ông bảo, sai lầm của mình chính là hành xử như đại gia, trong khi thực chất mình chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, “con nhà nghèo”. Dốc tiền xây dựng hệ thống phân phối, bán hàng rất lớn. Có bao nhiêu tiền đổ hết vào xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại, đến nỗi không có tiền để làm thương hiệu, trong khi thị trường chẳng biết Santa là ai.
Bán hàng mà người tiêu dùng chẳng biết mình là ai, dù sản phẩm tốt đến mấy, đều sẽ thất bại. Đó là lúc Santa cận kề với nguy cơ phá sản.
Quyết liệt vì giấc mơ thương hiệu Việt
Thực ra, với kinh nghiệm của mình, Phan Văn Minh hoàn toàn có thể tiếp tục là một người làm thuê đắt giá, thu nhập tốt mà chẳng cần phải quá lao tâm khổ tứ. Khi ấy, nhà đầu tư nước ngoài mới tiếp quản công ty Việt cũng sẵn sàng trả cơ chế tốt để giữ chân người tài. Nhưng Phan Văn Minh từ chối. Các cộng sự của ông cũng vậy. Họ tiếc bao năm gây dựng thương hiệu số 1 trên thị trường bánh kẹo Việt Nam. Họ khao khát giấc mơ xây dựng được một thương hiệu Việt cho riêng mình. Và đó là lý do Phan Văn Minh khởi nghiệp ở tuổi tứ tuần.
Còn vì sao lại là Santa, thì Phan Văn Minh trả lời rằng, Santa, tên công ty ông, có trong hai chữ Santa Claus - ông già Noel, người chuyên đi tặng quà và mang lại niềm vui cho các gia đình. Thương hiệu sản phẩm Merry cũng bắt nguồn từ cụm từ Merry Christmas. Bánh kẹo là sự sẻ chia, nên Phan Văn Minh cũng muốn sẻ chia niềm vui và đưa Merry đến với mọi gia đình. Hơn nữa, đặt tên nước ngoài cũng là để sau này, khi sản phẩm được đưa ra thị trường quốc tế, tiếp cận thị trường và người tiêu dùng ngoại dễ dàng hơn.
“Thực ra, khi bắt đầu xây dựng Công ty, chúng tôi cũng thận trọng đưa ra lộ trình phát triển của riêng mình. Chỉ là, trong mấy tháng đầu đã rất thành công, khiến chúng tôi quên đi sự thận trọng, quên đi cả những phương án dự phòng”, Phan Văn Minh chia sẻ.
Nhận ra sai lầm rồi thì phải sửa chữa. Là người có nhiều năm kinh nghiệm, ngay lập tức, Phan Văn Minh và các cộng sự biết mình phải bắt đầu từ đâu. Ấy là bằng chính sự sẻ chia. Thế nên, ông quyết định thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển từ định phí sang biến phí, quyết định cùng chia sẻ lợi nhuận với nhà phân phối và điểm bán, nhằm khuyến khích họ tiếp tục gắn bó với công ty và nỗ lực nhiều hơn. Họ càng bán được nhiều hàng thì càng có lợi. Với nhân viên cũng thế, cách trả lương cũng được thay đổi, gắn với cơ chế tự thân, càng làm tốt, thu nhập càng cao. Nhờ thế, không chỉ nhân viên, mà cả hệ thống phân phối cũng có thêm động lực để làm việc.
Tất nhiên, kinh doanh giữa một thị trường bánh kẹo không chỉ thật giả lẫn lộn, mà có rất nhiều thương hiệu nội - ngoại đình đám trên thị trường cùng tham chiến, sẽ không dễ để Santa cạnh tranh. Nhưng đến giờ, mọi chuyện đã bắt đầu đi vào quỹ đạo.
“Chiến lược của chúng tôi là ban đầu tung ra các sản phẩm mà nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh để có nguồn lực tồn tại đã. Sau đó, sẽ là các sản phẩm độc đáo, khác biệt”, Phan Văn Minh cho biết.
Quả thật, giờ đây, nhìn vào danh mục sản phẩm của Santa, từ bánh quy sữa, quy kem, bánh quy socola mang thương hiệu Merry, rồi các sản phẩm Gourmet, các mặt hàng dành riêng cho thị trường Tết..., mới thấy bước đi nhanh chóng của Santa, sau chỉ một thời gian ngắn đi vào hoạt động.
“Giờ chúng tôi vui mừng khi có một nhà máy quy mô 5.000 m2, hai dây chuyền sản xuất hiện đại. Tất cả các sản phẩm của Santa đều được sản xuất bằng nguyên liệu tốt nhất, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tới đây, sẽ còn nhiều sản phẩm khác được cho ra mắt thị trường”, Phan Văn Minh tự hào.
Những sản phẩm của Santa đã bước đầu tạo sự khác biệt trên thị trường. Đến mức, đã có nhiều nhà sản xuất nước ngoài tìm đến để hợp tác. Có cả những doanh nghiệp có bề dày trên 100 năm phát triển trên toàn cầu.
Dường như, tương lai đang mở ra trước mắt Santa và Phan Văn Minh. Sẽ không còn là doanh nghiệp “con nhà nghèo” nữa, một ngày không xa, Santa sẽ thực sự trở thành “đại gia” trên thị trường bánh kẹo Việt và thế giới, như mong muốn của người đứng đầu doanh nghiệp này. Khi ấy, thương hiệu Việt sẽ thực sự tỏa sáng.
Chặng đường kinh doanh của ông Phan Văn Minh sẽ có trong “Những câu chuyện thật” của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, phát sóng lúc 9h45 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam sáng Chủ nhật (ngày 10/3) tuần này.
Sau khi ra mắt format “Những câu chuyện thật”, Chương trình CEO - Chìa khóa thành công ngày càng thu hút sự quan tâm, yêu thích của khán giả nhờ việc khai thác tối đa những “doanh nghiệp thật - doanh nhân thật - bài học thật”, qua đó, tạo cầu nối để những vị doanh nhân thành đạt có thể chia sẻ câu chuyện đáng nhớ của mình.
Bên cạnh đó, trong mỗi chương trình còn có sự đồng hành của hai vị khách mời là những chuyên gia uy tín để cùng khái quát lại những bài học giá trị trong phần “Bàn tròn CEO”.
Tuần này, cùng đồng hành với doanh nhân Phan Văn Minh là ông Thái Quốc Minh, thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và ông Lê Phụng Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty USIS Group.
Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.
Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG của Youtube.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Trung ương Hội các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (VCCI).
-
Chủ tịch Meey Group: Công nghệ là lời giải cho nhiều bài toán khó của thị trường bất động sản -
Nhà đầu tư kém mặn mà với start-up chỉ có “solo founder” -
Doanh nhân Lương Tú Anh, Giám đốc điều hành NodeX Asia: Tiên phong cung cấp dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh -
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng: IMC đầu tư mạo hiểm vì lợi ích của cộng đồng -
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga kể chuyện 135 ngày thần tốc kiến tạo tuyệt tác sân gôn tại xứ Huế -
Nguyễn Phước Tây, chủ chuỗi vườn rau sạch khép kín: Từ “gieo nhân” đến hái “quả ngọt” -
EuroCham và Bosch Việt Nam cùng thay đổi nhân sự cấp cao
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 6/10 -
2 Có thể phải điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án sân bay Long Thành -
3 Vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2: Những con số mặn đắng nước mắt -
4 Đánh thuế bất động sản thứ hai: Người đi thuê hoặc mua nhà ở thực sẽ chịu thiệt -
5 Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Nhắm đích cuối năm 2025
- Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng đến TP. Munich
- Giải thưởng APEA 2024 tôn vinh doanh nghiệp và doanh nhân xuất sắc tại Việt Nam
- Ký kết Hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4
- Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) được vinh danh tại giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc châu Á 2024
- Dai-ichi Life Việt Nam 4 năm liên tiếp đạt hai giải thưởng lớn tại Asia Pacific Enterprise Awards 2024
- Phát triển công trình xanh từ chính sách đến hành động và vai trò của doanh nghiệp tiên phong